Chưa đầy một tuần nữa, lễ hội chọi trâu truyền thống tại xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc bắt đầu vào xới. Những ngày nay, ông Nguyễn Văn Bản, thôn Dừa Cả, cùng 7 anh em trong đội túc trực, cắt cử nhau chăm ông Cầu ngày đêm. Ông Cầu là tên người dân ở đây dành gọi cho chú trâu chọi. Sau khi được tuyển chọn và mua về, trâu được làm lễ để trở thành ông Cầu, mang mong ước về sức khỏe và may mắn của cả thôn.
Thịt trâu chọi thua cũng có giá 500.000 đồng/cân. Ảnh: Lê Hiếu. |
“Tết cũng không dám lơ là việc chăm ông Cầu. Đều đặn mỗi ngày, một người trong đội phải cho trâu ăn một tạ cỏ voi, tắm 3 lần, dắt đi dạo và tập húc 3 lần, đêm về chắn gió, đuổi muỗi…”, ông Bản nói. Theo ông, việc chăm trâu chọi cầu kỳ nhưng như vậy đã nhàn hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống. Bởi xưa kia, người nông dân còn phải móc màn cho trâu ngủ, người nhận nhiệm vụ chăm trâu phải ngủ riêng cả năm để tránh nhiễm bệnh từ người nhà sang.
Vất vả, cầu kỳ là vậy nhưng nếu thua xới, người nông dân có nguy cơ lỗ lớn. Thịt ông Cầu chọi thua tuy có giá gấp đôi thịt trâu bình thường, 500.000 đồng/kg, nhưng số tiền thu về vẫn không đủ bù chi phí đầu tư của nhiều hộ nông dân.
Để được nuôi trâu chọi vào xới đấu, người nông dân phải đầu tư 30 triệu tiền mua bản quyền. Ảnh: Lê Hiếu. |
Tuyển mua trâu trên tận Văn Chấn, Yên Bái từ đầu tháng 7, ông Bản nhẩm tính, đến khi vào xới (16-17 tháng Giêng), ông cùng cả đội phải đầu tư vào ông Cầu 150 triệu. Trong đó, 73 triệu tiền mua trâu và làm chuồng; 30 triệu tiền mua bản quyền để được vào xới đấu; còn tiền chăm trâu và mua cỏ voi khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng.
“Môi thôn chỉ được một suất trâu chọi, mình muốn vào xới thì phải mua với giá 30 triệu. Giá trâu thường chỉ 40-50 triệu đồng, còn trâu tốt để chọi có giá không dưới 60 triệu, ông Cầu tôi mua là 65,5 triệu đồng, mà tuyển mãi mới được. Tiền mua một tạ cỏ voi mỗi ngày là 100.000 đồng, công lao động theo ngày cũng khoảng chừng đó. Vì đến phiên ai chăm trâu thì người đó xem như chẳng làm thêm được việc gì kiếm tiền cho nhà. Tôi từng thuê nhiều người giá 100.000 đồng một ngày để chăm trâu, mình đi làm việc khác nhưng không ai nhận”, ông Bản kể.
Chuồng của ông Cầu được làm bằng gỗ bạch đàn, lợp lá cọ. Ảnh: Xuân Ngọc. |
Anh Nguyễn Văn Thơm, người cùng đội với ông Bản, tiếp lời kể: ông Cầu của cả đội đã được gắn mã số 18, giờ chỉ chuẩn bị tinh thần ra xới. Ngoài chi phí chăm nuôi và mua trâu, đội anh còn tốn hơn 6 triệu đồng tiền làm chuồng trại trong vòng gần 7 tháng qua. “Chuồng phải làm bằng gỗ bạch đàn, lợp lá cọ, ông Cầu húc hỏng lại phải thay, xây chuồng bê tông, xi măng thì chắc chắn nhưng ông húc hỏng sừng”, anh giải thích.
Theo đó, với 150 triệu đầu tư mà chỉ bán được 500.000 đồng/kg thịt trâu thì người nuôi có nguy cơ lỗ nặng. Bởi một chú trâu có khoảng 3 tạ thịt, trong đó chỉ khoảng 100-150 kg thịt loại một (phần bắp, hông…) bán được với giá cao nhất, còn lại giá thịt sẽ giảm dần 300.000 – 400.000 đồng mỗi kg. “Năm ngoái, trong xã có nhà bán hết cả thịt, thủ, xương mà chỉ thu được gần 100 triệu đồng, lỗ gần 50 triệu đồng”, ông Bản kể.
Nhưng nếu trâu chọi thắng, xác suất khá thấp, vì 32 ông Cầu vào xới chỉ có một con đoạt chức vô địch, thì người nuôi lãi lớn. Ông Đào Tiến Lợi, chủ một hộ nuôi trâu chọi ở thông Lũng Lợn, cho biết: trâu thắng thì lãi to, trâu thua nhưng đánh hăng thì bán được giá khoảng 800.000 đồng một kg, hòa vốn và lãi chút ít, còn con nào vừa vào sân đã chạy thì cầm chắc lỗ.
Trâu chọi cần cao lớn, đanh sừng, chân to, móng hến... Ảnh: Xuân Ngọc. |
Ông giải thích, đầu năm nhiều người muốn ăn thịt trâu chọi để hy vọng cả năm khỏe mạnh. Do đó, những chú trâu chọi hăng, đánh đẹp, nhất là thắng cuộc, nhiều người không tiếc tiền mua thịt để ăn, dù chỉ vài lạng. Còn trâu nhát, đấu kém có giá vừa thấp, vừa khó bán.
Mỗi cân thịt trâu thắng cuộc có giá lên đến 2-3 triệu đồng với thịt loại một. Thịt loại 2 và 3 có giá thấp dần xuống, khoảng một triệu đồng đến 1,5 triệu đồng mỗi kg. “Nhà có trâu thắng, cả tiền thưởng của xã và tiền bán thịt phải lãi được gần trăm triệu. Nhưng 32 con mới có một con thắng, khó lắm”, ông Lợi nói. Nuôi trâu 6-7 năm nay nhưng ông Lợi chưa bao giờ đưa được ông Cầu của mình lên ngôi vị đó.
Theo anh Nguyễn Văn Thơm, người có trâu chọi đoạt chức vô địch năm 2012, chủ trâu không chỉ cần chăm tốt mà còn cần rèn chiến thuật húc và ghì cho ông Cầu. Ảnh: Xuân Ngọc. |
Anh Nguyễn Văn Thơm, cũng là người có ông Cầu đoạt giải vô địch năm 2012, tiết lộ, nuôi trâu chọi cần tuyển trâu kỹ và có chiến thuật. Theo kinh nghiệm của anh, chủ trâu cần chọn trâu đanh sừng, cao lớn (dài 1,5-1,6m, cao từ 1,3m trở lên), vanh (đường kính phần ngực) là 205cm trở lên, độ mở sừng 60 cm, chân to, móng hến (tròn, dày). Ngoài ra, 2 tiêu chí thể hiện trâu khôn và máu chiến là mí mắt nhỏ, bốn xoáy.
“Cho trâu ăn sắn thì nhanh lớn nhưng mỡ và cơ yếu, nuôi trâu chọi tốt nhất nên cho ăn cỏ và cây ngô. Còn chiến thuật tập luyện thì đều đặn ngày 3 lần dắt ông Cầu ra các bờ đất thấp để trâu tập húc và ghì”, anh Thơm chia sẻ.