Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thiếu niên Afghanistan bị Taliban ép gia nhập hàng ngũ

Sau khi Taliban đánh chiếm thành phố miền Bắc Afghanistan, Abdullah bị phiến quân bắt vận chuyển súng phản lực chống tăng lên ngọn đồi, trở thành tân binh bất đắc dĩ và đầy sợ hãi.

Abdullah, 17 tuổi, cho biết cậu bé đang đi trên đường phố Kunduz thì các thành viên của Taliban chặn anh lại. Lực lượng nổi dậy cũng bắt được 30-40 thanh niên khác ở bên ngoài một madrassa (trường học Hồi giáo), cậu cho biết. Nhiều người trong số họ là các bé trai 14 tuổi, theo AFP.

"Họ yêu cầu chúng tôi cầm vũ khí và gia nhập đội ngũ của họ", Abdullah nói với phóng viên AFP. "Và khi cha mẹ đến để yêu cầu thả chúng tôi, họ đã đe dọa họ bằng vũ khí".

Taliban gần như đã kiểm soát Afghanistan sau cuộc tấn công chớp nhoáng - một phần được hỗ trợ bởi những tay súng bị ép buộc như Abdullah. Lực lượng này được Taliban sử dụng làm bia đỡ đạn.

Abdullah cho biết quân nổi dậy buộc túi RPG nặng 20 kg vào lưng cậu bé, đồng thời nhét vào tay mỗi người một hộp đạn và buộc phải hành quân.

Taliban chiem Afghanistan anh 1

Tình trạng hỗn loạn tại Afghanistan khi Taliban nắm quyền kiểm soát. Ảnh: Reuters.

Thử thách này kéo dài 3 giờ cho đến khi gia đình của Abdullah đến để yêu cầu phiến quân thả cậu. Nhưng khi họ chuẩn bị chạy trốn, quân nổi dậy đã quay trở lại.

"Họ đã đánh chúng tôi. Tôi vẫn còn nguyên dấu vết", cậu nói.

Một giờ sau, cậu cho biết đã được đưa cho một khẩu súng trường tấn công và bắt phải hành động. Cậu được lệnh hỗ trợ lực lượng nổi dậy tấn công một đồn cảnh sát.

"Tôi run rẩy, tôi không thể cầm súng của mình", Abdullah nói trong khuôn mặt đỏ bừng.

Các lực lượng chính phủ Afghanistan đã chống trả dữ dội. "3-4 cậu bé mang theo vũ khí đã bị trúng đạn và chết khi túi của họ phát nổ", Abdullah nói.

"Một tay súng Taliban đã bị giết, một người khác bị mất một chân và cánh tay". Điều này khiến Abdullah thực sự sốc.

Sau đó, Abdullah nhìn thấy cơ hội trốn thoát của mình khi một nửa số chiến binh Taliban trong nhóm đã bị tiêu diệt hoặc bị thương. Cậu bỏ súng xuống và chạy về nhà.

Gia đình cậu cũng đang vật lộn với cuộc tháo chạy của chính họ nhằm tìm kiếm sự an toàn ở thủ đô Kabul. Họ đã vay tiền và cầm cố tài sản.

"Chúng tôi không mang theo bất cứ thứ gì. Chúng tôi thậm chí còn bán thức ăn của mình", Abdullah cho biết.

Sau hành trình kéo dài 15 giờ, Abdullah cùng với cha mẹ, ông nội và các anh chị em đã đặt chân đến Kabul. Kể từ đó, họ đã ngủ dưới lều trong một công viên ở vùng ngoại ô phía bắc, nơi họ trò chuyện với AFP.

Abdullah cho biết bụng của cậu vẫn còn đau khi các chiến binh Taliban dùng báng súng đánh khi cậu chống lại việc phục vụ cho Taliban.

Ước mơ của cậu bây giờ là được rời khỏi Afghanistan. Nhưng khi bị Taliban bắt làm con tin, Abdullah cho biết cậu rất lo sợ cho gia đình mình.

“Tôi đang nghĩ về bố mẹ mình. Nếu tôi bị đánh và giết chết... điều gì sẽ xảy ra với họ?", cậu cho biết.

Ai chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan?

Tổng thống Joe Biden đã quyết định rút quân Mỹ ở Afghanistan để kết thúc cuộc chiến dài nhất nước Mỹ. Vào thời điểm Taliban vươn mình trở lại, vấn đề trách nhiệm lại được dấy lên.

Người mẹ Afghanistan bị giết sau khi Taliban gõ cửa lần thứ tư

Các tay súng Taliban liên tục gõ cửa nhà bà Najia trong ba ngày liên tiếp để yêu cầu bà nấu ăn cho 15 chiến binh. Tới lần thứ tư họ gõ cửa, bà thú thực là không còn gì để nấu.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm