CNBC dẫn số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) vào tuần trước, tỷ lệ thất nghiệp ở các thành phố vẫn ở mức 5,7% trong tháng 7, bằng với mức của tháng 6.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ về con số này. Trong thời kỳ Covid-19 tác động mạnh nhất đến nền kinh tế Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục là 6,2% trong tháng 2.
Ông Fu Linghui, phát ngôn viên của NBS cho biết: “Cùng với sự phục hồi của kinh tế, thị trường việc làm đang thực sự mở rộng. Một số công việc thuộc lĩnh vực thương mại điện tử hay dịch vụ sử dụng điện thoại thông minh như gọi xe đang phổ biến, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường việc làm nói chung”.
Giáo dục trực tuyến “lên ngôi”
Do ảnh hưởng của Covid-19, nhu cầu đối với các khóa học trực tuyến, cho cả trẻ em và người lớn ở Trung Quốc đã tăng vọt.
Ông Gao Lei cho biết kể từ khi dịch bệnh bùng phát, 3 trung tâm ở Nội Mông của công ty ông - Qizhi Future Technology - đã tăng gần gấp đôi số lượng giáo viên. Dù dịch bệnh đã được kiểm soát, hầu hết khóa học đã được nối lại trực tiếp, nhưng ông Lei vẫn dự định mở thêm các lớp học luyện thi trực tuyến mới vì nhu cầu vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
"Dường như việc học trực tuyến đã trở thành một thói quen của phụ huynh và học sinh", ông này nói.
“2020 là một năm đột phá đối với giáo dục trực tuyến. Tôi kỳ vọng nó vẫn tiếp tục phát triển trong vài năm tới”, Austin Li, CEO của công ty tư vấn Edge Fashion, cho biết hiện một nửa doanh thu của công ty đến từ các khóa học trực tuyến. Trong đó, phổ biến là các khóa học về triển khai chiến lược bán hàng trực tuyến và thương mại điện tử.
Giáo dục trực tuyến được ưa chuộng ở Trung Quốc. Ảnh: Chinadaily. |
Edge Fashion trước đây chủ yếu bán các dịch vụ tư vấn và chiến lược tiếp thị, nhưng hiện công ty đang thay đổi chiến lược vì nhìn thấy tiềm năng phát triển lớn trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến.
Ông Li cho biết, một khóa học trực tuyến kéo dài khoảng 7-10 ngày với chi phí khoảng 1.500 USD, bằng một nửa so với khóa học trực tiếp. Sinh viên của Edge Fashion chủ yếu đến từ Los Angeles, Boston (Mỹ), Vancouver (Canadan) và Trung Quốc.
Bùng nổ phát trực tiếp
Đại dịch buộc hàng triệu người phải ở nhà, hạn chế hoạt động của các cửa hàng trực tiếp, vì vậy hình thức bán hàng cho người tiêu dùng thông qua phát video trực tiếp (livestream) đã bùng nổ ở Trung Quốc.
Báo cáo của ứng dụng phát trực tuyến Kuaishou của Trung Quốc vào ngày 22/7 cho thấy, số lượng người dùng đã tăng 70 triệu từ cuối năm 2019 lên 170 triệu chỉ trong 6 tháng đầu năm.
Nền tảng tuyển dụng Qingtuanshe của Trung Quốc cho biết lĩnh vực đang được săn đón nhiều nhất là những công việc trực tuyến có thể làm tại nhà, bán thời gian như chỉnh sửa video và phát trực tiếp.
Trên Qingtuanshe đăng tải cơ hội việc làm phát trực tiếp trên Douyin, một phiên bản tại Trung Quốc của ứng dụng TikTok, với mức lương 4.000 nhân dân tệ (575 USD)/tháng. Một bài đăng khác tìm kiếm một phát thanh viên trực tuyến với mức lương 5.000 nhân dân tệ/tháng.
Chris Sun, CEO của ReadAbroad, chuyên cung cấp các khóa học về quản lý tài sản ở Trung Quốc, cho biết công ty đã chuyển sang chiến lược cung cấp khóa học qua các video ngắn. Sun dự định bổ sung thêm khoảng 10 người vào đội ngũ nhân sự hiện tại để phát triển mảng trực tuyến.
Các cộng tác viên bán hàng tại một trong những cửa hàng InTime của Alibaba trong buổi phát trực tiếp. Ảnh: Alibaba. |
Câu hỏi về tính bền vững
Hiện chưa rõ liệu các mô hình trực tuyến, đặc biệt là phát trực tiếp, có tiềm năng tăng phát triển lâu dài hay không.
Một số ước tính cho thấy tổng giá trị hàng hóa (GMV) được bán trong tháng 7 của top 50 tài khoản phát trực tiếp hàng đầu Trung Quốc đã giảm vài tỷ nhân dân tệ so với tháng 6. GMV là số liệu đo lường tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ được bán ra trên nền tảng các công ty thương mại điện tử.
Ông Fu Linghui của NBS chưa đưa ra câu trả lời về việc sụt giảm doanh số này, nhưng cho biết thêm bán hàng dựa trên phát trực tiếp và các hình thức bán hàng mới vẫn đang có tác động tích cực đến việc thúc đẩy bán hàng tổng thể.
Theo dữ liệu công bố từ NBS, doanh số bán lẻ tổng thể ở Trung Quốc giảm 1,1% trong tháng 7 so với một năm trước, nhưng tăng 0,85% so với tháng 6. Theo đó, doanh số bán lẻ trực tuyến tăng 9% trong 7 tháng đầu năm so với một năm trước.
Các nhà phân tích đã lưu ý việc bán hàng qua hình thức phát trực tiếp có xu hướng thúc đẩy mua hàng bốc đồng, tăng tỷ lệ rủi ro, dẫn đến tỷ lệ hoàn hủy cao.
“Trong một vài trường hợp, những người làm công việc phát trực tiếp hay những người có ảnh hưởng (KOLs), có thể chưa đủ kiến thức chuyên môn về những sản phẩm họ đang bán, khiến người mua mất lòng tin, tỷ lệ quay lại không cao”, Xin Yi Lim, CEO của trang thương mại điện tử Pinduoduo, cho biết.