Hơn 1 năm qua, Trung tâm y tế huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) khóa cửa phòng X-quang, ngưng hoạt động chụp phim khám bệnh cho người dân vì chưa có bác sĩ chuyên khoa theo quy định của Bộ Y tế.
Nhiều phòng chụp X-quang ở Trung tâm y tế các huyện vùng cao Quảng Ngãi đóng cửa. Ảnh: Minh Hoàng. |
Trao đổi với Zing.vn ngày 27/7, bác sĩ Châu Nguyễn Thương - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tây Trà, cho biết cuối năm 2014, máy chụp X-quang trị giá gần 1 tỷ đồng đưa về phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân vùng cao.
"Thiết bị y tế này vận hành được 6 tháng năm 2015, sau đó phải đóng cửa đến nay. Phía đơn vị bảo hiểm căn cứ quy định Bộ Y tế là chụp X-quang phải có bác sĩ chuyên khoa mới chịu thanh toán bảo hiểm y tế cho bệnh nhân. Do nguồn nhân lực chưa đào tạo kịp nên thiết bị phải ngưng hoạt động", bác sĩ Thương xót xa nói.
Theo Thông tư 41 năm 2015 của Bộ Y tế, chỉ có cử nhân X-quang (tốt nghiệp đại học) hoặc bác sĩ chuyên khoa X-quang mới được đọc và mô tả hình ảnh chẩn đoán. Như vậy bảo hiểm y tế mới thanh toán chi phí cho người bệnh. Tuy nhiên ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi đang thiếu nhân lực y tế trầm trọng.
Máy chụp X- quang ngừng hoạt động 1 năm qua ở Trung tâm y tế huyện vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi). Ảnh: Minh Hoàng. |
Bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây, cũng cho biết mua máy X-quang trị giá khoảng 1 tỷ đồng nhưng không có bác sĩ chuyên khoa nên không thể hoạt động. Trung tâm được trang bị máy sốc tim để cấp cứu nhưng đến nay cũng “đắp chiếu” vì chưa có bác sĩ chuyên khoa sử dụng.
Theo ông Dũng, thực tế người dân ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi đều thuộc diện hộ nghèo nên muốn chụp X-quang phải vượt đường xa hàng chục cây số đến TP Quảng Ngãi khám bệnh, tốn kém chi phí. Tại các huyện miền núi, từ trước đến nay người chụp X-quang hầu hết là y sĩ được đào tạo lên kỹ thuật viên.
Trước tình hình này, Sở Y tế Quảng Ngãi đang lập kế hoạch luân chuyển cán bộ y tế từ các bệnh viện tuyến huyện, đồng bằng để hỗ trợ chuyên môn chụp X-quang, xét nghiệm cho các đơn vị y tế miền núi.