“Chúng tôi sẽ không đóng cánh cửa lại. Nhưng chúng tôi đưa ra chủ đề này như một vấn đề an ninh quốc gia với Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Kalin, người cũng là cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Erdogan, trả lời Reuters.
Theo ông Kalin, đảng Công nhân người Kurd (PKK) - một tổ chức chính trị - quân sự đấu tranh vì quyền lợi của người Kurd bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) coi là khủng bố - có khả năng gây quỹ và tuyển mộ tại châu Âu, với sự hiện diện “mạnh mẽ, công khai và được thừa nhận” tại Thụy Điển.
Ông Ibrahim Kalin, Phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: AP. |
“Điều cần làm là rõ ràng: Họ phải ngừng cho phép các ấn phẩm, hoạt động, tổ chức, cá nhân và các hình thức hiện diện khác của PKK tồn tại ở các quốc gia này”, phát ngôn viên của Tổng thống Erdogan tuyên bố.
“Tư cách thành viên NATO luôn là một quá trình. Chúng tôi sẽ chờ xem mọi thứ diễn biến thế nào. Nhưng đây là vấn đề đầu tiên mà chúng tôi muốn nhận được sự chú ý của tất cả nước thành viên, cũng như giới chức Thụy Điển”, ông Kalin nói. “Đương nhiên chúng tôi muốn thảo luận, muốn đàm phán với những người đồng cấp Thụy Điển”.
Hôm 13/5, Tổng thống Erdogan khiến Phần Lan, Thụy Điển và các nước thành viên NATO bất ngờ khi tuyên bố không thể ủng hộ mở rộng liên minh vì hai quốc gia Bắc Âu là “nơi ở của nhiều tổ chức khủng bố”.
Trong nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục chỉ trích Thụy Điển và các quốc gia châu Âu khác vì cách ứng xử với các tổ chức mà Ankara coi là khủng bố, bao gồm PKK và những người chịu ảnh hưởng của giáo sĩ Fethullah Gulen.
“Nếu họ (Phần Lan và Thụy Điển) có sự quan ngại của công chúng về an ninh quốc gia của họ, chúng tôi cũng có công chúng quan tâm tương tự về an ninh quốc gia của chúng tôi”, ông Kalin tuyên bố. “Chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề này qua góc nhìn từ cả hai phía”.
Ông Kalin cũng khẳng định việc Nga chỉ trích Phần Lan và Thụy Điển không tác động tới lập trường của Ankara, Reuters cho biết.