Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thiên tai dồn dập, tàn phá khắp thế giới

Hạn hán và lũ lụt đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, gần như cùng một lúc, do tác động của biến đổi khí hậu.

bien doi khi hau anh 1

Những trận mưa như trút nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người ở Pakistan, và đẩy gần nửa triệu người phải sống nhờ trong các trại cứu nạn.

Trong tuần qua, một trận "đại hồng thủy" cũng đổ bộ Mississippi (Mỹ), khiến khoảng 150.000 cư dân tại Jackson, thủ phủ bang, làm gián đoạn hoạt động của các nhà máy nước, khiến người dân không có nước sạch để uống trong nhiều ngày.

Trước đó, trận mưa lớn nhất trong hơn 80 năm ở Hàn Quốc vừa đổ xuống các ga tàu điện ngầm của Seoul, biến đường phố thành sông và gây ra tình trạng hỗn loạn.

Một loạt trận lũ lụt chết người quét qua thế giới trong những tuần gần đây, đã phá hủy nhà cửa, gây ngập úng đất trồng trọt, ảnh hưởng hoạt động khai thác và tàn phá kinh tế trầm trọng.

Riêng tại Pakistan, các quan chức ước tính thiệt hại lên tới hơn 10 tỷ USD - một con số khiến nước này buộc phải trông đợi vào khoản vay 1,1 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế để tránh xảy ra tình trạng vỡ nợ.

Những trận mưa như trút nước cũng ập đến nhiều khu vực khác nhau như Ấn Độ, Nam Mỹ và Anh. Và mặc dù điều này nghe có vẻ vô lý, chúng xảy ra cùng thời điểm mà thế giới đang bị bủa vây bởi đợt hạn hán nghiêm trọng khiến nhiều dòng sông cạn kiệt.

Theo Bloomberg, trên thực tế, cơ chế của khí quyển có thể dẫn đến nghịch lý trên. Điều này là do ảnh hưởng từ tốc độ biến đổi khí hậu ngày càng nhanh.

bien doi khi hau anh 2

Bộ trưởng Khí hậu Pakistan cho biết mưa lũ hoành hành từ tháng 6 tới nay khiến 1/3 diện tích nước này bị nhấn chìm hoàn toàn. Ảnh: Reuters.

“Khi không khí và đại dương ấm lên dưới một lớp khí nhà kính dày hơn, lượng hơi nước bốc hơi vào không khí nhiều hơn, cung cấp nhiều độ ẩm hơn để xảy ra các cơn giông, bão, lốc xoáy và gió mùa”, Jennifer Francis, một nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Woodwell Climate ở Falmouth, Massachusetts, cho biết.

“Những trận mưa như trút nước và lũ lụt thường xuyên hơn là dấu hiệu rõ ràng của cuộc khủng hoảng khí hậu”, bà nói thêm.

Hai mặt đối lập của biến đổi khí hậu

Hạn hán và lũ lụt có mối liên kết với nhau. Một phần khi hơi ẩm trong không khí bị rút cạn tại một vùng, nó sẽ chuyển hướng và đổ sang một vùng khác.

Ngoài ra, hiện tượng La Nina kéo dài cũng góp phần gây ra lũ lụt và hạn hán trên toàn thế giới. Hiện tượng này xảy ra khi nhiệt độ mặt nước biển ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương lạnh đi một cách bất thường, phá vỡ các hình thái thời tiết trên toàn thế giới.

Nó có thể dẫn đến lượng mưa lớn hơn tại Indonesia, làm ngập các đồn điền cọ, trong khi khiến miền Nam Mỹ và California trở nên khô hạn, làm ảnh hưởng đến vụ bông và nho được sử dụng làm rượu.

Biến đổi khí hậu được cho là yếu tố hàng đầu để xảy ra hiện tượng trên.

Theo Daniel Swain, một nhà khoa học khí hậu của Đại học California, Los Angeles, nhiệt độ Trái đất tăng lên đồng nghĩa với việc bầu khí quyển ấm hơn có thể chứa nhiều hơi nước hơn. Cụ thể, cứ mỗi một độ tăng lên thì nó sẽ tăng thêm khoảng 7%.

“Điều đó làm tăng mức giới hạn về khả năng lượng mưa có thể trút xuống”, Swain nói, đồng thời cho biết thêm rằng bầu khí quyển nóng hơn cũng cho phép lượng nước bốc hơi nhiều hơn.

Ông Swain cho biết quá trình tương tự này cho thấy khí quyển Trái Đất có xu hướng hoạt động như một miếng bọt biển khổng lồ và hút thêm nước từ môi trường.

bien doi khi hau anh 3

Một lính cứu hỏa đang dập tắt đám cháy rừng bùng phát giữa nhiệt độ nóng bức ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: CNS Photo.

Quay trở lại tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc. Chỉ vài tuần trước, khu vực này đã hứng chịu trận hạn hán lịch sử, gây ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng và làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có Toyota.

Giờ đây, tỉnh phía tây nam - một trong những nơi đông dân nhất của Trung Quốc - lại đang bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Hơn 119.000 người đã được sơ tán và nhà chức trách đang yêu cầu hơn 300 mỏ khai thác than, trong đó có 60 công ty khai thác, đưa ​​công nhân ra để phòng ngừa an toàn.

Tác động nghiêm trọng

Trong khi đó, ở bên kia Trái Đất, thủ phủ Denver của Colorado (Mỹ) đã chứng kiến ​​lượng mưa kỷ lục hàng ngày.

Thế nhưng, những trận mưa rào không thể giúp làm giảm tác động sâu rộng của đợt hạn hán kéo dài bao trùm miền Tây nước Mỹ. Thay vào đó, nó lại đủ sức để gây ra thêm lũ quét, dẫn đến tình trạng hủy chuyến bay và khiến nhà cửa, tài sản cùng tính mạng con người gặp nguy hiểm.

Gần đây, ở New Mexico, khoảng 200 người tại một công viên quốc gia đã bị mắc kẹt trong vài giờ giữa trận mưa như trút nước.

Những nơi khác, bao gồm các vùng của Australia, cũng đang chứng kiến ​​sự thay đổi rộng sang mô hình đại hồng thủy. Vào đầu năm 2022, những cơn bão kéo dài đã gây ra lũ lụt lớn trên khắp phần đông nam của lục địa. Cục Khí tượng Australia cho biết sẽ có thêm nhiều đợt lũ lụt trong 3 tháng tới.

“Với đất ẩm ướt, mực nước sông ở mức cao, hồ đập đầy nước và dự đoán lượng mưa trên mức trung bình vào mùa xuân, nguy cơ lũ lụt cao vẫn còn ở miền Đông Australia”, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố.

Ở Pakistan, độ ẩm tăng thêm trong khí quyển đã làm cho mưa gió mùa hàng năm mạnh hơn. Những điều này cùng với sự tan chảy nhanh chóng từ các sông băng trong khu vực đã "dẫn tới một trận lũ lụt tồi tệ, thậm chí là tồi tệ nhất", Francis thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell cho biết.

bien doi khi hau anh 4

Nhà cửa bị nhấn chìm trong lũ lụt ở Canton, Mississippi, Mỹ vào ngày 24/8. Ảnh: Tommy Keith Grant.

Hạn hán, lũ lụt vẫn luôn gây ra những tác động nghiêm trọng đối với con người. Theo Trung tâm thông tin môi trường quốc gia Mỹ, kể từ năm 1980, 36 trận lũ lụt lớn ở nước này đã gây ra thiệt hại 173,7 tỷ USD trên toàn quốc. Nhưng giờ đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra thường xuyên hơn với cường độ ngày càng dữ dội.

“Nước, khi có quá nhiều hoặc quá ít, đều sẽ có sức mạnh tàn phá nặng nề nhất đối với một cộng đồng”, ông Don Holland, người phụ trách bộ phận thị trường nước của hãng cố vấn môi trường GHD của Canada, cho biết.

GHD đã đánh giá tổn thất mà các quốc gia phải đối mặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Theo đó, tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, thiệt hại có thể lên tới 3,7 nghìn tỷ USD vào năm 2050, với tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ giảm khoảng 0,5% mỗi năm cho đến thời điểm đó.

Trung Quốc, nền kinh tế số hai thế giới, dự kiến phải đối mặt với khoản lỗ lũy kế khoảng 1,1 nghìn tỷ USD vào giữa thế kỷ này.

Trong những lĩnh vực kinh doanh quan trọng nhất đối với nền kinh tế toàn cầu, sản xuất và phân phối sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai. Thiệt hại có thể lên đến 4,2 nghìn tỷ USD vì hạn hán sẽ làm gián đoạn sản xuất, trong khi mưa bão và lũ lụt phá hủy cơ sở hạ tầng cùng hàng tồn kho.

"Trừ khi chúng ta giải quyết vấn đề gốc rễ là lớp khí CO2 dày lên do đốt nhiên liệu hóa thạch và chặt phá rừng, nếu không, những sự kiện như thế này sẽ xảy ra thường xuyên hơn", bà Francis nói.

Lũ lụt sẽ "tăng cường, kéo dài hơn và ảnh hưởng đến cả các khu vực không bị tác động trước đây", bà cho biết thêm.

Cuộc đua thay trời làm mưa ở Trung Đông

Khi biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng khắc nghiệt, UAE đang đi đầu trong việc gieo mây để tạo ra mưa nhân tạo. Nhiều quốc gia khác cũng không đứng ngoài cuộc chơi.

Lý do Pakistan hứng chịu trận đại hồng thủy chết chóc chưa từng thấy

Ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu cùng một số nguyên nhân khác được cho là đã dẫn tới thảm họa ngập lụt chưa từng có trong lịch sử ở Pakistan, Guardian đưa tin.

Minh An

Theo Bloomberg

Bạn có thể quan tâm