Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thói quen của người lớn khiến trẻ đối mặt nguy cơ nhiễm nCoV

Khi trẻ dưới 18 tuổi chưa được tiêm vaccine Covid-19, phụ huynh cần cẩn trọng hơn trong các hoạt động của mình.

Sau khi đạt tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cao cùng số lượng ca mắc hàng ngày giảm dần, nhiều tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương..., bắt đầu nới lỏng giãn cách để người dân hoạt động bình thường trở lại.

Tuy nhiên, trẻ em dưới 18 tuổi hiện chưa nằm trong nhóm được tiêm chủng vaccine Covid-19. Bên cạnh khó khăn trong việc đi lại, điều này cũng khiến nhiều phụ huynh lo ngại về sức khỏe của con.

Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhấn mạnh trong môi trường còn nhiều nguy cơ như hiện nay, ngoài đảm bảo nghiêm các biện pháp an toàn cho trẻ, người lớn cũng phải lưu ý các hành động của chính mình.

Nguy cơ lây nhiễm từ người lớn

Bác sĩ Khanh khẳng định nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2 cho trẻ em hiện nay xuất phát phần nhiều từ người lớn. Cụ thể, sau khi nới lỏng, người lớn đến nơi đông đúc và trở về, tiếp xúc với trẻ ở nhà. Trong trường hợp quên sát khuẩn tay, người lớn dễ dàng lây nhiễm virus cho trẻ.

Một nguy cơ khác là các dụng cụ, trang thiết bị người lớn mang đi làm, tới nơi công cộng. Điện thoại, máy tính..., là các vật trung gian mang theo virus rất nguy hiểm và thường xuyên được người lớn cho trẻ cầm, nghịch.

nguy co lay nhiem ncov cho tre em anh 1

Một gia đình có con nhỏ tại TP.HCM lên xe trở về Phú Yên sau khi thành phố nới lỏng giãn cách. Ảnh: Phạm Ngôn.

Do đó, những vật dụng này cần thường xuyên được vệ sinh bằng dung dịch sát khuẩn, nhất là trước khi chúng được trẻ tiếp xúc.

Vị chuyên gia lưu ý thêm: “Khi đưa trẻ ra ngoài chơi, người lớn cũng cần đặc biệt cẩn trọng và thường xuyên nhắc nhở. Trẻ em rất nghe lời khi được yêu cầu đeo khẩu trang. Tuy nhiên, khi chạy chơi, trẻ có thể quên tất cả biện pháp như khẩu trang hay rửa tay”.

Ông cũng khuyến cáo phụ huynh hiện chưa nên đưa trẻ đến những nơi quá đông người. Nguyên nhân là số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn còn, vaccine Covid-19 chưa được bao phủ cho toàn bộ người dân.

Thậm chí, thời gian này, việc cho trẻ chơi đùa với bạn ở khu phố, chung cư, trong xóm cũng buộc phải hạn chế.

“Nếu trẻ muốn chơi trong xóm, chúng ta phải biết khu phố đó hoàn toàn sạch. Tuy nhiên, điều này là rất khó. Trẻ ra ngoài chơi có thể khiến chúng nhiễm nCoV không rõ nguồn lây”, vị chuyên gia nói.

Bởi vậy, trong tình hình hiện nay, bác sĩ Khanh khuyến cáo các phụ huynh vẫn phải hạn chế việc trẻ ra ngoài khi không cần thiết. Chỉ cho trẻ chơi với người trong nhà hoặc giao tiếp qua Internet.

“Chỉ khi trẻ ra ngoài cùng người trong gia đình, đến một không gian vắng, chúng ta mới có thể tạm yên tâm bởi đã ở chung một thời gian dài trước đó”, bác sĩ Khanh kết luận.

Lưu ý khi đưa trẻ ra ngoài

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định trong trường hợp gia đình đưa trẻ ra ngoài, hai cách bảo vệ tốt nhất là khẩu trang và nước rửa tay.

“Hiện nay, khẩu trang cũng có loại cho trẻ em. Phụ huynh nên cố gắng tìm và cho trẻ sử dụng loại khẩu trang này để che được kín mặt”, vị chuyên gia gợi ý.

Ngoài ra, phụ huynh cũng nên tìm hiểu trước nơi sẽ đưa trẻ đến, đánh giá mật độ người ở khu vực đó. Nếu nơi đến không đông người, phụ huynh có thể cho trẻ ra ngoài chơi theo cụm gia đình và thường xuyên để mắt tới con, tránh tình trạng trẻ ham chơi, chạy tới nhóm khác, từ đó làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

nguy co lay nhiem ncov cho tre em anh 2

Một gia đình ở TP.HCM đưa con đến phố đi bộ Nguyễn Huệ đi dạo khi thành phố mở cửa. Ảnh: Duy Hiệu.

Bác sĩ Khanh cho biết: “May mắn là trẻ nhiễm nCoV thường diễn biến rất nhẹ, trừ trường hợp thừa cân, có bệnh nền. Do đó, phụ huynh có thể không cần quá lo lắng”.

Theo ông, tỷ lệ mắc Covid-19 và có biến chứng ở trẻ khá thấp. Đa số trẻ sau khi mắc bệnh cũng đáp ứng điều trị tốt nếu phát hiện sớm dấu hiệu biến chứng. Với trẻ em, Covid-19 thậm chí diễn biến nhẹ hơn nhiều các bệnh như sốt xuất huyết, sởi, chân tay miệng...

“Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là trẻ trở thành nguồn lây SARS-CoV-2 cho người cao tuổi trong gia đình”, vị chuyên gia nói.

Về vấn đề tiêm vaccine, bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng khuyên phụ huynh không nên nôn nóng, vượt rào để tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ. Vaccine phòng Covid-19 có thời gian nghiên cứu khá nhanh và vẫn còn khá mới, do đó, việc tiêm chủng cho trẻ em cần được cân nhắc thận trọng.

"Vaccine phòng bệnh từ trước đến nay thường nghiên cứu tiêm chủng trên đối tượng là trẻ em. Nhưng với vaccine Covid-19 thì nghiên cứu tiêm cho người trưởng thành. Việc tiêm vaccine cho trẻ em cần được cân nhắc dựa trên yếu tố bao gồm công nghệ sản xuất, số liệu nghiên cứu", ông cho hay.

Mới đây, Bộ Y tế đã khuyến cáo trẻ em dưới 18 tuổi chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Do đó, nếu không thực sự cần thiết, cha mẹ, người lớn cần tránh cho trẻ ra đường.

Liên quan việc đi lại của trẻ em khi một số thành phố mở cửa trở lại, đại diện Bộ Y tế cho hay nếu bắt buộc phải ra đường, trẻ dưới 18 tuổi cần tuân thủ nguyên tắc 5K.

Về chủ trương tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ, Bộ Y tế đã triển khai xây dựng hướng dẫn liên quan việc tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 17 tuổi.


Cách phân biệt cảm cúm và Covid-19 Dù các triệu chứng khá giống nhau, người dân có thể phân biệt cảm cúm và Covid-19 dựa trên dấu hiệu đau họng ban đầu và mất mùi vị sau khoảng một tuần.

Vì sao nhiều trẻ nhỏ chưa được tiêm vaccine Covid-19?

Các thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 trước đó chỉ thực hiện ở người trên 18 tuổi. Do đó, vaccine này không thể sử dụng cho trẻ em mà cần thời gian nghiên cứu kỹ.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm