Abdurrahman Dilipak, 72 tuổi, là một trong những nhà báo ủng hộ mạnh mẽ nhất việc hợp pháp hóa loại cây trồng này, theo Guardian.
“Cần sa có hàng nghìn lợi ích. Loại cây này nói chung là một phước lành của Allah. Nó làm sạch không khí, nước và đất. Rượu còn nguy hiểm hơn cần sa”, ông viết trong bài bình luận trên tờ Yeni Akit, một tờ báo bảo thủ.
Dilipak và những người khác chỉ ra rằng hợp pháp hóa cần sa có thể giúp kiểm soát ngành công nghiệp bất hợp pháp đang tồn tại, loại bỏ hoạt động sản xuất loại cây này khỏi tay tội phạm có tổ chức.
Nông dân thu hoạch cần sa ở Kastamonu, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty. |
Selim Aytaç, giám đốc trung tâm nghiên cứu cần sa của Đại học Ondokuz Mayıs, cho biết nhóm của ông đã thu hoạch đợt đầu tiên từ những cây cần sa lai tạo, và kết quả rất hứa hẹn.
Chuyên gia này cho rằng hiện nhận thức của người dân về việc trồng cần sa đang dần thay đổi.
“Trong thử nghiệm của chúng tôi ở các địa điểm canh tác, đôi khi người dân địa phương đến và chặt cây trong đêm. Nhưng ngày càng nhiều người bắt đầu hiểu rằng chúng tôi không trồng thứ gì đó có hại, chúng tôi đang phát triển một sản phẩm có giá trị", ông nói.
Vào năm 2019, khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo sẽ từng bước tăng sản lượng cần sa, với hy vọng khôi phục ngành xuất khẩu cần sa từng là thế mạnh.
Cây cần sa công nghiệp được trồng ở Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi nước này ban hành luật chống ma tuý nghiêm ngặt vào những năm 1970. Giờ đây, cần sa vẫn là một loại hàng hóa bị cấm. Hình phạt cho việc sử dụng cần sa có thể lên tới hai năm tù.