Khi nhìn thật kỹ chòm sao Cự xà, bạn có thể nhìn thấy một vòng tròn gần như hoàn hảo trên trời. Đó chính là thiên hà bí ẩn mà các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được, có tên vật thể Hoag.
Được đặt theo tên của nhà thiên văn học Arthur Hoag, người đã phát hiện thiên hà này vào năm 1950, hình tròn hoàn hảo của Hoag vẫn chưa có lời giải thích.
Cách Trái Đất khoảng 600 triệu năm ánh sáng và có đường kính khoảng 100.000 năm ánh sáng, thiên hà này bao gồm một đường tròn với rất nhiều sao xanh ở bên ngoài và một "nhân" gồm tập hợp sao sáng hơn nhiều ở chính giữa.
Thiên hà Hoag gồm 2 đường tròn gần như đồng tâm với nhau. Sự tách biệt của 2 nhóm sao này khiến các nhà khoa học đau đầu suốt 70 năm nay. Ảnh: NASA. |
Trong bức ảnh được chụp từ kính thiên văn Hubble, chúng ta có thể thấy thêm một thiên hà hình tròn ở vị trí 7h, nằm giữa hai nhóm sao của Hoag.
Vì sao hai nhóm sao của Hoag lại nằm tách biệt nhau, và ở một khoảng cách chính xác như những đường tròn đồng tâm như vậy? Đến nay các nhà thiên văn học vẫn chưa có câu trả lời, bởi chúng ta chưa có đủ dữ liệu nghiên cứu về các thiên hà hình tròn.
Những thiên hà hình tròn chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng số thiên hà đã biết. Arthur Hoag từng đặt giả thuyết đường tròn bên ngoài của thiên hà này chỉ là hiệu ứng ánh sáng bị bẻ cong khi qua những vật thể có khối lượng quá nặng. Tuy nhiên, những quan sát từ kính thiên văn hiện đại đã loại bỏ giả thuyết này.
Một giả thuyết khác cũng được tin cậy là thiên hà Hoag từng có hình dáng đĩa giống như phần lớn thiên hà, nhưng nó từng va chạm với một thiên hà khác và tạo ra một "lỗ" ở giữa. Nếu vụ va chạm đó xảy ra trong vòng 3 tỷ năm trở lại đây, nó đã có thể để lại những tín hiệu mà các nhà khoa học quan sát được.
Dù vậy, đến nay vẫn chưa tìm ra được dấu hiệu nào cho thấy từng có một vụ va chạm như vậy. Nếu vụ va chạm này thực sự đã xảy ra, thì "niên đại" của nó phải cách đây nhiều tỷ năm.
Với quá ít dữ liệu thu thập được, thiên hà Hoag đến nay vẫn còn là bí ẩn.