Trao đổi với Zing.vn liên quan tới các hoạt động truyền bá vong báo oán ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Mai, Trưởng phòng Nghiên cứu Tôn giáo Tín ngưỡng và Văn hóa truyền thống (Viện Nghiên cứu Tôn giáo), cho rằng bà Phạm Thị Yến có những phát ngôn hồ đồ và lợi dụng các tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống.
“Từ khi có thông tin sự việc, tôi và các đồng nghiệp cảm thấy tức giận vì niềm tin tôn giáo của phật tử bị mang ra để trêu đùa, trục lợi”, bà Mai cho biết.
Gieo rắc nỗi sợ để kinh doanh, trục lợi
Theo tiến sĩ Mai, “luật nhân quả” được bà Yến liên tục đề cập đến trong các bài thuyết giảng của mình, là một quan niệm nằm trong thuyết Đông Nam Á cổ. Sau này, “thuyết đầu thai” cũng được đánh đồng với “nghiệp chướng” và được Phật giáo giải thích với quan niệm “duyên tiền định”.
Thuyết này khiến con người tin rằng nếu kiếp này làm nhiều điều không tốt thì kiếp sau sẽ bị ảnh hưởng, phải chịu nghiệp báo.
“Tuy nhiên, đó chỉ là quan niệm nằm trong niềm tin tâm linh của người dân. Cũng chưa có khoa học nào chứng minh được cái đó”, bà Mai khẳng định.
Tiến sĩ Ngọc Mai cho rằng bà Yến có những phát ngôn hồ đồ và lạm dụng các tín ngưỡng tôn giáo truyền thống để trục lợi. Ảnh: Viện Nghiên cứu Tôn giáo. |
Do vậy, nhiều người đã lợi dụng niềm tin này để trục lợi và gieo vào trong người dân sự mê tín dị đoan.
Bà Mai cho rằng nếu là một người có hiểu biết và thuyết giảng điều thiện, người phát ngôn đại diện cho Phật giáo phải có vai trò chăm sóc đời sống tinh thần con người, giúp người dân hiểu tường minh hơn về những quan niệm đã có. Trong khi đó, bà Yến đã lợi dụng các quan niệm của tín ngưỡng truyền thống, truyền bá các quan niệm gây hoang mang và lo lắng cho cộng đồng phật tử.
Nói về thông tin chùa Ba Vàng tổ chức hoạt động "thỉnh vong", "gọi hồn" tại chùa Ba Vàng, tiến sĩ Mai nhận định đây là một trong những hoạt động kinh doanh tâm linh.
Theo đó, do biến đổi về cách thực hành tôn giáo trong những năm gần đây, nhiều nhà chùa đã quay ra làm dịch vụ tâm linh. Việc thực hành các nghi lễ như dâng sao giải hạn hay giải yểm vong như vừa rồi cũng được xem là các dịch vụ tôn giáo. Nhưng các hoạt động này không nằm trong chức năng của nhà chùa.
Bà Phạm Thị Yến, người có những clip truyền bá về vong báo oán và luật nhân quả ở chùa Ba Vàng, khiến nhiều người phẫn nộ vì những phát ngôn xúc phạm vong linh người đã khuất. |
Ngôi chùa truyền thống lâu đời và đặc biệt các tăng ni mà thực hành theo giáo lý Phật giáo và phải đem giáo lý đó truyền dạy trong chúng đồ, chúng tăng. Điều đó giúp nâng cao nhận thức về tôn giáo và đặc biệt là phổ truyền giá trị văn hóa Phật giáo, nâng cao đạo đức, lối sống để con người hành xử với nhau theo nguyên tắc đạo đức từ bi của nhà Phật.
Tuy nhiên, nhiều nhà chùa đổ xô làm các dịch vụ tôn giáo này thu tiền và đưa ra những phát ngôn gây tâm lý lo lắng cho tín đồ.
"Nếu xác minh được thực sự có các hoạt động này thì chúng ta phải kiên quyết lên án", bà Mai khẳng định.
Công an xác minh dấu hiệu mê tín dị đoan
Tối 21/3, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cho biết đã giao cơ quan công an vào cuộc xác minh dấu hiệu hoạt động mê tín dị đoan và một số biểu hiện vi phạm khác diễn ra tại chùa Ba Vàng.
Công an TP Uông Bí sẽ thu thập chứng cứ, làm việc với các bên liên quan để làm rõ những vấn đề báo chí phản ánh. Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã có những chỉ đạo đối với công an sở tại để sớm có kết luận thông tin đến báo chí.
Theo ông Hà, trong buổi làm việc với địa phương ngày 20/3, đại diện chùa Ba Vàng xác nhận hình ảnh báo chí phản ánh diễn ra tại chùa nhưng được cắt xén với dụng ý riêng. Trụ trì ngôi chùa giải thích các khoản tiền cúng lễ oan gia trái chủ do phật tử tự nguyện cúng dường tam bảo và theo yêu cầu của vong. Chùa Ba Vàng không yêu cầu phật tử phải đóng góp.
Ngoài cơ quan công an, các sở, ngành địa phương cũng vào cuộc để xác minh làm rõ những vấn đề báo chí phản ánh.
Liên quan vụ việc, trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ - luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hành nghề mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng, theo Khoản 2- 3 Điều 320 Bộ luật hình sự.
Theo luật sư, các hoạt động như thỉnh vong, gọi hồn tại ngôi chùa này, ai muốn thoát nạn thì phải “trả nợ” cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa, tất cả đều là hoạt động mê tín dị đoan nhằm trục lợi.
"Trừ khi người truyền bá có bệnh lý tâm thần, còn nếu hoàn toàn tỉnh táo thì hoàn toàn đủ dấu hiệu cấu thành tội hành nghề mê tín, dị đoan và thậm chí cưỡng đoạt tài sản", luật sư phân tích.
Còn luật sư Trần Văn Khánh (Đà Nẵng) cho hay khi vào cuộc điều tra, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ xem bà Yến có lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không. Trường hợp, bà Yến dùng các thủ thuật “bói toán”, “mê tín, dị đoan” để chiếm tiền của người dân thì có thể xử lý hình sự tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn nếu, người dân “tín ngưỡng, mù quáng”, tự nguyện đến chùa nhờ hoặc thuê bà Yến “gọi vong” thì rất khó cáo buộc bà này tội danh trên.
Ngày 20/3, báo Lao Động đăng tải phóng sự phản ánh hoạt động "thỉnh vong", "gọi hồn" tại chùa Ba Vàng. Ai muốn thoát nạn thì phải “trả nợ” cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa. Theo bài viết, mỗi năm chùa Ba Vàng thu trăm tỷ đồng từ hoạt động này.
Chùa Ba Vàng có đủ cách để "hút" tiền từ các phật tử, thông qua hình thức đưa tiền mặt hoặc chuyển khoản, thậm chí trả góp. Với những người không có tiền, chùa lại có cách nhận vào làm việc không công, gọi là "làm công quả".