Chiều 13/11, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác (MOU), nhằm đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu, cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Theo MOU, hai bên sẽ phối hợp triển khai cổ phần hóa, bán đấu giá cổ phần Vinalines tại HNX. Vinalines sẽ khuyến khích các đơn vị thành viên thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, đấu giá, niêm yết qua HNX.
Tổng Giám đốc Vinalines, Lê Anh Sơn cho biết, đến thời điểm này, Vinalines có 9 DN tổ chức đấu giá thành công, 5 DN niêm yết và 4 DN đăng ký giao dịch trên HNX. Ngày 6/12 tới đây, HNX sẽ tổ chức bán đấu giá hơn 20 triệu cổ phần Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank), cổ phần thoái vốn của Vinalines với tổng giá trị mệnh giá hơn 201 tỷ đồng.
Động thái này của hai bên được xem là bước đi để thực hiện chủ trương trình tái cơ cấu, cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu đã được Chính phủ thể hiện qua hàng loạt các chính sách như: Nghị định 71, 61, 59, 89... Và gần đây, trong năm 2014 là Nghị quyết 15 về "Một số giải pháp thúc đẩy nhanh tiến độ thoái vốn cũng như thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, sắp xếp đổi mới DNNN" và cụ thể hóa hơn bằng Quyết định 51/2014.
Đến thời điểm này, Vinalines có 9 DN tổ chức đấu giá thành công, 5 DN niêm yết và 4 DN đăng ký giao dịch trên HNX |
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN cho biết, Quyết định 51 là một bước đột phá, rất quan trọng, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc cổ phần hóa, thoái vốn, và từ đó thúc đẩy, gắn kết với việc niêm yết , giao dịch trên TTCK có tổ chức.
"Để triển khai Quyết định 51, UBCKNN sẽ phối hợp với Cục TCDN để có một văn bản hướng dẫn triển khai 51. Hiện nay dự thảo văn bản này đã trình lên BTC, nếu văn bản này được ký ban hành sẽ tháo gỡ tiếp những khó khăn, vướng mắc về vấn đề kỹ thuật, thúc đẩy nhanh hơn quá trình CPH và gắn với niêm yết trên TTCK", ông Bằng chia sẻ.
Về phía Bộ Tài chính, UBCKNN cũng tìm cách giảm thiểu các thủ tục hành chính trong việc xem xét các thủ tục, hồ sơ. UBCKNN đã yêu cầu các đơn vị thành viên giảm thời gian xem xét hồ sơ từ 30 ngày xuống 20 ngày.
Tất cả các khâu thủ tục liên quan đến thoái vốn và CPH của các tập đoàn, DNNN, UBCKNN ưu tiên xử lý sớm để hỗ trợ các tập đoàn, tổng công thoái vốn, cổ phần hóa và nhanh chóng đưa các công ty này lên giao dịch tập trung trên TTCK.
Một làn sóng cổ phiếu khủng đầy tiềm năng sẽ lên sàn trong năm 2015. |
Thêm nhiều trụ cột cho chứng khoán
Theo ông Vũ Bằng, trong thời gian đầu năm, tỷ lệ đấu giá cổ phần thành công 37% nhưng gần đây, nhờ hàng loạt cũng chính sách mới, sự quyết liệt của các bên liên quan và sự sôi động hơn trên TTCK, tỷ lệ đấu giá thành công đã lên trên 60%.
Theo Sở GDCK Hà Nội, một điểm đáng lưu ý là hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty, DN lớn đã chủ động tham gia vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế này.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HNX Trần Văn Dũng cho rằng sự hợp tác giữa HNX và Vinalines với MOU lần này sẽ là bước đầu, và hy vọng là hình mẫu trong sự hợp tác giữa các tập đoàn, Tổng công ty của Việt Nam với TTCK.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, HNX đã tổ chức đấu giá cho nhiều DNNN lớn. Sắp tới sẽ còn rất nhiều DN tốt khác nữa cũng sẽ cổ phần hóa. Những DN đã và sẽ CPH sẽ tham gia TTCK tập trung, cung cấp cho TTCK những hàng hóa tốt như: MobiFone, Vietnam Airlines, Vinatex,...
Theo bà Lan, đây là những bước đi rất cơ bản giúp tái cấu trúc nền kinh tế. Các DN không chỉ chuyển đổi thành công ty cổ phần mà còn chuyển đổi cả về chất, về quản trị công ty sẽ tốt lên, chiến lược tốt lên, cơ hội nhiều hơn.
Theo kế hoạch, trong 2 năm 2014 - 2015 sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa 432 DNNN. Trong 9 tháng đầu năm, đã có hơn 90 DN được sắp xếp cổ phần hóa. Như vậy, số lượng DN sẽ cổ phần hóa trong phần còn lại của 2014 và trong năm 2015 là rất lớn.
Lượng hàng hóa dự kiến lên sàn trong năm 2015 là rất lớn, trong đó có rất nhiều "hàng khủng" của các tập đoàn, tổng công ty và cổ phần của các DNNN này thoái vốn. Nó khiến giới đầu tư e ngại về sự dư thừa nguồn cung. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều NĐT cũng như các nhà quản lý thị trường cho rằng, sự có mặt của các tên tuổi lớn như Vietnam Airlines, Mobifone... sắp tới thậm chí lại tạo sự "kích thích" dòng vốn mới từ trong và ngoài nước cho thị trường.
Bà Lan cho biết, với quyết định 51/2014 hiệu lực mới từ 1/11 vừa qua nhưng lượng hàng hóa đăng ký trên sàn UPCOM dồn dập. Chỉ số của thị trường này không những không giảm mà còn tăng 85%. Sàn UPCOM cũng đang thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư cũng như các nhà quản lý.