Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thị trường viễn thông di động 2013: luật chơi độc quyền ?

Cùng với Nghị định 25, Thông tư 14 đã chính thức loại bỏ chiến lược cạnh tranh giá rẻ trong lĩnh vực viễn thông di động...

Thị trường viễn thông di động 2013: luật chơi độc quyền ?

Cùng với Nghị định 25, Thông tư 14 đã chính thức loại bỏ chiến lược cạnh tranh giá rẻ trong lĩnh vực viễn thông di động...

Năm 2013 là năm chứng kiến sự can thiệp rất sâu và cũng rất quyết liệt của Nhà nước vào lĩnh vực viễn thông di động với việc Thông tư số 14/2012/TT-BTTTT bắt đầu có hiệu lực (Thông tư 14). Có thể thấy gì từ thông tư này?

Thị trường viễn thông di động Việt Nam giai đoạn vừa qua đã trải qua những bước thay đổi ngoạn mục với nhiều cung bậc thăng trầm. Nếu như trong thời kì đỉnh cao, thị trường viễn thông di động “ồn ào”, nhộn nhịp với 7 nhà cung cấp dịch vụ với các nền tảng công nghệ và chính sách khách hàng đa dạng thì đến giai đoạn này, viễn thông di động Việt Nam chỉ còn lại ba nhà cung ứng.

 
Nhằm bảo đảm rằng các doanh nghiệp (DN) không lạm dụng vị trí của mình nhằm bóc lột khách hàng, cần thiết phải thực thi mạnh mẽ pháp luật cạnh tranh.

Lý thuyết màu xám

Thông tư 14 ít nhất được các chuyên gia và người tiêu dùng nhìn nhận ở hai khía cạnh:

Thứ nhất, Cùng với việc quy định phí hòa mạng và việc không có sẵn tiền trong tài khoản, Thông tư 14 đã chính thức xóa sổ thói quen sử dụng sim khuyến mãi (đâu đó còn gọi là sim rác) trong thời gian qua.

Động thái này được coi là hành động khá quyết liệt trong việc nói không với sim khuyến mãi. Nhìn từ góc độ kinh tế luật, quy định này mang lại hai lợi ích cơ bản sau: tránh sự lãng phí tài nguyên số, với quan niệm cho rằng đầu số điện thoại cũng là một tài nguyên cần phải được sử dụng hiệu quả. Quản lí tốt các thuê bao di động với việc phải đăng kí thông tin thuê bao khi kích hoạt sim mới.

Thứ hai, định hướng cho việc phát triển viễn thông di động. Cùng với Nghị định 25, Thông tư 14 đã chính thức loại bỏ chiến lược cạnh tranh giá rẻ trong lĩnh vực viễn thông di động. Điều này mở ra hi vọng những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực này sẽ sớm xuất hiện tại Việt Nam.

Ít ra, về mặt lý thuyết là như vậy. Nhưng nhìn kĩ lại tương quan cạnh tranh trên thị trường viễn thông di động, dường như câu chuyện có hơi khác một chút. Sự “khác biệt đôi chút ấy” được nhìn nhận từ các xuất phát điểm của... thị trường và cuộc sống.

Cuộc sống khác biệt “đôi chút”

Một là, ba nhà cung ứng lớn nhất Việt Nam (VinaPhone, MobiFone, Viettel) nắm giữ thị phần quá lớn (khoảng 90%). Việc cạnh tranh giữa các nhà cung ứng dịch vụ này tựa như hàng hóa của cùng một chủ nhưng được bày bán ở nhiều sạp trong chợ, để người đi chợ có nhiều lựa chọn. Trên thực tế, chọn chỗ nào cũng vậy thôi.

Trong giai đoạn trước các nhà mạng này phải cạnh tranh khốc liệt với những liên doanh lớn như Sfone hay Beeline. Chính trong giai đoạn đầu này, các nhà mạng VNPT và Viettel là những nhà mạng tiên phong trong việc khuyến mãi giảm giá. Nhưng khi những đối thủ đã bị loại, trùng hợp sao, Nghị định 25 và Thông tư 14 lại ra đời, siết chặt chuyện sim khuyến mãi và giá cước. Bản chất của câu chuyện loại bỏ sim khuyến mại hay giới hạn tổng giá trị khuyến mãi, nói một cách đơn giản là cước viễn thông không được quá thấp.

Hai là, thị phần cũng như năng lực cung ứng của hai hãng Vietnam Mobile và Gmobile không đủ để hai hãng này có thể cạnh tranh trực tiếp với VNPT và Viettel. Đặt trong bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay, việc xuất hiện một nhà mạng mới tại VN hầu như là không thể. Rào cản này xuất phát từ chi phí đầu tư ban đầu quá cao cùng với dấu hiệu bão hòa của viễn thông di động Việt Nam.

Thứ ba, Không cần phải chờ đến Thông tư 14, việc quản lí thông tin thuê bao đã được đặt ra từ rất lâu. Thiết nghĩ mục đích thật sự của thông tư này không hẳn chỉ nhằm quản lí thông tin thuê bao.

Tài nguyên số vẫn là một câu chuyện dài. Sự lãng phí tài nguyên số có nhiều cách khắc phục. Bản chất của việc sử dụng sim khuyến mãi là sử dụng hết tiền thì bỏ mà không nạp thêm tiền vào tài khoản. Như vậy, việc rà soát các thuê bao không sử dụng mà thu hồi số là một việc làm rất đơn giản xét về mặt kĩ thuật. Đồng thời, xét dưới góc độ toán học, số điện thoại suy cho cùng chỉ là một tập hợp các dãy số 10 hoặc 11 số. Việc sắp xếp các dãy số để phục cho nhu cầu của 80 triệu người liệu có quá khó khăn tới mức không làm được? Câu trả lời dường như là không.

Sức ép đổi mới DN viễn thông phải đến từ cạnh tranh chứ không phải từ mệnh lệnh của Nhà nước.

Xét các điều ở trên, dường như năm 2013 và cả một vài năm tiếp theo, dường như viễn thông Việt Nam vẫn chỉ là cuộc chơi theo luật chơi của VNPT và Viettel. Vì trên thị trường hầu như không có bất kì một DN nào có thể làm lung lay và đe dọa vị trí thống lĩnh của các hãng này. Viễn cảnh về việc tăng giá hoặc định giá theo hướng không có lợi cho người dùng không phải là không có cơ sở.

Tạo lập một chiến lược mới nhằm mục đích đẩy mạnh cạnh tranh trên thị trường viễn thông, nếu nhìn từ góc độ của các văn bản pháp quy như Nghị định 25 và Thông tư 14 như các phân tích trên thì mục đích sẽ rất khó đạt được. Chúng ta vẫn loay hoay với cơ chế “kế hoạch hóa” khi mà cơ quan chủ quản vẫn là nhân tố chính trong việc phê duyệt các mục tiêu đầu tư về công nghệ hoặc mức giá cước của VNPT và Viettel.

Marx từng nói trong tác phẩm kinh điển của mình rằng: cạnh tranh là con đường dẫn đến độc quyền. Nhưng độc quyền thì lại giết chết cạnh tranh, đó là qui luật. Muốn các DN VNPT và Viettel phải luôn đổi mới theo hướng phục vụ tốt hơn cho người dùng (cả về công nghệ, chất lượng và giá cả) thì các hãng này phải có sức ép. Thiết nghĩ sức ép này phải đến từ cạnh tranh chứ không phải từ mệnh lệnh của Nhà nước.

Trong bối cảnh hiện tại, nhằm bảo đảm rằng các DN không lạm dụng vị trí của mình nhằm bóc lột khách hàng, cần thiết phải thực thi mạnh mẽ pháp luật cạnh tranh. Nhưng vẫn có một điều đầy khó khăn đó là các DN này vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước, cha mẹ mà đánh con, sao tránh khỏi chuyện đau lòng.

Theo Diễn đàn Doanh Nghiệp

Theo Diễn đàn Doanh Nghiệp

Bạn có thể quan tâm