Tính đến 9h ngày 2/2, lượng máu dự trữ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội) chỉ còn 7.500 đơn vị máu. Khối hồng cầu, khối tiểu cầu là các chế phẩm bị thiếu hụt trầm trọng nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp cho 177 cơ sở y tế tại 28 tỉnh, thành phố (khoảng 41 triệu dân).
Trong 4 ngày (29/1-1/2), viện chỉ tiếp nhận được hơn 1.300 đơn vị máu. Trong khi đó, nhu cầu máu các ngày bình thường cần cung cấp là 1.200-1.500 đơn vị. Viện dự kiến một tuần trước khi nghỉ Tết (1-7/2) cũng chỉ tiếp nhận được 3.000 đơn vị máu.
Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết áp lực tiếp nhận và cung cấp máu vào trước, trong và sau Tết luôn là nỗi lo thường trực tại các cơ sở truyền máu, đặc biệt là với những chế phẩm có thời hạn bảo quản ngắn như khối tiểu cầu, chỉ có thể lưu trữ 3-5 ngày.
"Kỳ nghỉ Tết dài và dịch Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương đã khiến nỗi lo càng trầm trọng hơn. Với kế hoạch tiếp nhận máu hiện tại, viện còn thiếu khoảng 13.000 đơn vị máu để cung cấp cho cấp cứu và điều trị trước, trong và sau dịp Tết", tiến sĩ Bạch Quốc Khánh nói.
Các điểm hiến máu của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đều vắng người hiến máu. Ảnh: BVCC. |
Trước đó, ngày 7/12, Công đoàn Y tế Việt Nam đã phát động nhiều tỉnh, thành tham gia hiến máu tình nguyện trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang phức tạp. Tuy nhiên, dịch bùng phát khiến ngành y tế của nhiều tỉnh, thành và các bệnh viện tại Hà Nội phải ưu tiên công tác phòng, chống dịch. Hiện 30 đơn vị xin hoãn, hủy lịch tổ chức hiến máu với hơn 8.000 đơn vị máu dự kiến tiếp nhận.
Vì vậy, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu (đặc biệt là nhóm O, A) và hiến tiểu cầu từ nay đến hết tháng 2. Đồng thời, viện cũng mong muốn các cơ quan, đơn vị duy trì lịch hiến máu theo kế hoạch và tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên, người dân tham gia.