Tập luyện võ thuật là một nội dung bắt buộc để trở thành vệ sĩ. Ảnh: Takungpao |
Nghề vệ sĩ trở thành một nghề thu hút rất nhiều cô gái Trung Quốc tham gia những năm gần đây. Theo CNN, số lượng tỷ phú Trung Quốc năm 2013 là 317 người, chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ, và hơn 2 triệu người là triệu phú. Do vậy, nhu cầu vệ sĩ bảo vệ các tỷ phú, triệu phú ngày càng tăng.
Trong một lĩnh vực tưởng chừng nam giới sẽ chiếm ưu thế, phụ nữ bỗng trở thành "hiện tượng" và thu hút khách hàng. "Họ không chỉ là vệ sĩ, thỉnh thoảng họ trở thành trợ lý riêng của ông chủ. Ngoài ra, rất nhiều phụ nữ Trung Quốc ngày càng thành công trong kinh doanh và họ thường chỉ muốn tuyển vệ sĩ nữ", giám đốc một cơ sở đào tạo vệ sĩ cho biết.
Những lợi thế của nữ vệ sĩ
Cô Li Wenjing, 24 tuổi, là một vệ sĩ chuyên bảo vệ cho các đại gia Trung Quốc. Khi canh gác xung quanh khu nghỉ dưỡng 5 sao của ông chủ, Li mặc bộ đồ da hầm hố màu đen và trông giống một sát thủ hơn là một bảo vệ bình thường. "Khi tôi đi cùng ông chủ thì tôi sẽ ăn vận đơn giản hơn. Nếu phải dự các buổi tiệc, tôi được phép mặc những bộ đồ nữ tính. Tôi đóng vai là thư ký của ông chủ, nên không ai nhận ra tôi là vệ sĩ của ông", cô Li nói trên trang VICE.
Trong khi đó, cô Yang Donglan, 23 tuổi, từng là một nhân viên bán mỹ phẩm trước khi rẽ hướng đột ngột và trở thành vệ sĩ. "Tôi đi cùng ông chủ đến rất nhiều nơi, học hỏi được nhiều điều và mở rộng tầm mắt", Yang nói. Theo cô Yang, một trong những ưu điểm của nữ vệ sĩ là họ không gây sự chú ý như các đồng nghiệp nam. "Chúng tôi rất dễ bị 'chìm' ở giữa đám đông. Mọi người không nhận ra chúng tôi là vệ sĩ. Trong khi đó, một số vệ sĩ nam rất cao và những người xung quanh sẽ nhận ra ngay".
Đối với những nữ đại gia, vệ sĩ nữ không chỉ là một người bảo vệ cho họ mà có thể chia sẻ những suy nghĩ giữa những người phụ nữ. Hơn nữa, một nữ vệ sĩ có thể túc trực bên cạnh nữ khách hàng suốt cả ngày mà không sợ gây ra điều tiếng như những đồng nghiệp nam. Cô Guo, một phát thanh viên đài truyền hình trung ương (CCTV) cho rằng: "Một vệ sĩ thậm chí còn cần thiết hơn một chuyên viên trang điểm hay trợ lý".
Các cô gái trong một bài tập khống chế đối tượng. Ảnh: Reuters |
Khổ luyện không kém nam giới
Một trong những cơ sở đào tạo vệ sĩ nổi tiếng ở Bắc Kinh là Học viện an ninh quốc tế Tianjiao. Ngôi trường thành lập từ năm 2008 chuyên cung cấp vệ sĩ cho những khách hàng đại gia ở Trung Quốc. Theo cô Yang, chi phí khóa học chỉ khoảng 12.800 nhân dân tệ (2.100 USD) trong 3 tuần, nhưng nội dung khóa học ở đây vô cùng khắc nghiệt, không phân biệt hay thiên vị dựa trên giới tính.
Trong những buổi tập, Yang phải lăn lộn trên những vũng bùn bất chấp gió lạnh mùa đông, học cách bắn súng và học cách duy trì sự tỉnh táo trong suốt 24 giờ. "Tôi chưa bao giờ tập thể lực nhiều vậy. Khi mới vào học, tôi thường bị hụt hơi khi chạy bộ. Nhưng rồi tôi cũng dần làm quen được", Yang nói.
Trong khi đó, Xin Yang, hiệu trưởng cơ sở đào tạo vệ sĩ Yunhai là nơi cô Li theo học, cho biết những bài tập buổi sáng chủ yếu chú trọng rèn luyện thể lực, bao gồm chạy bộ nhiều cây số mỗi sáng sớm, tập các môn đấm bốc và đặc biệt là luyện võ. "Luật pháp Trung Quốc không cho phép bất kỳ thường dân nào sở hữu vũ khí. Do vậy, vệ sĩ phải thực sự thông thạo kỹ năng quan sát, kỹ thuật tự vệ, giỏi võ và biết phản ứng nhanh để bảo vệ khách hàng trong tình huống nguy hiểm", ông Xin nói. Vào buổi trưa, các cô gái tại cơ sở Yunhai sẽ học về tình huống khi bảo vệ khách hàng, như việc hộ tống khách rời khỏi xe giữa đám đông.
Ma Zeng, một nữ học viên tại trung tâm huấn luyện Yunhai, học cách khống chế kẻ tấn công. Ảnh: VICE |
Ông Chen Yongqing, người sáng lập và là học viện Tianjiao, cho biết thêm: "Chúng tôi không chỉ yêu cầu học viên rèn luyện thể lực mà còn huấn luyện cho họ các kỹ năng cần thiết khác, như biết uống rượu vang, để giúp họ ghi điểm hơn với các ông chủ". Tuy tất cả học viên đều bắt đầu huấn luyện cùng thời điểm, không phải ai cũng tốt nghiệp cùng lúc với nhau và có người thậm chí phải học thêm một năm.
Vào cuối ngày tập, Ma Zeng, 20 tuổi, mệt nhoài sau những buổi tập đấm bốc với một học viên nam. "Tôi cảm thấy rất tự hào khi có thể bảo vệ an toàn cho khách hàng của mình. Hơn nữa, đây là công việc mà tôi có thể chứng tỏ khả năng của mình. Đây là mồ hôi, công sức của tôi, nó không phải là thứ vô ích", Ma nói.
Theo cô Li Wenjing, sự khổ luyện và tính chất nặng nhọc của công việc vệ sĩ cũng nhận lại mức lương xứng đáng. Nếu các vị khách thuê họ càng giàu có thì mức lương của vệ sĩ càng cao. Hiện nay, thu nhập của cô Li là 40.000 nhân dân tệ/tháng (6.500 USD), gấp 10 lần mức thu nhập trung bình ở khu vực đô thị tại Trung Quốc. Li thừa nhận: "Nếu tôi trở thành một công chức bình thường thì sẽ chẳng bao giờ có cơ hội phát huy hết giá trị bản thân, và mức thu nhập cũng chưa chắc tốt như vậy".