Từ một thợ bạc có cuộc sống bình dị, bỗng nhiên anh Nguyễn Thanh Công lại trở thành tín đồ của nghệ thuật cây kiểng. Anh say mê đến nổi bạn bè và các nghệ nhân ai cũng nể, coi anh là một tay chơi hào phóng và “ nặng ký ” nhất làng kiểng miền Tây.
Sân kiểng nhà anh ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành - Đồng Tháp với rất nhiều cây kiểng độc đáo, quý giá. “Lúc đầu tôi chỉ chơi vài ba cây trước sân nhà cho đẹp, giúp tinh thần thư giãn sau những giờ lao động mệt mỏi. Không ngờ cây kiểng lại có sức cuốn hút lạ kỳ, càng khám phá tôi càng say mê", anh Công chia sẻ.
Thế là đi đến đâu anh cũng lân la tìm hiểu và tìm những cây đẹp, đặc biệt là cây to có dáng vẻ kỳ thú để mua về làm kiểng, và cứ thế mà số cây trong vườn dần dần tăng lên …Cho đến một ngày, có người đến hỏi mua lại mấy cây trong vườn với giá lên hàng trăm triệu đồng, lời gấp đôi, gấp ba giá vốn. Từ đây, anh mới nảy sinh ra ý tưởng vừa chơi kiểng vừa dùng kiểng để làm kinh tế.
Anh Công bên tác phẩm tiểu cảnh - ngoa tùng non bộ, đoạt giải vàng 2010. |
Có người hỏi anh, giữa chơi và kinh doanh cây kiểng, anh nặng bên nào? Anh không ngần ngại trả lời: "Nặng cả hai. Vì nếu không say mê, không yêu thích thì không ai dám bỏ hàng trăm triệu ra mua về để chơi. Ngược lại chơi mà không có đồng ra đồng vô thì lấy đâu ra tiền để chơi tiếp", anh Công nói.
Anh Sáu Lựu, một nghệ nhân từng trải về nghề hoa kiểng cho biết, anh Công đã từng bỏ tiền thuê xe tải để chuyển cây sanh cổ thụ ra Hà Nội triển lãm nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Ngoài ra anh còn tích cực tham gia các Hội thi Hoa - lan - cây cảnh do địa phương và các nơi tổ chức để giao lưu học hỏi và chia sẻ với nghệ nhân cả nước. Tại Lễ hội Sinh Vật Cảnh Đồng Tháp năm 2010, anh đã giành được huy chương vàng cho tác phẩm Tiểu cảnh do chính anh sáng tạo.
1 tỷ đồng…" /> |
Cây sanh dáng cổ này anh Công đã đưa ra Hà Nội triển lãm, có trị giá 1,5 tỷ đồng. |
Hiện vườn kiểng của anh Công có gần 400 bonsai, kiểng cổ thụ, kiểng hoa, kiểng trái và tiểu cảnh...với khá nhiều chủng loại đặc sắc, quý giá như mai vàng, nguyệt quế, tùng, sanh, cằn thăn, mai chiếu thủy và nhiều cây rừng hoang dã như vú sữa, lộc vừng, dâu… cây nào cũng được cắt tỉa, tạo dáng theo phong cách riêng. Riêng với bonsai, anh rất chú ý về tổng thể, chậu và cây lúc nào cũng tương xứng, cân đối và hài hòa.
Anh nói, trong số các loại cây hiện có, anh mê nhất là nguyệt quế và kiểng trái. Ngoài việc sưu tầm, anh còn là một người cần cù chịu khó, miệt mài học hỏi những kỹ thuật tiên tiến, bằng cách mời một số nghệ nhân có uy tín đến cố vấn kỹ thuật. Nhờ vậy mà bất cứ một mẫu cây rừng nào dù dạng thô sơ, tàn nhánh rắc rối tới đâu, khi vào khu vườn nhà anh cũng có thể hóa thân thành một cây kiểng nghệ thuật.
Anh cho biết mỗi cây đều có dáng vẻ và nét kỳ mỹ hấp dẫn khác nhau, do đó giá trị cũng khác nhau. Cây trong vườn nhà anh trung bình có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Riêng những cây lâu năm, già như cây sanh dáng cổ đã đưa ra Hà Nội triển lãm trị giá 1,5 tỷ đồng, hay cây nguyệt quế cổ thụ có giá 1 tỷ đồng…
Theo anh Công, chơi cây kiểng nếu không say mê, không yêu thích thì không bỏ hàng trăm triệu mua về để chơi. Nhưng chơi mà không có kinh tế thì không thể vững. |
“ Nhiều năm qua, có bao nhiêu tiền tôi cũng dành ưu tiên cho vườn kiểng. Đến năm rồi tôi đã thu vô được 10 tỷ từ tiền bán cây", anh Công khoe.
Cũng theo anh Công, chơi cây kiểng ngoài lợi nhuận kinh tế còn giúp con người gần với thiên nhiên, tâm hồn mở rộng, yêu đời và yêu cuộc sống nhiều hơn. Và cây kiểng cũng giúp anh có thêm nhiều bạn bè, khách ở các nơi từ Hà Nội, miền Trung, đó là những người cùng sở thích, cùng anh chia sẻ về thú chơi này đặc biệt này.