Thị trưởng Tokyo muốn xây cảng ở Senkaku
Thị trưởng Tokyo, ông Shintaro Ishihara, quyết tâm thúc đẩy kế hoạch xây dựng một cảng nhỏ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Động thái này có thể khiến quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc thêm căng thẳng.
Đảo Uotsuri, một trong những đảo thuộc quần đảo Senkaku - Ảnh: EPA |
Báo Telegraph ngày 5/10 cho biết các quan chức thân cận với thị trưởng Ishihara quyết tâm xây cảng cùng một ngọn hải đăng và đài phát thanh của ông tại Senkaku.
Cấp phó của ông Ishihara, Naoki Inose, cũng xác nhận kế hoạch trên. Cảng sẽ là nơi trú ẩn cho những ngư dân Nhật Bản hoạt động xung quanh quần đảo. Tuy nhiên thời gian chi tiết để thực hiện dự án chưa được công bố.
Thị trưởng Ishihara là người đầu tiên đề xuất mua lại quần đảo Senkaku từ chủ tư nhân. Ông kêu gọi đóng góp được 1,8 tỉ yen cho kế hoạch này. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản đã giành được quyền mua quần đảo sau đó. Không nản lòng, thị trưởng Ishihara dự định sẽ sử dụng tiền quyên góp để xây dựng cảng tại Senkaku nhằm nhấn mạnh chủ quyền của Nhật Bản với quần đảo này.
Trong ngày 2/9, một đoàn chuyên gia gồm 25 thành viên do thành phố Tokyo cử ra quần đảo Senkaku đã khảo sát chuẩn bị cho việc xây cảng.
Phó giáo sư Narushige Michishita thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia (Tokyo) cho biết kế hoạch của thị trưởng Ishihara có thể “đẩy tình hình trở về giai đoạn mà chúng ta vừa trải qua, nghĩa là một phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc và sau đó là nhiều cuộc biểu tình và tấn công nhằm vào các doanh nghiệp Nhật Bản”.
Trung Quốc liên tục nhấn mạnh nước này phản đối mọi dự án tại quần đảo. Trong ngày 4/10, nhằm thể hiện sức mạnh của mình, một đội gồm bảy tàu chiến Trung Quốc đã đi qua giữa các đảo chính Okinawa và Miyako của Nhật Bản. Tám tàu Trung Quốc khác cũng được phát hiện ở gần quần đảo Senkaku.
Trong diễn biến khác, các công ty bảo hiểm lớn của Nhật Bản thông báo không tiếp tục bồi thường thiệt hại cho những công ty trong nước nếu lại xảy ra bạo động ở Trung Quốc.
Những công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn của Nhật Bản như Tokio Marine, Nichido Fire trước đây có các gói bảo hiểm bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp nếu xảy ra đình công hoặc bạo động.
Tuy nhiên, báo Nikkei ngày 5/10 đưa tin những công ty này đã ngưng chấp nhận đề nghị mua bảo hiểm mới hoặc gia hạn thời gian bảo hiểm từ các công ty trong nước. Một lãnh đạo tại một công ty bảo hiểm lớn cho biết thời gian sớm nhất để nối lại chương trình bảo hiểm thiệt hại dự kiến là vào đầu năm sau.
Nhật báo Nikkei cảnh báo: “Điều này sẽ ảnh hưởng đến các công ty Nhật Bản có chi nhánh tại Trung Quốc nếu họ không được bảo hiểm bồi thường bạo động, đặc biệt là trong giai đoạn này”.
Hiện có hơn 14.000 công ty Nhật Bản hoạt động ở Trung Quốc. Theo chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Nhật Bản Yasuyoshi Karasawa, tiền bồi thường bảo hiểm vì đợt biểu tình ở Trung Quốc có thể đạt tới 10 tỉ yen (126 triệu USD).
Theo Tuổi Trẻ