Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thơ Hồ Xuân Hương có dâm có tục không?

Người nào nghĩ thơ Xuân Hương không có gì là dâm hay tục thì thường hết lời ca ngợi. Còn người có quan điểm trái ngược thường dè dặt, thậm chí là phê phán.

Đối với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, một vấn đề xưa nay được bàn cãi rất nhiều, có nhiều ý kiến đối lập gay gắt. Đó là thơ của bà có dâm có tục không. 

Người nào cho rằng thơ Hồ Xuân Hương không có gì là dâm tục thì thường hết lời ca ngợi, coi những sáng tác của bà như những khám phá kỳ diệu. Còn trái lại, người nào coi thơ bà là dâm là tục thì thường dè dặt, thậm chí là phê phán, mặc dầu về tài năng của bà, nói chung ai cũng thừa nhận.

Tho Ho Xuan Huong anh 1
Hồ Xuân Hương - tranh của họa sĩ Lê Lam.

Để giải quyết vấn đề này, điều căn bản trước hết là phải xác định cho đúng những sáng tác nào đích thực của Hồ Xuân Hương.

Không có sự phân biệt cần thiết, cứ xô bồ, coi tất cả những bài như Đánh cờ người, Vịnh ông quan võ… là của Hồ Xuân Hương, rồi kết tội nhà thơ, thì lời kết tội có thể đúng, nhưng nó không đúng đối với Hồ Xuân Hương. Nhưng sau khi đã chọn lựa, xác định thơ Hồ Xuân Hương rồi thì ta thấy gì về vấn đề này?

Rõ ràng một điều không ai chối cãi được là trong sáng tác của Hồ Xuân Hương có một cái gì không bình thường.

Trong những bài như Đá Ông Chồng Bà Chồng, Dệt cửi, Đánh đu, Đèo Ba Dội, hay một số bài khác như Cái quạt, Quả mít… nhà thơ muốn nói đến cái này, đồng thời lại muốn nói đến cái khác, nói đến chuyện riêng của phụ nữ và chuyện khác trong buồng kín của vợ chồng.

Tính chất hai mặt là một dụng ý của nhà thơ chứ không phải tình cờ. Không nên vì bênh vực nhà thơ mà phủ nhận cái “nghĩa ngầm” không mấy che đậy ở những bài thơ ấy.

Ai cũng biết Hồ Xuân Hương là một nhà thơ sắc sảo tài hoa, giàu sức sống, mà luôn luôn bị cuộc đời chèn ép về mọi phương diện, về tinh thần, về tình cảm, về cuộc sống bản năng… Điều đó làm cho nhà thơ vừa phẫn nộ lại vừa khao khát một cái gì đó.

Chắc chắn những phụ nữ khác ở vào cảnh ngộ của Hồ Xuân Hương cũng sẽ có những khao khát như bà. Nhưng lễ giáo phong kiến và tập tục hàng nghìn đời trói buộc, dần dần họ quen với sự nhẫn nhục chịu đựng, không dám ý thức về những khao khát của mình.

Phải có cái dũng cảm, táo bạo như người lao động trong văn học dân gian mới dám nói lên cái khao khát cháy bỏng ấy bằng lời. Hồ Xuân Hương gần với bản lĩnh của người lao động, thêm vào đó với tính cách sắc sảo của mình, bà sẽ không hiền lành ao ước hay chờ đợi: “Bao giờ lão móm chầu trời, Thì em lại lấy một người trai tơ”, mà viết thẳng những cảnh ấy:

Trai du gối hạc khom khom cật,

Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.

Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,

Đôi hàng chân ngọc duỗi song song…

Hay là:

Hai chân đạp xuống năng năng nhắc,

Một suốt đâm ngang thích thích mau…

Đọc những câu thơ này ai cũng thấy cái khát khao của nhà thơ về một tình yêu vật chất, tình yêu thể xác. Nhưng đừng vội nghĩ nói đến tình yêu thể xác, nói đến chuyện trong buồng kín của vợ chồng là dâm đãng.

Nghệ thuật quyết định chủ yếu không phải ở đề tài. Trong thời cổ đại và thời Phục hưng ở châu Âu đâu có hiếm những tác phẩm điêu khắc cùng đề tài với Hồ Xuân Hương mà nhân loại coi là những kiệt tác.

Tho Ho Xuan Huong anh 2
Thơ của Hồ Xuân Hương được nhiều người đánh giá là quá táo bạo về tình dục.

Trong tác phẩm Mười ngày của Boccaccio cũng không ít những trang mô tả những cảnh trong buồng kín của vợ chồng còn trực tiếp hơn Hồ Xuân Hương, nhưng có ai coi Boccaccio là dâm đãng?

Nhu cầu về cuộc sống bản năng cũng là một nhu cầu chân chính của con người, xã hội phong kiến phủ nhận nó, nên con người mới phản ứng chống lại.

Ở Hồ Xuân Hương không có gì quá đà, nhưng đặt trong bối cảnh của xã hội phong kiến phương Đông chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, thì chính đó lại là một sự chống trả quyết liệt.

Hồ Xuân Hương nói nhiều đến dục vọng thể xác, nhưng bà thể hiện những dục vọng ấy trong sáng tác một cách “lành mạnh và khỏe khoắn” (chữ dùng của Engels khi nhận xét về thơ của nhà thơ Đức Georges Weerth. Engels viết: “Cái làm cho Georges Weerth trở thành một bậc thầy, cái mà khiến cho ông vượt Heine, cái mà trong văn học Đức ông chỉ thua Goethe, đó là sự biểu hiện của một dục vọng thể xác lành mạnh và khỏe khoắn…)

Đọc Hồ Xuân Hương, người ta thấy nhà thơ bao giờ cũng tỉnh táo, bà đứng cao hơn hiện tượng mình miêu tả để miêu tả. Và với một tâm hồn nghệ sĩ thực sự, nhà thơ bao giờ cũng phát hiện được những khía cạnh thẩm mỹ trong đối tượng miêu tả của mình.

Sáng tác của Hồ Xuân Hương là nghệ thuật chân chính, là “sáng tạo theo quy luật của cái đẹp”, nên nó không có gì giống, không thể so sánh với loại “sáng tác” khiêu dâm.

Người tình cuối trong cuộc đời Hồ Xuân Hương là ai?

Mối tình cuối cùng của Hồ Xuân Hương là với Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển vào khoảng năm 1814 -1818, đây có lẽ là thời gian hạnh phúc nhất của bà.

Thơ quá táo bạo về tình dục, Hồ Xuân Hương chịu nhiều thị phi

Thơ Hồ Xuân Hương đậm chất phong tình, đến mức nhiều tranh vẽ về bà và tác phẩm của bà thường là tranh nude, đậm tính phồn thực.



Nguyễn Lộc

Trích trong “Hồ Xuân Hương - Tác phẩm và lời bình”

Bạn có thể quan tâm