Theo Variety, hiệu ứng từ scandal của Will Smith giúp lượng người xem trực tiếp lễ trao giải Oscar lần thứ 94 tăng 56%, lên 15,4 triệu người, thoát cảnh thảm hại nhất lịch sử của năm ngoái - chỉ 9,85 triệu. Dẫu vậy, con số này nhìn chung vẫn thấp.
Một tuần sau đó, rating Grammy nhích lên 1,4% so với năm 2021 cũng nhờ vào màn chế nhạo cú tát của diễn viên King Richard từ LeVar Burton. Chương trình được phát sóng trên kênh CBS ghi nhận 8,93 triệu lượt xem.
Nhờ có cú tát của Will Smith, Oscar và những lễ trao giải ăn theo sự vụ này đã đạt mức rating nhỉnh hơn năm trước. Ảnh: Glamour. |
AP đặt ra câu hỏi, nếu không có bê bối của Will Smith thì năm nay liệu rating của hai giải thưởng lớn nhất trong lĩnh vực phim ảnh và âm nhạc sẽ ra sao?
Rating giảm sâu
Oscar vốn là cỗ máy kiếm tiền của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (AMPAS) khi Disney (chủ sở hữu đài ABC) chi 900 triệu USD cho bản quyền phát sóng lễ trao giải đến năm 2028. Nhưng thực tế, rating của giải thưởng đã rơi tự do từ nửa thập kỷ nay, gây ra mối lo ngại lớn cho đơn vị tổ chức.
Năm 2015, rating của Oscar với 37,3 triệu người xem đã được coi là giảm mạnh. Ở thời kỳ huy hoàng, lễ trao giải chạm mốc 45 triệu lượt xem là bình thường.
Chịu chung số phận, Quả cầu Vàng chỉ có 6,9 triệu khán giả theo dõi, giảm khoảng 63% so với năm trước đó (18,3 triệu). Trong đó, tỷ lệ khán giả ở độ tuổi 18 đến 49 dừng ở mức 5,4 triệu người, đạt 1,5 điểm rating, thấp nhất trong lịch sử giải thưởng - theo công ty chuyên đo lường kết quả các chương trình truyền hình Nielsen.
Margot Robbie, Sofia Carson, Zuri Hall nằm trong số ít ngôi sao tham gia thảm đỏ Quả cầu Vàng năm 2021. Ảnh: Getty. |
Thảm hại hơn, Tony Awards 2021 - lễ trao giải vinh danh những cống hiến xuất sắc trong nghệ thuật sân khấu Broadway - chỉ thu hút 2,62 triệu người thưởng thức. Chưa bao giờ chương trình tuột dốc đến vậy.
NME cho biết BRIT Awards 2022 bị xếp hạng thấp kỷ lục với 2,7 triệu người xem suốt 2,5 tiếng đồng hồ - số liệu do Broadcast công bố. Mùa giải Billboard Music Awards gần nhất cũng không khá khẩm hơn là bao khi chỉ đạt rating 2,8 triệu người ở độ tuổi từ 18 đến 49.
AP dẫn lời chuyên gia nhận định các chương trình trao giải không còn là món ăn tinh thần hấp dẫn của khán giả. Chưa bàn đến các sự kiện MTV Movie Awards, Billboard Music Awards, iHeart Radio Awards, American Music Awards... ngay cả Oscar và Grammy cũng giảm sức hút.
Thời huy hoàng chỉ còn là quá khứ
Editorial có bài viết phân tích vì sao kỷ nguyên huy hoàng của các lễ trao giải đã gần như lụi tàn. Lượng người xem truyền hình nói chung giảm mạnh do dịch vụ phát trực tuyến lên ngôi, cho phép người dùng chủ động thời gian theo dõi chương trình mà không dính quảng cáo.
"Nếu quan tâm thời trang thảm đỏ, khán giả có thể xem ảnh các sao mặc váy dạ hội được kênh trực tuyến đăng tải trước cả khi buổi lễ bắt đầu. Các khoảnh khắc trọng đại cũng dễ dàng được theo dõi mà không cần phải chờ đến khi sự kiện kết thúc. Nếu một người không kịp chứng kiến trực tiếp chi tiết gây sốc - chẳng hạn La La Land bị xướng nhầm tên ở Oscar 2017 - họ chỉ cần xem lại clip vào sáng hôm sau", tờ này viết.
Tom O'Neil - biên tập viên của Goldderby.com - cho biết sự thừa thãi của các phương tiện truyền thông đang "gặm nhấm" lượng người xem trung thành từ loạt chương trình trao giải.
Nhà phân tích Marc Berman chỉ ra điểm trừ của lễ trao giải là dài dòng, tô vẽ chiêu trò, quảng cáo liên tục. Ông nói: "Tôi khá gian nan để xem hết chương trình Oscar. Đó đúng nghĩa là sự tra tấn. Khán giả phải chứng kiến những phát biểu nhận giải dài từ các bộ phim họ chưa từng xem hoặc nghe nói đến".
Dựa trên kết quả khảo sát của Katz Media Group, dưới 50% người biết hết các đề cử Emmy Awards 2017. Một số người nói họ thậm chí chưa nghe đến đề cử Master of None - tác phẩm truyền hình trực tuyến hài, chính kịch của Mỹ. Chỉ 20% trong số những người được hỏi đã nghe nói về người chiến thắng trong bộ phim truyền hình The Handmaid's Tale.
Nhiều khán giả xa lạ với The Handmaid's Tale - bộ phim thắng giải ở Emmy Awards 2017. Ảnh: Wired. |
Robert Thompson, giáo sư khoa Truyền hình và Văn hóa đại chúng tại Đại học Syracuse, khẳng định truyền hình là phương tiện truyền thông đại chúng nên nội dung phải gần gũi với số đông. Việc Oscar hay Emmy Awards đưa những cái tên xa lạ vào danh sách đề cử khiến lễ trao giải giảm sự quan tâm cũng là điều dễ hiểu.
Thêm một nguyên nhân nữa khiến lễ trao giải bị quay lưng là nội dung kéo dài lê thê, nhàm chán. Nhà phê bình Mike Hale của New York Times chia sẻ về cách tổ chức của Oscar: "Sự thay đổi - cho dù là vì đám đông ở nhà do giãn cách xã hội, cộng thêm chất lượng âm thanh tệ trong không gian này - là những điều khiến người xem cảm giác giống như đang ở trong căn phòng chết, cả về âm thanh lẫn cảm xúc".
Sasha Stone, người sáng lập trang Awards Daily, nói thêm rằng ban tổ chức Oscar không lắng nghe người hâm mộ. Họ chỉ đang trao giải dựa trên các nhà phê bình chứ không phải khán giả.
Bê bối bủa vây
Grammy 2022 bị một bộ phận khán giả và nghệ sĩ, nhất là phụ nữ, phản đối vì trao giải cho đạo diễn vướng bê bối tình dục Louis C.K. Trong buổi lễ, nghệ sĩ này được Viện Hàn lâm Thu âm Mỹ vinh danh ở hạng mục Album hài kịch xuất sắc.
Đạo diễn kiêm nhà văn Sarah Ann Masse viết trên Twitter: "Không thể tin được khi Louis C.K. vừa giành kèn vàng Grammy. Trong khi Will Smith chịu những hậu quả khó lường sau cái tát đối với Chris Rock tại Oscar với nhiều dự án bị hủy bỏ thì một người lạm dụng tình dục vẫn nghiễm nhiên làm việc ở Hollywood".
Vài năm trở lại đây, Grammy bị sao hạng A đồng loạt tẩy chay bởi sự thiếu công tâm trong danh sách đề cử. Tờ Insider từng xuất bản bài viết "10 nghệ sĩ không xứng đáng được đề cử Grammy 2021" như hất gáo nước lạnh vào Harvey Mason Jr. - Giám đốc tạm quyền Viện Hàn lâm Thu âm Mỹ, và hội đồng ban giám khảo.
Cây bút Callie Ahlgrim của Insider đánh giá Changes do Justin Bieber trình bày không xứng nằm ở hạng mục Album nhạc pop xuất sắc, Lady Gaga nên có nhiều đề cử với Rain on Me, thay vì chỉ được mỗi Chromatica cho Album nhạc pop xuất sắc.
"Rất nhiều sai lầm và những chi tiết khó hiểu cần mổ xẻ và tranh luận, ví dụ việc Beyoncé dẫn đầu danh sách với 9 đề cử dù không phát hành album trong năm", Ahlgrim bức xúc viết.
The Weeknd, Nicki Minaj tuyên bố cạch mặt Grammy. Ảnh: Us Weekly. |
The Weeknd, Nicki Minaj tuyên bố cạch mặt Grammy do không được công nhận tài năng và nỗ lực cống hiến bằng sản phẩm chất lượng.
Ba ngôi sao da màu Drake, Kendrick Lamar và Childish Gambino ngầm khẳng định lễ trao giải âm nhạc lớn nhất hành tinh nhuốm màu phân biệt chủng tộc nên cũng chẳng mặn mà với lễ trao giải này.
Tương tự, bê bối phân biệt chủng tộc và lạm quyền của Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood (HFPA), đơn vị tổ chức, cũng ảnh hưởng tới kết quả lượt xem của Quả cầu Vàng 2021.
Los Angeles Times chỉ ra toàn bộ thành viên hội không có người da màu, chỉ trích sự thiếu đa dạng chủng tộc trong ban giám khảo. Chất lượng của lễ trao giải đi xuống rõ rệt khi liên tục xảy ra lỗi kỹ thuật trong lúc phát trực tuyến. Phần lớn màn hình livestream phát biểu của nghệ sĩ đều hiển thị độ phân giải kém, hình ảnh mờ và âm thanh không đặc sắc.