Theo thông tin từ website của trường Đại học Leuven, các nhà nghiên cứu, cùng với sự hỗ trợ của Đại học Antwerp, đã thành công trong việc tìm ra cách biến đổi không khí ô nhiễm thành năng lượng để sử dụng.
Thiết bị có khả năng biến không khí bẩn thành năng lượng. Ảnh: thenextweb |
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tạo ra thiết bị nhỏ với hai ngăn tách biệt, được làm từ vật liệu nano chuyên dụng. Khi không khí bị ô nhiễm đi qua màng lọc, chất xúc tác có thể tạo thành khí hydro. Đồng thời cũng lọc được bụi bẩn và các chất ô nhiễm, làm sạch không khí và sản xuất ra năng lượng.
Về nguyên lý hoạt động của thiết bị, các nhà khoa học miêu tả nó tương tự như công nghệ sử dụng trên các tấm pin mặt trời, tự động kích hoạt khi gặp ánh sáng.
Điểm khác biệt ở là năng lượng mà thiết bị này tạo ra không thể sử dụng trực tiếp. Khí hidro sau quá trình lọc sẽ được giữ lại và được sử dụng như một loại nhiên liệu. Hiện nay, tại nhiều nước, đã vẫn hành nhiều xe buýt chạy bằng khí hidro.
Công nghệ này chỉ mới phát triển giai đoạn ban đầu nhưng Giáo sư Sammy Verbruggen, một trong những người đứng đầu nhóm nghiên cứu, tỏ ra rất lạc quan về sự thành công trong tương lai.
“Hiện tại, chúng tôi chỉ mới ứng dụng trên quy mô nhỏ, chỉ vài centimet vuông. Về lâu dài, chúng tôi sẽ mở rộng công nghệ để quá trình có hiệu quả trong công nghiệp. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng phát triển các loại vật liệu để có thể sử dụng ánh sáng mặt trời hiệu quả hơn, nhằm thúc đẩy nhanh các phản ứng".