Theo SCMP, giới làm phim Hong Kong xứng đáng nhận được sự tán dương của khán giả khi tìm ra nhiều cách khắc phục trong thời kỳ bị kiểm duyệt chặt chẽ như hiện nay.
Trước đó, theo HK01, ngày 11/6, bộ quy tắc kiểm duyệt cập nhật cho phép nhà chức trách Hong Kong cấm chiếu những bộ phim vi phạm luật an ninh.
Theo quy tắc mới, nếu nhận định cả bộ phim và ảnh hưởng của phim đến khán giả có thể gây hại về an ninh, kiểm duyệt viên được phép đề xuất cấm chiếu.
Từ trước đến nay, phim Hong Kong được cho là không bị kiểm duyệt quá chặt chẽ. Phòng Quản lý phim, báo chí và xuất bản phẩm Hong Kong (OFNAA) thường chỉ lưu ý đến phần nội dung mô tả bạo lực quá mức, hành vi xúc phạm hoặc mang tính phân biệt đối xử.
Từ đó, có không ít những cuộc trò chuyện được tổ chức bởi Hiệp hội các nhà làm phim Hong Kong nhằm chia sẻ những khó khăn và cùng bàn về cách làm phim cải tiến trong thời kỳ này. Những nhà làm phim hy vọng rằng khán giả thẳng thắn bày tỏ quan điểm, ý kiến của họ một cách khách quan nhất sau khi xem một bộ phim.
Chi tiết quan trọng không xuất hiện trên màn ảnh
Mở đầu buổi trò chuyện, chuyên gia cùng bàn bạc về một đoạn phim ghi lại cảnh quay những bông hoa khô trong studio. Ngoài ra, phân đoạn có sự xuất hiện của người phụ nữ mặc tạp dề, là chủ nhân tiệm hoa và đang nói chuyện với khách hàng.
Điều đặc biệt nằm ở chi tiết khán giả không thể nhìn thấy rằng nữ diễn viên đang đi giày loại nào. Miggy Cheng Sau-Han - stylist nổi tiếng của nhiều phim Hong Kong - cho biết cảnh quay này sẽ chỉ có ý nghĩa nếu người phụ nữ đó đi dép tông.
"Vì bận rộn và cần giao hoa cho khách hàng sau khi sắp xếp nên nhân vật này đi dép lê là tiện lợi nhất", Sau-Han nói. Stylist cho biết cô luôn đặt mình vào nhân vật trong phim để tưởng tượng ra toàn cảnh sự việc như nhân vật ăn mặc ra sao, chọn trang phục thế nào.
Với nữ stylist, có thể đây là những chi tiết khán giả không thấy nhưng chúng được đội ngũ sản xuất phim lên kế hoạch tỉ mỉ. Sau-Han cho rằng cô phải cân nhắc làm sao để những chi tiết không xuất hiện trên màn ảnh nhưng giúp bộ phim đạt giá trị cao hơn về góc máy, giúp khán giả có quyền tưởng tượng theo ý của họ.
Có những tình tiết quan trọng không được xuất hiện trên màn ảnh của phim Hong Kong. Ảnh: SCMP. |
Hậu trường phim quan trọng
Ngoài ra, Sau-Han nói thêm về kinh nghiệm sản xuất phim và thiết kế trang phục tại sự kiện gần đây do Broadway Cinematheque và Liên đoàn các nhà làm phim Hong Kong phối hợp tổ chức. Theo nữ stylist, hầu hết nhà sản xuất tin rằng việc biết rõ hơn về quá trình làm phim giúp khán giả có cái nhìn đa chiều, tích cực hơn về mỗi dự án.
Hậu trường phim gồm nhiều góc khác nhau, chủ yếu tập trung vào công việc của trợ lý đạo diễn, biên đạo hành động, nhà sản xuất, diễn viên đóng thế, nhà quay phim, nhà thiết kế sản xuất/trang phục, thợ bắn pháo hoa, bậc thầy đạo cụ và nghệ sĩ trang điểm hiệu ứng đặc biệt.
Ông Tenky Tin Kai-Man - người phát ngôn của Liên đoàn các nhà làm phim Hong Kong - cho biết nếu khán giả biết nhiều hơn về hậu cần của quá trình sản xuất, họ sẽ thấy được những chi tiết nhỏ, từ đó đưa ra đánh giá khách quan hơn về nỗ lực của đoàn phim trong việc làm ra một bộ phim hoàn chỉnh.
"Khán giả có thể chú ý nhiều hơn đến các khía cạnh khác nhau của phim, chẳng hạn như sự phù hợp của quần áo và bối cảnh của các nhân vật. Đó là hệ sinh thái quan trọng. Hậu trường phim cũng nhằm mục đích giúp những nhóm sản xuất khác nhau hiểu hơn về đồng nghiệp để tăng cường sự hợp tác bởi thông thường, nhiều người làm cùng ngành nhưng khác vị trí vẫn biết khá ít về công việc của nhau. Trước đây, mọi người thường gia nhập ngành làm phim khi được bạn bè giới thiệu, vì thế họ chỉ biết những gì trong phạm vi của họ mà không biết rộng ra hoạt động toàn ngành", ông nói.
Tenky Tin Kai-Man - chủ tịch ủy ban điều hành của Liên đoàn các nhà làm phim Hong Kong. Ảnh: SCMP. |
Tin Kai-Man vừa là diễn viên kiêm giám đốc sản xuất, ông nhận thấy tầm quan trọng của từng bộ phận và mối tương quan giữa từng người trong đoàn phim. "Thiếu sự hiểu biết giữa các vai trò khác nhau sẽ dẫn đến sự lãng phí nguồn lực sản xuất. Ví dụ, nhà thiết kế trang phục nên hợp tác với giám đốc nghệ thuật để đưa ra những bộ đồ phù hợp với bối cảnh trang phục và khung cảnh".
Với Kai-Man, lợi thế của ngành công nghiệp điện ảnh Hong Kong từng là quyền tự do sáng tạo. Vì thế, những chia sẻ trên đây có thể làm dấy lên những lo ngại về việc làm phim trong thời gian tới. Tuy nhiên, Kai-Man vẫn lạc quan và tin vào ngành công nghiệp điện ảnh của xứ cảng thơm.