Con cá mắc kẹt trong khí quản cậu thiếu niên người Bangladesh có chiều dài lên đến 16 cm. Ảnh: Kanu Lal Saha |
Mấy hôm trước một thiếu niên 16 tuổi sống ở thành phố Dhaka, Bangladesh, đi câu cá cùng bạn bè. Cậu phát hiện hai con cá chình. Sau khi bắt một con, cậu ngậm nó giữa hai hàm răng để rảnh tay bắt con thứ hai. Không may, con cá luồn lách, trượt vào miệng và mắc kẹt trong cổ họng thiếu niên.
Cậu chạy về nhà. Gia đình nhìn thấy con cá trong cổ họng cậu và cố hết sức lôi nó ra.
Vì con vật còn sống, nó di chuyển xuống dưới đến khi họ không thể thấy nó, tạp chí y học Biomed Central đưa tin.
Gia đình đưa cậu đến một bệnh viện địa phương nhưng các bác sĩ không thể thấy con cá.
Thiếu niên 16 tuổi bắt đầu cảm thấy khó thở. Bác sĩ chuyển cậu đến bệnh viện thuộc Đại học Y khoa Dhaka.
Đến nơi, người cha giải thích sự việc. Bác sĩ kiểm tra cổ họng cậu, thấy một vết rách nhưng vẫn không tìm ra nó.
Họ quyết định phẫu thuật khẩn cấp, tạo một lỗ ở cổ trước, chèn ống thở trực tiếp vào khí quản để giúp bệnh nhân hít thở. Tuy nhiên, bác sĩ phát hiện cậu thiếu niên vẫn không đủ không khí.
5 giờ sau khi sự cố xảy ra, họ nhìn thấy vây đuôi của con vật trong khí quản thông qua cái lỗ họ vừa tạo ra. Bác sĩ xoay xở, kéo nó ra khỏi cổ họng bệnh nhân. Tại thời điểm đó, con cá đã chết.
Nó thuộc loài cá chình gai Ấn Độ với chiều dài thân lên đến 16 cm.
Kanu Saha, bác sĩ phẫu thuật cho cậu thiếu niên, nói: “Đây là lần thứ hai tôi gặp trường hợp như vậy. Bệnh nhân trước là một người đàn ông 45 tuổi đến từ một làng quê cách thủ đô khoảng 300 km. Khi ông đến bệnh viện, con cá đã ở trong khí quản 12 giờ. Đáng tiếc, ông ấy không sống sót”.
Hình chụp X-quang cá sống mắc kẹt trong cổ họng một thiếu niên ở Pakistan năm 1965. Ảnh: Daily Mail |
Một trường hợp tương tự khác cũng xảy ra ở Pakistan vào năm 1965. Một thiếu niên 16 tuổi nuốt phải cá sống khi đang bắt cá. Tuy nhiên, bác sĩ có đủ thời gian để chụp X-quang.
Ông nói thêm: “Cơ hội sống sót khi nuốt cá sống rất hiếm. Cậu bé đã rất may mắn”.
Kanu Saha cho biết cá chèn khí quản khiến bệnh nhân không thể giao tiếp, bác sĩ khó chẩn đoán đúng vì mỗi loài cá khác nhau sẽ mắc kẹt tại các vị trí khác nhau. Cá lớn thường mắc ở phía sau cổ họng bệnh nhân trong khi cá nhỏ thân dẹt hoặc dài có thể luôn sâu vào trong khí quản. Vì thế, ông khuyên người dân không nên ngậm cá sống, đề phòng chuyện đáng tiếc xảy ra.
Cách đây không lâu, Daily Mail đưa tin về trường hợp các bác sĩ tại Bệnh viện Universitario ở thành phố Londrina, Brazil, lấy ra một con cá phổi Nam Mỹ với chiều dài 0,6 mét trong ruột một người đàn ông 39 tuổi. Bệnh nhân từ chối giải thích nguyên nhân con vật xuất hiện trong cơ thể anh ta.