Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời điểm nào bạn cảm thấy nên xin nghỉ việc?

Nếu như bạn bắt đầu không công nhận lối tư duy trong kinh doanh của sếp, vậy thì rất có khả năng đã đến lúc bạn nên xin nghỉ việc rồi.

Năm 2019 có lẽ là một năm rất khó khăn đối với công ty chúng tôi. Trong cuộc họp các quản lý cấp cao, chúng tôi được thông báo năm 2019 sẽ phải cắt giảm biên chế, cắt giảm chi phí. Khi các anh em trong đội ngũ đều đang đoán già đoán non xem ai là người phải ra đi, tôi bỗng tự hỏi, liệu có nên xin nghỉ việc không?

[…]

Xin nghỉ việc mà tôi nói ở đây là không có kế hoạch vào làm ở một công ty khác. Tôi không hề tán thành các bạn trẻ xin nghỉ việc đột ngột mà không có chuẩn bị gì, nhưng nếu thời gian làm việc của bạn đã vượt quá 10 năm, hoặc đã phục vụ trong một công ty nào đó suốt 5 năm mà không thăng tiến, hãy xem xét lại.

Về thời cơ để rời khỏi một công ty, tôi có 2 tiêu chuẩn rất cá nhân và hơi tùy hứng, bạn có thể tham khảo.

Thứ nhất: Khi bạn nhận ra sếp không còn tôn trọng mình nữa

Công ty nào cũng sẽ có những nhân viên kỳ cựu, bọn họ rất trung thành, thời gian làm việc cho công ty cũng khá lâu, sếp tương đối tin tưởng bọn họ, công ty cũng sẽ trao cho họ rất nhiều cơ hội, thậm chí còn cần họ đảm nhiệm vai trò “cứu hộ” trong những tình huống khẩn cấp.

Sếp coi họ như anh em trong nhà, thế nên chỉ cần làm không đúng, hoặc những lúc cấp bách, sẽ mắng cho họ một trận té tát. Có thể sau khi mọi chuyện qua đi cũng sẽ thấy hối hận, rồi lại gặp riêng họ, vỗ vai an ủi: “Chú biết tính anh rồi đấy, anh nói thế vì anh không coi chú là người ngoài”.

Sếp tôi cũng có thói quen như thế, vì vậy sau khi được lên làm quản lý cấp cao, tôi đã quan sát tỉ mỉ, rốt cuộc sếp sẽ mắng mỏ kiểu người nào, và sẽ kiềm chế, nhẹ nhàng hơn với người ra sao.

Tôi đã rút ra kết luận là: Những nhân viên kỳ cựu mà sếp sẽ mắng đa phần đều rất an toàn, tức là những người dù có mắng thế nào cũng sẽ không xin nghỉ việc. Nói phũ phàng hơn, đó là những người nếu rời khỏi nơi đây sẽ rất khó tìm được nơi nào tốt hơn.

Còn khi ứng xử với những nhân viên có mức lương cao được mời về làm, có năng lực chuyên môn, hoặc trước mắt đang được đánh giá cao, khi sếp trách móc sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Bởi vì sếp hiểu rõ, muốn mời được người tài thì phải cho người ta thể diện.

Sau khi hiểu ra được điều này, tôi đã lặng lẽ tự đặt ra tiêu chuẩn thế này trong lòng: Hàng năm phải đề ra mục tiêu trưởng thành cho bản thân. Tôi muốn mang đến cho sếp sự ngạc nhiên bất ngờ trong mỗi lần báo cáo, phải trở thành nhân tài trong mắt sếp, chứ không phải là người anh em trong nhà muốn mắng thế nào thì mắng.

Nếu như có một ngày sếp muốn mắng tôi như mắng con cháu trong nhà, chứng tỏ đã đến lúc tôi phải rời đi rồi. Đương nhiên, khi đó tôi vẫn còn trẻ, thường xuyên tự vẽ ra những viễn cảnh đầy kịch tính trong tâm trí. […]

Dung ban ma van ngheo anh 1

Tôi đã quyết định xin nghỉ việc. Nguồn: nypost.

Nhưng suy nghĩ và lối tư duy của bạn liệu có cùng hướng với sếp hay không thì phải tiếp tục đồng hành với nhau mới phát hiện được. Bởi vì sếp đang thay đổi, bạn cũng đang thay đổi, quan điểm khác nhau là chuyện bình thường.

Nhưng nếu như bạn bắt đầu không công nhận lối tư duy trong kinh doanh của sếp, vậy thì rất có khả năng đã đến lúc bạn nên xin nghỉ việc rồi.

Thứ hai: Không gian để thăng tiến […]

Con đường phát triển là lối đi mà mỗi nhân tài được bồi dưỡng ra bắt buộc phải có. Nếu một ngày bạn nhận ra mình đã đi lên đến đỉnh, hơn nữa có cảm giác rơi vào vòng lặp, sau khi trao đổi với cấp trên, cấp trên cũng chỉ đành nói thẳng bây giờ không có vị trí nào cho bạn nữa.

Thời điểm này, không chỉ cho thấy bạn đã bước vào thời kỳ “cổ chai” trong sự nghiệp, mà còn thể hiện rằng nguy cơ công ty phải giải quyết lúc này còn cấp bách hơn giữ nhân tài lại, có khả năng là vấn đề sống còn. Nói cách khác, nếu ngày mai công ty không trả nổi lương, sẽ không ai quan tâm liệu có người nào sắp rời đi hay không.

Một công ty như thế, cho dù có làm việc cống hiến bao nhiêu lâu, bạn cũng nên xem xét liệu có nên rời đi hay không. Về vấn đề xin nghỉ việc, tôi đã suy nghĩ suốt nửa năm. Dựa vào 2 tiêu chuẩn kể trên, cộng thêm hiện nay, lối tư duy trong kinh doanh của sếp càng ngày càng có xu hướng bảo thủ khiến tôi không thấy được hướng phát triển của công ty trong tương lai.

Khi bạn biết rõ quy mô công ty sẽ ngày càng thu hẹp, vậy bạn còn ở lại làm gì? Một vấn đề khác là nếu tôi xin nghỉ việc thì sẽ có hậu quả gì? Phải đối mặt với những gì? Trước mắt có cả một khoảng thời gian dài nhàn rỗi, liệu tôi đã chuẩn bị sẵn sàng chưa? Liệu đã có kế hoạch gì chưa? Nếu tôi cảm thấy mình có thể gánh vác được, vậy thì chẳng có gì đáng sợ nữa.

Có một cụm từ là “chi phí chìm”, ý chỉ đối mặt với một sự việc, khi chúng ta bỏ ra quá nhiều vốn liếng hơn nữa lại quá để tâm đến chuyện số vốn không thể nào lấy lại được này, thì quyết sách của chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Ví dụ, biết rõ mối tình này đã thay đổi, nhưng bạn vẫn lấy cái cớ là “dù sao thì chúng tôi đã ở bên nhau suốt 5 năm” để tự động viên mình hãy cố chịu đựng tiếp.

Tại sao mỗi năm tôi lại phải đi phỏng vấn xin việc một lần? Tôi hy vọng về mặt tâm lý có thể tự nhắc nhở, giảm bớt cảm giác mình đã bỏ ra nhiều vốn liếng. Đừng nghĩ đến chuyện mình đã cống hiến cho công ty được bao nhiêu năm, mà hãy xem năm nay, tốc độ trưởng thành và thu nhập của bạn có tương xứng hay không.

Năm nào cũng phải nhìn công ty này như một công ty hoàn toàn mới, bởi vì bản thân đã từng có kinh nghiệm đi phỏng vấn xin việc, nhìn thấy những cám dỗ khác, nhưng vẫn lựa chọn công ty đang làm, vậy thì phải tìm ra lý do khác ngoài lý do “mình ở đây đã quen rồi”.

Hơn nữa, không gian để thăng tiến chính là một trong các yếu tố quan trọng để xem xét. Tiêu chuẩn là lý tính, nhưng thời điểm xin nghỉ việc lại là cảm tính. Nó có thể đến sau một cuộc họp, cũng có thể là trước khi bạn nhìn thấy đống thông báo mà hệ thống văn phòng tự động hóa gửi tới.

Đối với tôi, yếu tố cảm tính nhất là: Tôi đã 40 tuổi rồi, tôi muốn suy nghĩ kỹ xem con đường sự nghiệp tiếp theo phải bước đi như thế nào, và đi về đâu.

Khi trưởng phòng nhân sự tìm tôi để nói về chuyện cắt giảm kinh phí của bộ phận thương hiệu năm 2019, tôi chợt nói: Đúng lúc tôi cũng muốn nói chuyện với chị, tôi quyết định xin nghỉ việc. Có những lời một khi đã nói ra, giống như một sự giải thoát.

Ông Chú Tiểu Xuyên / Quảng Văn Books & NXB Dân Trí

SÁCH HAY