Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thời điểm bán nợ xấu tốt nhất đã qua'

Là "cha đẻ" ngành công nghiệp về nợ rủi ro, chuyên gia John Sheehan cho rằng, khi khủng hoảng mới xảy ra là lúc bán nợ xấu tốt nhất nhưng nó đã đi qua.

'Thời điểm bán nợ xấu tốt nhất đã qua'

Là "cha đẻ" ngành công nghiệp về nợ rủi ro, chuyên gia John Sheehan cho rằng, khi khủng hoảng mới xảy ra là lúc bán nợ xấu tốt nhất nhưng nó đã đi qua.

- Ông nhìn nhận như thế nào về tình hình nợ xấu tại Việt Nam hiện nay?

- Trong khi các ngân hàng đang “loay hoay” với nợ xấu, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng, Việt Nam đang như vậy! Tôi cho rằng, đến một thời điểm nào đó, tất cả đều mệt mỏi bởi nợ xấu, khi đó, các ngân hàng sẽ “theo” nhau bán đi nợ xấu của mình. Việc bán sẽ khiến nợ giảm đi, lợi nhuận của nhà đầu tư tăng lên. Khi Chính phủ tác động, yêu cầu bán nợ xấu, việc khôi phục sẽ nhanh hơn. Còn hiện tại, tất cả chỉ quan tâm đến chi phí cho việc giải quyết nợ xấu của ngân hàng. Nếu không can thiệp, các ngân hàng chỉ ngồi yên chờ có sự khôi phục trong ngắn hạn hoặc có xử lý, thì cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận thua lỗ nhiều. Hiện nay thì phần lớn ngân hàng vẫn ngồi yên và hi vọng, nhưng cuối cùng, không ai khác, mà chính là họ, phải gánh chịu tất cả.

Việt Nam đang thiếu kỹ năng, cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm, thể chế để giải quyết nợ xấu ở chi phí thấp nhất. Những điều chúng ta làm cần có quy tắc, quy định về mua bán nợ, hay vấn đề pháp lý, quy định về phá sản, mua bán nợ… là những vấn đề lớn nhất ở Việt Nam.

Nếu thị trường bất động sản đi lên, các ngân hàng sẽ lại rất mạnh dạn cho vay, và ngược lại. Còn việc cơ cấu lại những khoản nợ xấu, trong đó có nợ bất động sản, có thể gây ra động thái thị trường sụt giảm nhanh thì khôi phục càng nhanh, ngược lại nếu sụt giảm kéo dài lâu thì khôi phục càng chậm. Cũng như vậy trong vấn đề xử lý nợ xấu.

Ông John Sheehan - thành viên tổ chức giám định bất động sản Hoàng Gia Anh cho rằng, nếu các ngân hàng Việt Nam cứ ngồi yên, hi vọng và chờ đợi, thì không ai khác, chính họ sẽ là những người phải gánh chịu tất cả rủi ro từ nợ xấu.  Ảnh: L.A.

- Ông có thể đánh giá như thế nào về khả năng quản lý, trong đó có việc cho vay của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam?

- Thông thường, quy trình tín dụng của một ngân hàng khá rõ ràng, từ phân phối, xử lý tín dụng, thẩm định, cho vay… rồi đến thu hồi nợ. Khi thị trường đi xuống, dòng tín dụng sẽ đi xuống, ngân hàng đối mặt với nguy cơ số lượng vay nợ càng nhiều, dòng tiền giảm, thậm chí là biến mất. Lúc này, thương hiệu mà ngân hàng đã thiết lập trở nên vô nghĩa. Ở Việt Nam, ngân hàng thường thiếu kinh nghiệm đối phó với tình trạng đi xuống của thị trường, vì thế, đã có những tài sản bán phát mãi với giá cực rẻ mạt so với trước đó.

- Vậy các ngân hàng cần làm gì?

- Việc cần làm của các ngân hàng là tuyển dụng nhân viên có kỹ năng để ứng phó với nợ xấu như một dạng “bác sĩ, lính cứu hỏa tài chính”. Có rất nhiều kỹ năng, kiến thức mới mà trong tình huống bình thường ngân hàng không có, chẳng hạn như các giải pháp về công nghệ thông tin mới để quản lý. Đây không phải là sở trường của các ngân hàng hiện nay nên cần phải đầu tư nhiều hơn. Ngoài ra, cần tiếp cận từ hướng mới, có điều chỉnh về sự trung thành của khách hàng, khái niệm về dịch vụ cho khách hàng, có thỏa thuận mới về thu hồi nợ là các kỹ năng về giải quyết, đàm phán, hành động nghiêm ngặt hơn.

Nhân viên ngân hàng còn cần những tố chất khác như phải quyết tâm theo đuổi người vay không biết mệt mỏi để thu hồi nợ, cần tiến hành đi trước một bước so với người đi vay. Bên cạnh đó còn là vai trò của cơ quan giám sát, phải làm tốt hơn hiện nay. Nếu như mọi ngân hàng đều coi những điều trên là chu trình kinh doanh hay chiến lược của mình và làm được, thì việc thu hồi nợ sẽ đạt hiệu quả tối đa.

- Và lời khuyên cụ thể mà ông dành cho các ngân hàng là…?

- Tôi khuyên các ngân hàng không nên vội bán đi nợ xấu của mình. Với cổ đông ngân hàng, khi chấp nhận bán lỗ để thoát khỏi nợ xấu là một điều khó khăn, cũng như kết quả thường rất khó tìm kiếm, đặc biệt chuyện tìm được giá chung đối với cả người mua và người bán. Lịch sử cũng đã chứng minh, thời điểm bán nợ xấu tốt nhất là khi “khủng hoảng” mới nổ ra, tài sản của ngân hàng vẫn được nhà đầu tư định giá cao. Việt Nam hiện nay đã qua thời điểm này rồi.

Cách tốt nhất là hãy chọn bán nợ xấu cho một bên có kỹ năng quản lý tốt, khả năng phục hồi. Vì nếu sau này, khoản nợ đó được thu hồi, người bán là ngân hàng có thể đàm phán phần lợi nhuận, có thể thu hồi vốn. Còn việc bán nợ xấu của ngân hàng sang công ty quản lý tài chính của nhà nước chỉ đơn thuần là chuyển từ người này sang người khác, không giải quyết được. Khi đó, Nhà nước lại đối mặt với những rủi ro cao, và nếu không làm được, càng trì hoãn khả năng phục hồi của thị trường.

- Nhưng để giải quyết dứt điểm nợ xấu, thì Việt Nam, theo ông, cần phải triển khai những giải pháp như thế nào?

- Những gì đang diễn ra ở Việt Nam không phải bất thường hay khác thường. Trên thế giới, có nhiều kinh nghiệm mà Việt Nam có thể áp dụng. Cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cần tạo ra thể chế để xử lý nợ xấu, nếu cứ mãi “giả vờ” hay tìm cách chuyển nợ giá cao, thì chưa phải cách hay.

Vấn đề bây giờ là Việt Nam cần định giá tài sản nợ bằng thị trường chứ không phải bằng ngân hàng hay nhà quản lý. Tiếp đó là tìm nguồn vốn để xử lý nợ xấu bên cạnh việc tạo ra hạ tầng xử lý hiệu quả giống như những nước khác, trong đó có các quốc gia ASEAN đã làm. Về phía ngân hàng, kỹ năng xử lý nợ xấu cần được đào tạo lại. Phương án tiếp theo, có thể sử dụng tiềm lực của nước ngoài. Nếu những biện pháp này được thực hiện hiệu quả, đồng bộ thì mới có khả năng cứu những khoản nợ xấu ở Việt Nam hiện nay.

Ông John Sheehan là cử nhân khoa học tại Luân Đôn (Anh), thành viên tổ chức giảm định bất động sản hoàng gia Anh (FRICS). Ông được cho là người đầu tiên phát minh ra ngành công nghiệp về nợ rủi ro. Năm 2011, John Sheehan xuất bản cuốn sách đầu tiên ở Anh, cuốn "Tối ưu hóa các khoản vay đang gặp rủi ro". Ông cũng là người đã trải nghiệm 4 chu kỳ phát triển và suy thoái của nền kinh tế châu Âu và có kinh nghiệm đánh giá kinh tế ở 25 quốc gia, trong đó có nhiều người châu Á như Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam.

Lan Anh

Theo Infonet

 

Lan Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm