Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thị trường smartphone Việt: Ngon nhưng không dễ xơi

Trong khi thị trường smartphone tại các nước phát triển dần tiến nhanh hơn đến giai đoạn bão hòa, thì cơ hội đang mở ra cho thị trường Việt Nam.

Với 70% người dùng chưa chuyển sang điện thoại thông minh, Việt Nam đang trở thành đích ngắm của các nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, do các thương hiệu nội vẫn quẩn quanh với các phương án an toàn, nên đang ngày càng thất thế trước các doanh nghiệp ngoại.

Thị trường trẻ

Theo Hãng Nghiên cứu thị trường GfK, với tốc độ tăng trưởng 156%, Việt Nam trở thành quốc gia có lượng điện thoại thông minh tiêu thụ tăng nhanh nhất Đông Nam Á và đứng thứ hai thế giới. Ước tính cả năm 2013, có 7 triệu smartphone đã đến tay người dùng Việt, chiếm hơn 40% thị trường điện thoại di động. Dự báo trong năm 2014, thị trường smartphone Việt sẽ có thêm 14,2 triệu người dùng mới.

Trước triển vọng của thị trường smartphone Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, ông Gerard Tan - Giám đốc bộ phận Khách hàng và Công nghệ số của GfK Asia - nhận định, xu hướng chuyển sang dùng smartphone sẽ còn tiếp diễn. Lượng smartphone tiêu thụ tại khu vực này sẽ tăng theo cấp số nhân. Với khoảng 70% người dùng điện thoại chưa chuyển sang smartphone, thị trường điện thoại thông minh Việt đang đứng trước cơ hội phát triển lớn, trở thành đích ngắm của các nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới.

Đây có thể là lý do khiến Nokia xác định Việt Nam là một trong 8 thị trường trọng điểm của hãng trong thời gian tới, sau khi gặt hái được những thành công bước đầu với dòng smartphone Lumia, như lời ông Stephen Elop - Phó Chủ tịch Bộ phận Thiết bị và Dịch vụ Nokia toàn cầu - tuyên bố. Không muốn bỏ lỡ cơ hội, trong thời gian qua, Samsung cũng liên tục khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất điện thoại di động và linh kiện cho điện thoại di động tại Thái Nguyên và Bắc Ninh.

Có thể thấy, những diễn tiến nổi bật nhất trên thị trường công nghệ Việt Nam vẫn là các doanh nghiệp ngoại, trong khi doanh nghiệp nội vẫn quẩn quanh các phương án an toàn.

Đương nhiên chuộng giá rẻ

Với quốc gia có thu nhập bình quân tính theo đầu người thuộc loại trung bình thấp như Việt Nam, phân khúc điện thoại tầm trung và giá rẻ sẽ phát triển mạnh nhất. Bằng chứng là dòng điện thoại cơ bản có giá bán dưới một triệu đồng, trong đó phải kể đến Nokia 105 (400 nghìn đồng), theo GfK, đang chiếm khoảng chiếm 60% thị phần điện thoại di động Việt.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đạo - Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, smartphone sẽ phát triển mạnh để dần thay thế điện thoại phổ thông. Đồng quan điểm này, ông Gerard Tan cho rằng, giá bán smartphone ngày càng giảm đang tạo cơ hội cho người dân ở các thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam chuyển từ sử dụng điện thoại phổ thông sang smartphone. Do vòng đời sản phẩm ngày càng rút ngắn, nên ngay cả các siêu phẩm cũng phải nhanh chóng giảm giá sau vài tháng ra mắt. Nếu trước đây, người dùng phải bỏ khoảng 10 triệu đồng mới kiếm được một chú “dế” tương đối, thì nay chỉ với số tiền 5-7 triệu đồng cũng đủ để người tiêu dùng “tậu” được những thiết bị với hiệu năng khá ổn, màn hình HD, camera 5MP…

Không giống các thị trường phát triển, thị trường Việt Nam nằm trong tay nhóm số đông thực dụng, thận trọng, yêu thích cái phổ biến và các sản phẩm ít lỗi. Với mức chi trung bình 4 triệu đồng, người dùng thường chọn mua sản phẩm theo tiêu chí “ngon, bổ, rẻ”, tức là những mẫu smartphone tầm trung có cấu hình khá, bền bỉ, thời lượng pin tốt để cập nhật tin tức, lướt Facebook hay check mail. Do đó, smartphone Android, nhất là của Samsung và Sony đang chiếm ưu thế.

Theo Công ty Phát triển trình duyệt web Opera, Samsung (chiếm khoảng 27% thị phần) và Sony (khoảng 16%) hiện là hai thương hiệu được yêu thích nhất tại Việt Nam. Với chiến lược “gây lụt thị trường”, Samsung vẫn đều đặn “rải bom” ở tất cả phân khúc. Ở nhóm cao cấp, Samsung có Galaxy Note 3, Galaxy S4, ở phân khúc trung bình thấp là Trend, Trend Plus và Galaxy Ace 3.

Kém tiếng hơn Android, song kể từ khi dòng Lumia xuất hiện đã thay đổi phần nào cán cân thiên lệch. Người dùng bất ngờ khi Nokia gói gọn màn hình cảm ứng siêu nhạy, cùng khả năng chụp ảnh không thua kém smartphone cao cấp vào mẫu máy có giá bán dưới 4 triệu đồng ở thời điểm ra mắt như Lumia 520. Với chất lượng phần cứng tốt cùng mức giá hấp dẫn, smartphone Lumia đã mang lại sức bật cho Windows Phone ở thị trường Việt Nam, khi có những thời điểm Lumia 520 được cho là cháy hàng, bất chấp việc hệ điều hành này vẫn khá “nghèo” tài nguyên và ứng dụng. Ưu thế này vẫn tiếp tục được duy trì trong bản nâng cấp nhẹ Lumia 525 (3,5 triệu đồng). Với chiến lược “giá rẻ hợp lý nhất” và trải đều sản phẩm ở mọi phân khúc, Nokia nuôi tham vọng tái chiến thị trường smartphone Việt đang nằm trong tay Samsung, Sony, Apple hay LG.

Trong cuộc chiến trên thị trường Việt Nam, Apple ở thế “bất lợi” hơn cả, khi giá bán iPhone bị coi là cao hơn mặt bằng thu nhập của người dân. Vì thế, sau khi ôm iPhone 5C với mức giá cao (khoảng 17 triệu đồng), nhiều cửa hàng đã phải nhanh chóng bán tống, bán tháo với giá 11-12 triệu đồng. Tuy nhiên, do vẫn chuộng ánh hào quang của Apple, nên nhiều người dùng Việt, đặc biệt là giới trẻ, thường chọn mua các model đời trước, mà thông dụng nhất là iPhone 4 và 4S, với giá bán đã giảm đáng kể.

Có thể nói, một trong lợi thế lớn với các hãng sản xuất tên tuổi khi đến Việt Nam, là lượng người dùng chỉ mua những sản phẩm có thương hiệu tin cậy chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 63% (theo GfK). Tuy nhiên, do thiếu thông tin, hiểu biết về sản phẩm còn thấp, lại ham rẻ, nhiều người vô tình hoặc hữu ý tiêu thụ lượng lớn sản phẩm của các nhà sản xuất Trung Quốc. Có thể trong thời gian tới, điện thoại Trung Quốc sẽ còn hiện diện nhiều hơn nữa tại thị trường Việt Nam. Bởi sau Lenovo, Huawei, Haier, ZTE… Xiaomi cũng tiết lộ kế hoạch vượt qua biên giới để đến với thị trường Đông Nam Á, mà hiển nhiên sẽ không thể thiếu Việt Nam.

Nhưng không có đất cho “hàng bèo”

Việc smartphone dần trở nên quen thuộc và gần gũi với người dùng mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp muốn sản xuất smartphone “Made in Vietnam”. Thế nhưng, điểm qua thị trường thì đa số smartphone gắn thương hiệu Việt đều được lắp ráp và sản xuất từ nước ngoài. Chưa có công ty cung cấp smartphone “thương hiệu Việt” nào dám công bố là một OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc), mà hầu hết chỉ tham gia thiết kế hoặc đặt hàng sản xuất ở Trung Quốc, từ Q-mobile có giá bán dao động trong khoảng 1,5-3 triệu đồng, HKPhone 2-6 triệu đồng, Haier 1-3 triệu đồng đến Viettel 0,9-1,6 triệu đồng...

Hiện nay, mới có Vivas Lotus S1 với giá bán dưới 4 triệu đồng được xem là smartphone do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và lắp ráp. Ngoại hình không bắt mắt, cấu hình cũng khiêm tốn, ngay giá bán cũng chỉ tương đương Lumia phân khúc thấp, nên trên thực tế Vivas Lotus S1 mới chỉ có ý nghĩa về mặt... tinh thần, khi đã đánh dấu bước tiến mới trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam hơn là kinh doanh. Đến nay, điện thoại gắn mác Việt mới chỉ làm xáo trộn được phân khúc cấp thấp, chủ yếu hướng đến người dùng sinh viên hay những người có thu nhập chưa ổn định mua dùng tạm.

Có thể nói, các doanh nghiệp Việt Nam đang bước đi quá chậm, thậm chí ngày càng mờ nhạt. Trong khi đó, cái thời mà sự thay đổi chỉ nhích từng bước, sản phẩm và dịch vụ thiếu sự đa dạng, các kênh thông tin và phân phối gần như chỉ bó hẹp trong một thị trường khiêm tốn, marketing khi ấy có thể đơn giản bỏ lửng khách hàng, và biến đổi những yếu tố sản xuất - kinh doanh khác để thu về lợi nhuận đã qua từ lâu. Ngày nay, người tiêu dùng đang sống trong kỷ nguyên của sự lựa chọn. Quyền “không mua hàng” và quyền “lựa chọn” trở thành sức mạnh tinh vi nhất, buộc những doanh nghiệp muốn thành công phải có đủ cả “tâm” cả “tầm” để “trói buộc” sự trung thành của khách hàng.

Trong bối cảnh ấy, nếu còn chần chừ và không biết tận dụng cơ hội để đưa ra thị trường những sản phẩm thực sự có chất lượng, cùng giá bán hợp lý thông qua các chiến dịch marketing bài bản với phần đông người dùng, mà vẫn tiếp tục cho ra đời những sản phẩm vỏ mác Việt, linh kiện Trung Quốc, thì rốt cuộc kẻ thống trị thị trường smartphone Việt đầy tiềm năng cũng chỉ toàn những cái tên ngoại mà thôi. 

http://songmoi.vn/nghe-nhin-thi-truong/thi-truong-smartphone-viet-ngon-nhung-khong-de-xoi

Theo NNVN

Bạn có thể quan tâm