Khi đến các cửa hàng tiện lợi hay siêu thị ở Nhật Bản, bạn dễ dàng tìm được những phần cơm hộp trông rất ngon mắt với giá cả phải chăng. Ảnh: ĐMX. |
Để nói về lối sống đặc trưng của người Nhật, có lẽ cầ hai từ quan trọng nhất: Tối giản và tiện lợi. Hai tiêu chí sống tối thượng ấy lây cả vào phong cách ẩm thực. Chả phải mỳ ăn liền, một trong những sáng tạo vĩ đại của người Nhật, chính là ví dụ không thể chối cãi cho sự tối giản và tiện lợi đó hay sao.
Người Nhật vẫn nổi tiếng với các thiết bị tự động hóa thông minh như robot, đến độ ra khỏi taxi không cần tự đóng cửa, và đi tiểu tiện xong cũng có dăm bảy kiểu vòi phun để làm vệ sinh họ mà chẳng hề phải nhúng tay.
Riêng việc chợ búa của người Nhật thì cũng thuận tiện bậc nhất. Nhà ai gần siêu thị Aeon, thấy cung cách người Nhật bán đủ món ăn sẵn tiện đến thế nào, thì khi sang nước Nhật, chị em lười nấu nướng chắc cũng phải sung sướng toàn phần.
Hai ngày đầu ở Osaka, tôi hãy còn ngơ ngác, nên toàn ăn cơm trong tiệm Seven-Eleven, thấy toàn món nguội bọc nylon chỉ việc mở ra ăn cũng tiện lắm rồi, mỗi tội hơi đắt mà thôi.
Mãi đến ngày cuối cùng tôi mới phát hiện ra một siêu thị 24h ngay cạnh khách sạn. Lúc ấy chẳng biết nên cười hay nên khóc, bởi siêu thị bạt ngàn đồ ăn sẵn ngon lành, chỉ cần một phút bỏ lò vi sóng là xong. Giá còn rẻ hơn cả chợ Nghĩa Tân.
Những là cá thu, cá kìm rim tương đậm đà, salad trộn sẵn xanh tươi, và thịt bò dẫu chẳng bằng Kobe nhưng cũng thơm ngọt đến mềm môi.Tôi chỉ việc vác lên nhà ăn khách sạn, ở đó có sẵn bếp điện, xoong nồi, bát đĩa và hàng chục loại nước xốt từ khắp nơi trên thế giới của khách nấu ăn xong bỏ lại, tôi thử mỗi chai một tí, vị nào cũng lạ lùng cả. Xong lại góp một chai nước mắm Phú Quốc vào chạn trước khi ra sân bay.
Tìm được cái siêu thị trong mơ ấy, sướng thì có song bụng vẫn tức, là cớ sao nó ngay sát nách mà mình không nhận ra, cứ đành đoạn ăn mì ramen không thịt với takoyaki qua ngày. Đến khi chỉ còn một bữa nữa thôi là là sẽ lên đường về nước thì “vương quốc thần tiên” xuất hiện ngay trước mặt.
Trong siêu thị còn có món bình dân mà “quốc hồn quốc túy” của người Nhật: Sushi đóng khay xốp giá 600 yên. Mỗi bữa chỉ cần một khay sushi ấy cũng đủ để di chuyển khắp vùng Kansai.
Tôi không thể nhớ nổi lần đầu tiên mình ăn sushi là khi nào và ở đâu, nhưng không thể quên những tinh hoa đủ màu sắc đặt trên khay sơn mài mỹ miều, mà khi đứng lên thanh toán mỗi người chỉ hết… hơn nửa chỉ vàng. Thấy đắt quá thể, tôi toàn tự làm sushi ở nhà rồi bày biện xanh đỏ tím vàng lên như một vườn hoa, xong mời mọi người đến ăn cho lác mắt, vào cái thời mà chưa mấy ai biết sushi là món gì.
Dẫu cho đến năm 2019, khi mà Hà Nội đã đầy nhóc những quán ăn Nhật, đặc biệt là khu Đào Tấn - Linh Lang gần như được coi là một Japanese town, nhưng sushi chưa bao giờ hạ giá để trở thành một món ăn bình dân và rẻ tiền.
Tới khi Aeon đặt thương hiệu ở thị trường Việt Nam thì hàng một giá Daiso và sushi mới thực sự biến thành bình dân. Thậm chí, chỉ vài chục nghìn, mấy cô nàng tuổi teen vừa dốc hết tiền cosplay cũng có thể mua được một suất sushi với cây kem matcha. Còn ở khắp thị thành Nhật Bản thì sushi và bento đích thị là cơm bình dân. Chẳng khác gì phở với bún chả.