"Đó là thế tiến thoái lưỡng nan", ông Bill Russo, lãnh đạo hãng tư vấn Automobility Ltd. có trụ sở tại Thượng Hải, nói với Zing.vn hôm 2/10. "Họ phải ra mắt bằng câu chuyện giúp định hình thương hiệu của họ. Dù vậy, khởi đầu ở phân khúc quá cao có thể đẩy họ ra khỏi thị trường của những khách hàng lần đầu dùng ôtô ở Đông Nam Á".
Ông Russo cho rằng các thương hiệu Nhật Bản đã có chỗ đứng trong những thị trường này, cái khó của VinFast là họ phải chiếm thị trường với mức giá rẻ hơn nhưng không rẻ đến mức gây tổn hại thương hiệu.
Hai mẫu xe vừa được công bố ở Paris được dự đoán sẽ có giá khoảng 1-2 tỷ đồng, mức giá không rẻ cho khách hàng trong khi mặt bằng giá ôtô ở Việt Nam đã tương đối cao so với thu nhập đa số người dân.
Phân khúc nào cho người dùng Việt?
Dù giá bán chính thức chưa được công bố, trước ngày hai mẫu xe của VinFast chính thức ra mắt, nhiều chuyên gia đã đánh giá đây khó có thể là mẫu xe trung cấp cho người dùng đại chúng.
Hai mẫu xe sắp ra mắt của VinFast. |
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là nếu định vị là xe cao cấp, làm sao VinFast có thể cạnh tranh với các thương hiệu lâu đời, đặc biệt tại những thị trường mà hầu hết người dân đều chỉ có thu nhập trung bình như Việt Nam và Đông Nam Á.
Trao đổi với Zing.vn, ông Michael Dunne, người sáng lập hãng tư vấn ZoZo Go (trụ sở tại Thượng Hải) và là người có kinh nghiệm với thị trường ôtô Trung Quốc nhiều thập niên qua, đồng ý với nhận định rằng VinFast có thể chỉ muốn ra mắt bằng một sản phẩm cao cấp và cận cao cấp nhưng sau đó sẽ chiếm thị trường bằng các dòng xe vừa tiền hơn.
"Có lý nếu họ muốn khởi đầu trên đỉnh để thiết lập sức mạnh của thương hiệu, rồi di chuyển xuống thị trường đại chúng", ông nói.
Cách làm cũ ở thế kỷ 21
Hơn 200.000 xe được bán ở thị trường Việt Nam năm 2017 và tỷ lệ tăng trưởng là khoảng 25%/năm trong vài năm qua. Phần lớn chuyên gia quan sát, trong và ngoài nước, đều xem Việt Nam là thị trường nhiều tiềm năng đang tăng trưởng. Tuy nhiên, sự thay đổi công nghệ sẽ đặt VinFast trước nhiều thách thức, đặc biệt khi động cơ VinFast phát triển trên nền động cơ BMW.
Ông Russo cho rằng VinFast đang đi theo mô hình kinh doanh truyền thống là "outsource" để tạo ra chiếc xe mới nhưng thật ra đây là cách làm cũ.
"Đây là con đường mà các hãng xe Nhật Bản, Hàn Quốc đã đi, trước khi trở thành những nhà sản xuất toàn cầu. Dù vậy, tôi tin rằng điều kiện đầu thế kỷ 21 đã khác biệt so với cuối thế kỷ 20", chuyên gia sống tại Thượng Hải nói.
Các thế hệ xe mới sẽ làm thay đổi mô hình sở hữu phương tiện vận tải thông thường và đe dọa các hãng xe truyền thống. Ảnh: AFP. |
Theo ông, với việc dựa vào các nguồn lực bên ngoài, VinFast có thể không tốn quá nhiều vốn và đi nhanh hơn những nhà sản xuất xe truyền thống trong ngành vốn cần rất nhiều đầu tư. Dù vậy, các chi phí biến đổi khác sẽ tăng và Vinfast sẽ phụ thuộc nhiều vào công nghệ bên ngoài.
"Đông Nam Á hiện nay có lượng tương đối xe 4 bánh và các nhà sản xuất xem đó là thị trường tiềm năng. VinFast có vẻ muốn trở thành một Proton tốt hơn. Câu hỏi của tôi là liệu đây có phải mục tiêu phù hợp cho thế kỷ 21 hay không?".
"Tại sao thế giới lại cần thêm một thương hiệu xe trong kỷ nguyên mà phần cứng đang trở thành hàng hóa phổ biến. Chỉ riêng việc họ sử dụng thiết kế và máy móc của bên ngoài, dựa vào bộ phận nghiên cứu và phát triển của bên ngoài cho thấy họ đang đi theo con đường không còn đủ sức cạnh tranh trong kỷ nguyên của dịch vụ di chuyển kỹ thuật số", ông nói.
Sự phổ biến của Internet di động và sự quyết liệt về mặt thị trường của các công ty công nghệ kéo theo việc chuyển dịch sang mô hình "trả tiền theo lần sử dụng" của các dịch vụ vận chuyển.
Nỗi lo lắng của ông Russo được thể hiện qua việc doanh số bán xe điện tăng vọt tại Trung Quốc hay xu hướng bùng nổ các loại xe tự hành hoặc ứng dụng chia sẻ ôtô.
"Tôi cũng tin rằng mô hình sở hữu truyền thống đang bị 'ăn thịt' nhanh chóng và bị thay thế bởi các dịch vụ di chuyển trả tiền", ông nói.
"Những nhà sản xuất xe truyền thống sẽ đối mặt với mối đe dọa sinh tồn từ mô hình kinh doanh mới này".
"Made in Vietnam" là bất lợi hay ưu điểm?
Ralf Matthaes, Giám đốc Điều hành của hãng nghiên cứu Infocus Mekong, nói thị trường xe Việt Nam hiện là thị trường nóng nhưng triển vọng của các hãng xe truyền thống có thể bị đe dọa bởi giá cả quá cao, các yếu tố hạ tầng, an ninh, vấn đề bãi đỗ, bên cạnh đó là cả tâm lý người tiêu dùng.
"Nhiều năm nghiên cứu cho thấy khách hàng Việt Nam có phần e dè khi mua đồ giá trị cao sản xuất tại Việt Nam, họ lo sợ về chất lượng. Không sao cả nếu mua đồ ăn thức uống, hoặc đồ nội thất Việt Nam. Nhưng đối với những thứ phức tạp và đắt đỏ như ôtô, họ có thể e dè", nhà nghiên cứu thị trường nhận định với Zing.vn.
"Sau tất cả thì trải nghiệm sau tay lái và những lời truyền miệng sẽ quyết định tương lai của VinFast".
Hạ tầng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua ôtô của người Việt Nam. Ảnh: AFP. |
Ở mặt khác, lợi thế mà VinFast có thể và có vẻ đang sử dụng là tinh thần dân tộc. Nhiều hãng xe châu Á đã đi lên từ "quê nhà", sử dụng lòng tự hào dân tộc làm lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua với các "ông lớn" phương Tây.
Chuyên gia Russo nói rằng cách thức đó hiệu quả ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Trung Quốc nhưng đó là những người có đủ lượng khách hàng trung lưu để nâng đỡ thương hiệu tại quê nhà.
"Không rõ là Việt Nam có thị trường đủ lớn tương tự để làm chuyện đó vào lúc này chưa", ông nói.