2015 là năm người dùng trong nước có nhiều lựa chọn nhất từ trước đến nay ở nhóm smartphone cao cấp. Lý do là bởi các hãng smartphone có truyền thống ra mắt sản phẩm theo “cặp”, nhất là sau khi Apple trình làng iPhone 6 và 6 Plus năm ngoái.
Nhiều lựa chọn nhưng sức tiêu thụ chậm
Trong khoảng hơn 2 tháng qua, có hơn chục smartphone cao cấp cập bến thị trường bao gồm iPhone 6S (từ 18,9 triệu) và 6S Plus (từ 21,8 triệu), Samsung Galaxy Note 5 (18 triệu), S6 Edge Plus (20 triệu), Sony Xperia Z5 (16 triệu), Xperia Z5 Premium (20 triệu), Microsoft Lumia 950 (14 triệu), Lumia 950 XL (16 triệu), HTC One A9 (12 triệu), Motorola Moto X Style (13,3 triệu), BlackBerry Priv (18,5 triệu), mới nhất là LG V10 (16 triệu).
Người dùng có trong tay nhiều lựa chọn smartphone cao cấp dịp cuối năm 2015. Ảnh: Techno Buffalo. |
Nhiều lựa chọn nhưng sức bán các mẫu smartphone cao cấp lại khá ì ạch ở thời điểm cuối năm. “Thị trường di động cao cấp dịp cuối năm giống như một phiên chợ nhộn nhịp thương gia nhưng lại ít khách mua”, anh Nguyễn Lạc Huy – đại diện hệ thống CellphoneS chia sẻ.
Anh này cho biết, thị trường năm nay chứng kiến nhiều gương mặt mới như BlackBerry Priv – smartphone đầu tiên chạy Android của dâu đen, bộ đôi Lumia chạy Windows 10 đầu tiên hay sự trở lại của thương hiệu Motorola sau nhiều năm vắng bóng. Tuy nhiên, các sản phẩm này, một phần chỉ dành cho nhóm khách hàng nhất định, một phần còn thiếu hiệu ứng truyền thông tại Việt Nam nên khó tạo ra sức bật cho thị trường.
Các gương mặt cũ như iPhone hay dòng Galaxy cao cấp mặc dù có sức bán không tệ nhưng khó có thể coi là thành công, đặc biệt là iPhone 6S và 6S Plus. Giá bán cao, không nhiều nâng cấp ấn tượng so với thế hệ trước là những yếu tố khiến người dùng cân nhắc khi mua sản phẩm này.
Trong khi đó, ông Mai Triều Nguyên – đại diện hệ thống Mai Nguyên cho rằng, thị trường di động cao cấp hiện qua giai đoạn phát triển nóng. Do đó, sức bán các model ở mức đều đều, khó có đột phá.
Nhận định này có phần chính xác bởi xét trên nhiều yếu tố, thị trường di động cao cấp hiện là miếng bánh khó nhằn cho các nhà sản xuất. Nếu như năm ngoái, các hãng sản xuất bị chê là “lười” sáng tạo trên các smartphone của mình thì năm 2015 chứng kiến một cuộc lột xác ngoạn mục.
Samsung tái thiết kế các smartphone đầu bảng với chất liệu cao cấp, không quên trang bị kèm theo cấu hình mạnh và camera tốt nhất. Sony cải tiến camera với công nghệ lấy nét nhanh nhất thế giới, bổ sung màn hình 4K. BlackBerry tung smartphone chạy Android, thiết kế vừa truyền thống vừa hiện đại vv… Tuy nhiên, người dùng vẫn tỏ ra kém hào hứng. Do đó, nhiều người ví thị trường smartphone cao cấp dịp cuối năm là một phiên chợ kém vui.
BlackBerry Priv là một trong những gương mặt được kỳ vọng mang đến trải nghiệm mới ở nhóm cao cấp. Ảnh: Thành Duy. |
Thành công hay không thành công?
Doanh số thấp là một chuyện nhưng để nói các smartphone này không thành công thì không chính xác. Việc này còn phụ thuộc vào mục tiêu của nhà sản xuất. Chẳng hạn, BlackBerry trong đợt đầu tiên đưa về Việt Nam khoảng 2.000 chiếc Priv. Số máy này nhanh chóng bán hết. Đại diện hãng, nhà phân phối cho rằng đây là một thành công. Trong khi đó, con số 2.000 máy này chỉ lớn hơn đôi chút so với lượng máy iPhone 6S bán ra trong một tuần tại một hệ thống di động lớn trong nước.
Điều tương tự có thể xảy ra với Lumia 950 và 950 XL từ Microsoft. Theo ghi nhận ban đầu, model này không được đón nhận một cách hào hứng bởi phần đông người dùng. Đây là điều dễ hiểu bởi Windows 10 Mobile là một nền tảng mới mẻ. Bên cạnh đó, smartphone dòng Lumia cũng không còn gắn liền với thương hiệu Nokia – vốn được người dùng trong nước yêu thích. Tuy nhiên, với mức giá chào bán sản phẩm của Microsoft (14 và 16 triệu đồng), nhiều người tin rằng mục tiêu của hãng sản xuất không phải doanh số, giống như các hãng bán tablet Surface tại thị trường Mỹ.