Bà Đào Thị Thanh Tâm (Phó tổng thư ký T.Ư Hội Chữ thập đỏ VN, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu) cho biết, người VN đang rất thiếu kỹ năng tự giải cứu mình và mọi người trong tình huống sống còn: cháy nổ, động đất, tai nạn, lũ quét...
Thiếu kỹ năng
Anh Phạm Lê Tiến - trưởng nhóm du lịch khám khá Phong Vân (nhóm phượt Phong Vân), nhóm đã tham gia sơ cứu các nạn nhân vụ tai nạn xe khách tại Sa Pa, Lào Cai hồi đầu tháng 9 vừa qua kể rằng thời điểm nhóm đang tham gia tìm kiếm người bị nạn ngay sau khi xe khách rơi xuống vực ở Sa Pa, một nhóm phượt khác cũng đi qua điểm xe khách bị nạn nhưng họ chỉ đứng xem một chút rồi tiếp tục hành trình.
Lực lượng cứu hộ cấp cứu người bị thương trong vụ tai nạn xe khách tại Sa Pa, Lào Cai . |
Thực tế cũng cho thấy người Việt Nam thường đến xem nhiều hơn là đến tham gia cứu hộ mỗi khi tình cờ gặp tai nạn trên đường. Một phần vì hầu hết người Việt chưa có kỹ năng, một phần họ ngại liên đới về pháp lý và ngại cứu được thì không sao, có gì rắc rối lại phiền hà.
“Chúng tôi không có kỹ năng sơ cấp cứu, chỉ một số bạn trong nhóm có băng gạc cá nhân mang theo phòng tình huống bất trắc nhưng chỉ băng cho 1-2 người là hết. Các bạn trong nhóm đã có sáng kiến lấy bông trong gối dành cho khách trên xe và lấy rèm cửa để băng bó, dùng cành cây làm nẹp cố định cho người bị gãy tay, chân và tháo đệm của giường nằm dành cho người bị chấn thương cột sống”, anh Tiến cho biết.
Theo bà Thanh Tâm, mặc dù nhóm Phong Vân không có kỹ năng mà chỉ là “sáng tạo”, nhưng hầu hết người Việt cũng không có những kỹ năng như vậy.
Ngay khi tai nạn xảy ra, cách làm thường thấy nhất là xốc nạn nhân ngồi lên taxi hoặc xe ôm, cả trong trường hợp nạn nhân bị chấn thương cột sống.
Việc đưa nạn nhân đi cấp cứu sớm có thể cứu tính mạng họ, nhưng cấp cứu không đúng lại dẫn đến nguy cơ liệt nửa hoặc cả người với nạn nhân.
Bà Tâm cho biết: “Khi chúng tôi đến Thái Lan, vào các trường học hỏi học sinh thì các em đều biết rất rõ khi gặp các tình huống động đất, cháy nổ, lũ quét, tai nạn... thì các em phải làm gì. Ở Việt Nam ngay cả người lớn cũng không biết các kỹ năng này. Ở các tòa nhà cao tầng trong tình huống có cháy thì mọi người chen nhau chạy, có khi chạy cả vào thang máy".
Các nhân viên tòa nhà cũng chưa được huấn luyện kỹ năng giải cứu nạn nhân trước khi tòa nhà đi vào hoạt động, vì thế ngay cả nhân viên cũng không biết làm thế nào. Vụ rơi thang máy tại tòa nhà Lotte Hà Nội tối 25/9, tôi được biết nạn nhân đã gọi hơn 20 cuộc điện thoại thông báo tình hình nhưng giải cứu vẫn rất chậm” ,bà Tâm cho hay.
Học “kỹ năng thoát hiểm”
Là nội dung khóa học mà nhóm Phong Vân vừa được học trong hai ngày 27 và 28/9 tại Hà Nội. Theo anh Phạm Lê Tiến, trong những chuyến du lịch khám phá, người trong nhóm từng phải tự sơ cứu cho nhau trong trường hợp thành viên trong nhóm bị ngã xe. Và đầu tháng 9 vừa rồi, họ lần đầu tiên tham gia cứu hộ một vụ tai nạn.
“Chúng tôi làm theo bản năng, như thấy chảy máu thì băng cầm máu, chúng tôi cũng chưa có kiến thức để tự thoát hiểm trong các tình huống như lở đất, lũ quét, cháy nổ... trên chặng đường du lịch khám phá”, anh Tiến cho biết.
Theo bà Tâm, việc có những kỹ năng cơ bản như mang theo túi sơ cấp cứu mini trong cốp xe đi làm, đi học hằng ngày, hoặc đi du lịch thì có túi cấp cứu gọn nhẹ như có bông băng cồn gạc, thuốc thiết yếu, nên làm gì khi có báo cháy trong tòa nhà mình đang đứng... là rất cần thiết để có những hành trình an toàn và hỗ trợ mọi người khi cần thiết.
Bà Susan Rosemary Fenton, đại diện Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại VN, cho biết ở đất nước của bà (New Zealand) người ta đã đưa kiến thức thoát hiểm đến từng chiếc điện thoại cá nhân.
Còn ở VN, bà Tâm cho biết người dân cần biết một số kỹ năng cơ bản như băng bó, xử lý dị vật, vận chuyển nạn nhân an toàn... và cần được huấn luyện nâng cao các kỹ năng thoát hiểm như bị ngạt vì cháy nổ, kẹt thang máy.
“Ở trường học các kỹ năng này chỉ được đưa vào các giờ ngoại khóa hiệu quả thấp, còn ngoài cộng đồng người nào có nhu cầu mới đi đăng ký học. Người dân không được tập dượt và khi xảy ra các trường hợp khẩn cấp họ đều rất lúng túng”, bà Tâm cho biết.
Làm gì trong tình huống khẩn cấp?
*Ngạt khói trong đám cháy: đánh giá tình trạng đám cháy, đường thoát hiểm rồi bò ở tầm thấp để thoát hiểm khỏi khu vực có cháy, nên di chuyển bằng cầu thang bộ và đeo một khẩu trang ẩm để chống ngạt.
*Kẹt thang máy: gọi khẩn cấp để báo tình trạng kẹt thang máy ra ngoài (ở vị trí cửa thang máy có các nút báo tình trạng khẩn cấp hoặc gọi bằng điện thoại). Đồng thời bình tĩnh tránh hoảng loạn để tránh làm mất hết ôxy trong buồng thang. Nhân viên cứu hộ phải can thiệp sớm bằng cách phá cửa thang đưa người bị nạn ra ngoài.
* Động đất trong nhà cao tầng: thoát hiểm khỏi tòa nhà càng sớm càng tốt, nhưng nếu không ra ngoài được thì nên trú ẩn ở các vị trí có mái che.
*Kẹt trong ôtô bị ngập nước: nên bình tĩnh để giảm tổn thất ôxy trong xe hết mức, rồi dùng mọi cách có thể mở cửa xe ra ngoài. Do có áp lực nước bên ngoài nên việc mở cửa xe rất khó khăn, vì vậy có thể đập vỡ cửa kính để thoát hiểm. Nếu hoảng loạn quá lượng ôxy trong xe sẽ bị giảm nhanh hơn và chỉ trên dưới 20 phút sau khi bị kẹt trong xe mà không được cung cấp thêm ôxy, người bị nạn có thể bị ngạt và mất não.
*Sạt lở đất: dự phòng di chuyển khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở là tốt nhất. Trường hợp bất ngờ gặp sạt lở đất, sử dụng “nguyên lý quả bóng” cuộn tròn người lăn tròn để tránh bị va đập.