Giữa đêm khuya, cô gái trẻ thất tình sau cơn say chếnh choáng cùng chiếc xe máy dạng dưới khúc sông An Cựu (TP Huế, tỉnh Thừa - Thiên Huế). Hai ngày sau, một vụ tai nạn hy hữu cũng đã xảy ra ngay tại khúc sông này, và người chết lần này là một Việt kiều về quê chuẩn bị cưới vợ. Nỗi đau của gia đình nạn nhân càng trở lên nặng nề khi đám thợ lặn kỳ kèo ngã giá việc tìm xác.
Xác người vớt lên vẫn nguyên tư thế lái xe máy
Nạn nhân trong vụ tai nạn thương tâm trên là nữ sinh Văn Thị Trà (23 tuổi, quê ở xã Hải Phú, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, hiện là sinh viên năm cuối ngành y thuộc trường trung cấp Âu Lạc tại TP Huế).
Đêm 18/11/2013, Trà cùng một nhóm bạn rủ nhau đi thăm thầy cô nhân dịp lễ Hiến chương nhà giáo, sau đó cả nhóm đi hát karaoke. Sau khi tàn cuộc vui, thiếu nữ chạy xe máy về nhà trọ thì gặp nạn chết thảm.
Những người bạn đi cùng Trà hôm ấy cho biết sau khi hát karaoke xong, lúc ra về, Trà có biểu hiện say. Thế nhưng khi các bạn yêu cầu chở về thì cô bạn này nhất quyết không đồng ý và cứ khăng khăng đòi tự lái xe về một mình.
Một vài người bạn có ý định đi theo “hộ tống” cũng bị cô gạt đi. Thấy cô quá kiên quyết, tất cả đành chiều theo ý. Không ngờ đó là buổi đi chơi cuối cùng của cô gái trẻ.
Khúc sông nơi liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn hi hữu. |
Thời điểm lao xe xuống sông là nửa đêm, lại diễn ra chỉ trong tích tắc, nên cái chết của cô gái trẻ trở nên “bí ẩn”. Ngoài sự thương xót, người thân, bạn bè và cả những người quan tâm đến câu chuyện đều day dứt câu hỏi, nguyên nhân nào khiến cô gái xấu số lao xuống sông cùng chiếc xe của mình?
Nhiều người đặt giả thuyết do gặp kẻ xấu nên khi bị bọn người này ép xe, quá hoảng loạn, không làm chủ được tay lái, cô gái tội nghiệp đã lao thẳng cả người và xe xuống sông.
Trong khi đó, một số sinh viên cùng trường lại nghi ngờ rằng đây cũng có thể là một vụ tự tử vì tình. Theo những người này, trước khi vụ tai nạn xảy ra, cô gái và người yêu có mâu thuẫn lớn, dẫn đến việc hai người chia tay.
Sau khi mối tình kéo dài hai năm đổ vỡ, Trà tỏ ra rất buồn phiền, tinh thần suy sụp và nhiều lần nghĩ đến cái chết. “Đoạn đường ấy bạn Trà đi đi về về nhiều năm nay nên không thể có chuyện không quen đường. Hơn nữa vỉa hè trên đường ấy rộng hơn cả 1m, lại có lan can, nếu không có ý tự tử, sao lại lao thẳng qua lan can rồi phóng xuống sông như thế”, một người bạn suy đoán.
Thời điểm vụ tai nạn xảy ra là gần 2h sáng nên trên đường rất ít người qua lại. Tuy có người tận mắt chứng kiến vụ việc nhưng cũng không tường tận đầu đuôi. Chị Trần Thị Kim Thủy, người đã báo cho cơ quan chức năng khi vụ việc xảy ra cho biết: “Lúc ấy, tui đang ở gần đó, vì nghe tiếng va chạm quá mạnh nên tui mới quay lại nhìn. Quá hoảng hốt vì thấy có người và xe lao xuống sông nên tui hô hoán lên, chứ thực tình cũng không kịp nhìn ngó xung quanh”.
Sau gần một ngày lặn vớt xác, đến chiều hôm đó, thi thể nạn nhân mới được tìm thấy trong tình trạng cứng đờ, chân tay co quắp và vẫn đang trong tư thế… ngồi lái xe, trên thân thể có nhiều vết trầy xước.
Kết quả khám nghiệm thi thể cho thấy, qua các dấu vết trên xe, thân xe có dấu trầy xước, có nghĩa là trước khi lao xuống sông, nạn nhân đã bị tông vào một xe khác, hoặc một vật dụng khác, dẫn đến gãy cổ gây tử vong trước khi rơi xuống nước.
Thợ lặn tìm kiếm xác trên sông. |
Làm tiền trên xác người?
Sau khi nghe tin con gái gặp nạn, cả gia đình nạn nhân đã thuê xe từ Quảng Trị vào Huế để tìm xác con. Ngồi trên bờ, người mẹ đau đớn, vật vã, khóc không thành tiếng. Nhang khói nghi ngút cả một khúc sông.
Trong khi cả gia đình nạn nhân rối bời, đau thương trước cái chết đột ngột của người thân. Nhất là thiếu nữ vẫn nằm lạnh lẽo đâu đó dưới dòng nước đục ngầu thì đội thợ lặn xác vẫn chần chừ chưa muốn vào cuộc.
Lý do là gia đình chưa làm hợp đồng, nên đội lặn cũng chưa làm việc. Sau đó hợp đồng được lập với giá 10 triệu đồng, nhưng rồi giảm xuống còn 7 triệu đồng.
“Nhờ mấy chú công an thành phố bảo lấy chừng ấy thôi, kẻo gia đình người ta nghèo lắm, tội nghiệp, nên giá cả mới được … giảm xuống”, một người kể lại.
Tuy nhiên chỉ sau một lúc lặn tìm, một thành viên trong đội lặn đã bỏ lên bờ và “than” trước sự chứng kiến của rất nhiều người: “Trời lạnh lắm, có tìm nhưng đôi khi cũng không thấy. Người nhà phải biết lặn xác đâu phải dễ, có khi có xe, nhưng xác lại không tìm được”.
Nghe đội lặn than khổ, người thân của cô gái xấu số đang đau buồn, hoang mang, càng hoảng hồn. “Các anh cứ cố vớt xác em gái giúp tôi, còn chuyện tiền bạc gia đình không nề hà, các anh muốn lấy mấy, gia đình sẽ đưa”, anh trai nạn nhân năn nỉ trong tiếng nấc nghẹn đau đớn.
Cuộc giằng co, ngã giá khiến nhiều người dân phẫn nộ cho rằng đó là một hành động vô nhân đạo. Chị Hoa, một người đứng bên đường xem vớt xác bức xúc: “Cái bọn khốn, nếu tui mà đàn ông, tui đã nhảy xuống giúp gia đình người ta một tay rồi. Cô gái đã chết trôi tội nghiệp thế, ở dưới đó đã lạnh, trên bờ chúng còn nỡ lòng nào làm tiền”.
Nhùng nhằng hơn mấy tiếng đồng hồ trôi qua, đội thợ lặn cứ lần lượt từng người lặn xuống rồi lại trồi lên, dừng tìm, uống rượu, đốt thuốc liên tục; trong khi người nhà vừa khóc thương người thân, vừa nài nỉ, rồi lại van xin.
Một thành viên khác “làm khó” người nhà bằng cách mặc áo quần vào rồi trèo lên bờ, rít điếu thuốc, giả vờ bỏ cuộc. Nhóm người khác ngồi trên bờ không chịu xuống lặn. Tuy nhiên chốc chốc họ lại “buông câu”: “Thôi kệ, anh em cố lên, làm thêm tráo (một lần) nữa, biết đâu tìm ra xác, người nhà thưởng cho thêm 10 triệu nữa thì sao, cố lên. Chứ cô ấy ở dưới lạnh lắm”.
Hàng trăm người tập trung theo dõi cuộc tìm xác. |
Hoặc: “Chúng tôi làm hết sức rồi. Cơ bản cứu được xác em, còn tiền bạc lo gì, vớt được thì người nhà thưởng nhiều hơn 5 - 7 triệu đặt cọc hợp đồng. Về nguyên tắc chết sông 3 ngày mới nổi, nhưng để nổi lên sớm thì phải thả áo binh (áo bằng vàng mã), thắp hương van vái nhiều lắm, và chính người nhà đến van vái thì mới nổi lên nhanh được”.
Chị Nguyễn Thị Uyên Linh, một người chứng kiến cuộc ngã giá bức xúc: “Thực ra họ biết xác nằm ở vị trí nào rồi, vì họ là ngư dân chuyên nghiệp, nước sông An Cựu cũng cạn chứ không sâu. Nhưng họ cứ lần lữa như thế, cũng chỉ mục đích là làm giá rồi mới vớt lên đó thôi”.
Nhiều người quan sát nhóm lặn làm việc đã khẳng định, chỉ sau khi gia đình nạn nhân thỏa thuận “dứt giá”, người nhà chi ứng trước 500 ngàn đồng làm tin, thì đội lặn này mới xuống vớt một cách hăng hái và khoảng chừng 15 - 20 phút thì tìm thấy xác nạn nhân. Sau khi vớt xong, đội lặn xác nhanh chóng chia số tiền mà gia đình giao rồi nhanh chóng “rút quân”.
Thợ lặn trần tình
Theo ông Nguyễn Văn Nết (SN 1956, ngụ thôn La Ỷ, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, người được sinh ra trong gia đình có 4 đời làm nghề lặn tìm xác, bản thân ông cũng có thâm niên trên 30 năm lặn xác giúp người), thường hiếm khi xảy ra chuyện “làm giá” trên xác người chết, nếu việc làm tiền là có thật thì đúng là điều đáng tiếc và chỉ là trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”.
Ông Nết giải thích, việc nhìn thấy mọi người thay nhau xuống lặn xác sau đó lên bờ hút thuốc, uống rượu rồi “chụp mũ” cho rằng những người này đang “làm eo” là cách nhìn có thể phiến diện và không đúng với thực tế.
“Bao giờ sau khi lặn xong một hơi, thợ lặn cũng phải lên bờ hút điếu thuốc hoặc uống một ly rượu cho ấm người vì họ ngâm dưới nước sâu rất lạnh, đồng thời cũng là lúc nghỉ lấy sức để người khác thay phiên xuống lặn”.
Ông Nết cũng cho biết thêm, thường thì số tiền gia đình nạn nhân đưa sau khi tìm được xác hầu như những người lặn xác đều dùng vào việc mua lễ vật để cúng trên sông: “Do trước khi lặn, bao giờ cũng cúng xin những người khuất mặt phù hộ để giúp anh em thợ lặn cũng như gia đình nạn nhân nhanh chóng tìm được xác. Cho nên khi hoàn thành xong việc, phải bày lễ để tạ ơn”.
Trong hơn 30 năm làm nghề lặn xác, ông Nết kể rằng không biết bao nhiêu lần bản thân ông phải xuất tiền túi ra để mua lễ vật cúng trả ơn trên sông sau khi vớt xác, vì người nhà do tang gia bối rối nên “quên” đưa tiền bồi dưỡng.
“Trong lần vớt xác một kỹ sư ở đập thủy điện Bình Điền (thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), có lẽ do gia đình nạn nhân này có điều kiện kinh tế nên đã bồi dưỡng cho đội lặn 10 triệu đồng.
Mấy chú công an có lẽ thấy chúng tôi làm việc vất vả quá vì lần đó đang mùa đông mà phải lặn dưới nước để trục vớt xác thì rất khổ nên cũng khuyên đội lặn nên cầm số tiền ấy, tuy nhiên tụi tui chỉ lấy 500 nghìn đồng, đủ mua lễ vật cúng mà thôi”, ông Nết kể lại.
Người đàn ông nổi tiếng khắp miền Trung với nghề lặn xác khẳng định chẳng ai xem việc lặn xác là cái nghề để mưu sinh. “Họ làm giúp người là chủ yếu và cũng là cách để tạo phúc cho chính mình mà thôi vì vậy nếu thật sự có chuyện ngã giá trên xác người chết thì cũng chỉ là trường hợp hy hữu”, người thợ lặn này một lần nữa nhắc lại.