Những tuần cuối tháng 8, thị trường sôi nổi đầy hưng phấn trước những bước tiến mới của chỉ số VN-Index, hết vượt mức 600 điểm, rồi 620 điểm và vượt đỉnh 6 năm. Tuy nhiên nếu nhìn dài hơn, nhưng bước tiến đó chỉ là các biến động nhỏ trong một chu kỳ tăng trưởng lớn hơn.
Giấc ngủ dài 6 năm
Thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ trải qua duy nhất một thị trường giá lên thực sự (bull-market) trong giai đoạn 2006 - 2007. “Thảm kịch 2008” chỉ còn đọng lại trong trí nhớ của không nhiều nhà đầu tư có thâm niên thực sự, nhưng hậu quả của nó để lại di chứng sâu sắc, có thể coi là “giấc ngủ dài 6 năm”.
Có thể thấy, VN-Index suốt từ đầu năm 2013 đến nay liên tục biến động theo hướng tăng dần, tạo đáy sau cao hơn đáy trước. Những tháng tích lũy trong trạng thái ổn định được nối tiếp bằng những đợt tăng mới. |
Rất nhiều tiền đã mất đi, nhiều lớp nhà đầu tư cũ phải rời bỏ thị trường, những hệ lụy kéo theo về nền kinh tế nói chung, trong đó có bất động sản xuống dốc, dòng vốn đầu tư hao hụt khiến cho nỗ lực phục hồi kéo dài.
Kể từ khi VN-Index rơi xuống đáy quanh 234 điểm vào tháng 2/2009, thị trường chưa có một chu kỳ phục hồi thật sự nào. Năm 2009 là năm thị trường “trở mình” nhiều nhất trong suốt “giấc ngủ 6 năm” gắn liền với nỗ lực nới lỏng tiền tệ mà hệ lụy sau đó càng làm khó khăn hơn cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán.
Nếu nhìn từ góc độ kỹ thuật, kể từ khi VN-Index đạt đỉnh xấp xỉ 1.180 điểm vào tháng 3/2007 và chạm đáy 234 điểm vào tháng 2/2009, ngay cả nỗ lực đi lên mạnh mẽ năm 2009 cũng chưa đẩy chỉ số này phục hồi được quá 38,2% mức sụt giảm đó. Vì vậy nhìn từ một chu kỳ tăng trưởng và suy thoái dài, những biến động 2009 hay 8 tháng đầu năm 2014 này vẫn chỉ là những “gợn sóng nhỏ” của một vòng quay mới mà thời gian để hoàn tất có thể tính bằng nhiều năm.
Tuy nhiên nhìn vào những “lát cắt” nhỏ hơn trong 6 năm đó, thị trường cũng đã có những chuyển biến tích cực dần để có thể tích lũy lại thành một nền tảng vững chắc. Sau những biến động không còn quá dữ dội từ năm 2010-2012 và nhất là từ đầu năm 2013 đến nay, thị trường đã định hình được một xu hướng phục hồi khá chắc chắn. Hỗ trợ các biến động của thị trường là sự phục hồi ngày càng tốt hơn của nền kinh tế, mặc dù tốc độ còn kém xa những kỳ vọng của nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán có đặc điểm là biến động theo kỳ vọng, mà những kỳ vọng thường rất khó đo đếm về mức độ chính xác về thời gian. Thị trường có thể trở lại ổn định khi nền kinh tế vĩ mô không còn gì xấu hơn được nữa, mặc dù chưa thấy được bất kỳ ánh sáng cuối đường hầm nào. Sự thay đổi diễn ra chậm chạp để rồi tích lũy theo thời gian, góp phần định hình một khởi đầu xu hướng mới rõ ràng hơn.
Có thể thấy, VN-Index suốt từ đầu năm 2013 đến nay liên tục biến động theo hướng tăng dần, tạo đáy sau cao hơn đáy trước. Những tháng tích lũy trong trạng thái ổn định được nối tiếp bằng những đợt tăng mới.
Duy nhất biến động rủi ro không đoán trước được là sự kiện biển Đông, nhưng sau đó thị trường cũng nhanh chóng phục hồi. Chính sự mạnh mẽ trong các giai đoạn khó khăn nhất của bối cảnh chung đã bộc lộ sức mạnh tốt hơn của thị trường.
Vĩ mô định hình dài hạn
Bên ngoài những biến động ngắn hạn tính theo tháng, xu thế dài hạn của thị trường vẫn chịu ảnh hưởng lớn của những chuyển biến từ nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế; nợ xấu và thị trường bất động sản; tái cấu trúc hệ thống ngân hàng vẫn là những yếu tố vĩ mô quyết định tốc độ phục hồi và tốc độ tăng trưởng dài hạn của thị trường chứng khoán. Những yếu tố đó không mới, nhưng có sự chuyển biến trong suốt “giấc ngủ 6 năm” của thị trường. Sự thay đổi trong tác động của những yếu tố đó là rất rõ ràng.
Ban đầu, việc phát lộ những rủi ro đó khiến thị trường suy sụp như một phản ứng phòng vệ rủi ro của cộng đồng đầu tư nói chung. Tiếp đó là giai đoạn cầm cự khi những rủi ro đã được xác định cụ thể và không thể xấu hơn được nữa. Cuối cùng là thị trường phản ứng dựa trên những kỳ vọng tiến độ giải quyết những rủi ro đó.
Một ví dụ rất đơn giản, là xu hướng giảm lãi suất gần đây khác hẳn với thời kỳ 2009, khi giói kích cầu được tung ra như một phản ứng cấp kỳ với tình hình, thậm chí tạo nên cú sốc. Duy trì mức lạm phát thấp và lãi suất giảm thận trọng trong mối quan hệ với rủi ro nợ xấu khiến thị trường chứng khoán không thể bùng nổ như năm 2009.
Bù lại cho tốc độ phục hồi có phần chậm chạp của thị trường chứng khoán là một nền tảng vĩ mô ổn định hơn. Điều đó tốt cho thị trường chứng khoán đến mức nào còn phụ thuộc vào quan điểm ngắn hạn dài hạn của mỗi người, nhưng chắc chắn một nền tảng vĩ mô tốt sẽ có lợi hơn trong dài hạn.
Những yếu tố mới xuất hiện gần đây cũng sẽ góp phần định hình xu hướng, đó là sự hội nhập và mở cửa thị trường; đẩy mạnh cổ phần hóa. Chẳng hạn quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang tạo nên những kỳ vọng mới trên thị trường chứng khoán.
Việc mở cửa hơn nữa cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua các cơ hội cổ phần hóa mới cũng như khả năng tăng tỷ lệ sở hữu của họ đang được thị trường kỳ vọng rất nhiều trong năm nay hoặc năm sau.
Một xu thế dài hơi không thể được đo đếm bằng các biến động ngắn hạn một vài tháng, thậm chí là năm. Trong một xu thế tăng trưởng dài hạn, vẫn sẽ có nhiều đợt điều chỉnh mạnh. Điều quan trọng nhất là các đợt điều chỉnh đó không xuất phát từ ảnh hưởng thay đổi của nền tảng vĩ mô xấu đi.
Một thị trường chứng khoán đang bùng nổ tháng 8/2014 hoàn toàn có thể nối tiếp bằng một đợt điều chỉnh sau khi những động lực hiện tại như dòng tiền ngắn hạn thay đổi; kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 nhạt đi; hay đơn giản chỉ là hoạt động chốt lời tăng lên. Những biến động đó là hoàn toàn bình thường trên thị trường, thậm chí là cần thiết.