Điện thoại di động vẫn tăng trưởng về doanh số, tuy nhiên, chúng bị dàn trải với nhiều nhà sản xuất. Ngoại trừ Apple, Samsung, phần lớn các tên tuổi khác đăng gặp các vấn đề riêng.
Samsung vẫn đứng đầu, nhưng thị phần suy giảm
Năm 2015 mang đến nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Vui vì Samsung tiếp tục khẳng định vị trí số 1 thế giới, buồn vì thị phần vẫn chưa thôi trượt dốc. Với 324,8 triệu smartphone bán ra, tăng 2,1% so với năm 2014, thị phần của Samsung năm 2015 giảm còn 22,7% thay vì 24,4% của năm 2014 do chưa thể cạnh tranh với Apple ở phân khúc cao cấp, trong khi bị các đối thủ đến từ Trung Quốc lấy mất thị phần ở phân khúc bình dân.
Đặc biệt, trong quý IV/2015, lợi nhuận của Samsung sụt giảm 40% so với kỳ vọng. Kết quả này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Vì sao Samsung lại gặp khó đến vậy, nhất là trên thị trường smartphone, nơi nhà sản xuất này đang chiếm ưu thế?
Câu trả lời có lẽ là sức ép đến từ các nhà sản xuất điện thoại giá rẻ Trung Quốc. Trong khi Samsung vẫn bán ra smartphone giá thành cao, cấu hình vừa phải, thì nhiều nhà sản xuất đến từ Trung Quốc tung ra thị trường các mẫu smartphone giá rẻ, cấu hình tương đương. Điều đó khiến Samsung mất đi lượng khách hàng không nhỏ ở phân khúc giá rẻ và tầm trung ngay tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, Samsung vẫn chưa thể vượt qua cái bóng quá lớn của Apple ở phân khúc cao cấp. Chiến lược gây lụt thị trường xuất hiện những dấu hiệu bất ổn đang đặt Samsung trước yêu cầu phải có những điều chỉnh hợp lý để giữ được vị trí hiện tại
Lenovo
Cùng chung cảnh ngộ với Samsung là Lenovo. Thậm chí, nhà sản xuất điện thoại giá rẻ đến từ Trung Quốc còn phải đón nhận kết qua tồi tệ hơn khi không chỉ thị phần mà lượng máy bán ra cũng sụt giảm mạnh.
Cụ thể: Trong năm 2015, Lenovo chỉ bán được 74 triệu máy, giảm hơn 21% so với năm 2014. Kết quả này đã khiến thị phần của Lenovo bị thu hẹp còn 5,2% thay vì 7,2% của năm 2014. Không chỉ có vậy, Lenovo cũng để mất luôn vị trí thứ 3 vào tay đối thủ đồng hương Huawei.
Xiaomi không đạt được mục tiêu đề ra
“Apple của Trung Quốc” cũng trải qua năm 2015 với kết quả không như mong đợi. Dù bán được hơn 70 triệu máy, tăng gần 23% so với 2014, nhưng kết quả này lại thua xa mục tiêu 100 triệu máy mà Xiaomi đề ra vào đầu năm.
Nguyên nhân khiến Xiaomi phải đón nhận kết quả đáng thất vọng này là do hãng quá tự tin vào năng lực của bản thân. Thậm chí, hãng smartphone bị cáo buộc nhái hàng iPhone còn phải đối mặt với cuộc điều tra do Chính phủ Trung Quốc tiến hành do lộng ngôn khi cho rằng: Điện thoại của Xiaomi là “tốt nhất”. Thêm vào đó, nghi án gián điệp cũng khiến người dùng mất niềm tin vào sản phẩm của hãng này.
HTC, LG, Sony, Microsoft và BlackBerry ngậm ngùi chiếu dưới
Từng có thời là các ông lớn trên thị trường smartphone, nhưng cả HTC, LG, Sony, Microsoft và BlackBerry phải ngậm ngùi ngồi “chiếu dưới” khi năm 2015 kết thúc. Thị phần của các hãng này quá nhỏ khiến nhiều công ty nghiên cứu thị trường không muốn nêu riêng rẽ trong báo cáo mà cho vào một rọ cho... tiện.
Trong đó, LG có năm 2015 “vừa tốt, vừa xấu” khi lượng máy tiêu thụ tăng 6%, nhưng doanh thu lại giảm 21% so với năm 2014. Lực cầu yếu đi trên phân khúc cao cấp ngay tại sân nhà cùng sự cạnh tranh khốc liệt trên phân khúc Android đã đẩy LG vào tình cảnh chông gai.
Microsoft cũng không khá khẩm hơn. Dù ra đã mắt bộ đôi smartphone đầu bảng Lumia 950/950 XL, nhưng Microsoft vẫn rất mờ nhạt. Sự thú vị của hai mẫu smartphone trên không đủ tạo ra sức bật cho dòng smartphone Lumia. Đó là nguyên nhân khiến cho lượng máy tiêu thụ của dòng sản phẩm Lumia liên tục sụt giảm.
Riêng quý IV/2015, Microsoft chỉ bán được 4,5 triệu smartphone Lumia, giảm 57% so với cùng kỳ năm 2014. Kết quả này khiến doanh thu từ smartphone của hãng giảm 53%, xuống còn 1,2 tỷ USD, thị phần giảm còn 1,1%. Với thị phần ít ỏi này, các nhà phân tích thị trường cho rằng: Lumia gần như không có chỗ đứng trên thị trường smartphone đang cạnh tranh ngày càng quyết liệt.
Trong khi đó, HTC gây thất vọng ngay trong quý đầu năm 2015 khi công bố mẫu smartphone cao cấp nhất One M9 với sự đơn điệu và tẻ nhạt khó chấp nhận. Vì thế, việc HTC One M9 bị giới chuyên môn ném đá còn người dùng lạnh nhạt không có gì khó hiểu.
Sau thất bại này, HTC đã cố gắng xoay sở bằng việc tung ra One A9 “nhái iPhone” một cách công khai khiến số phận của nhà sản xuất Đài Loan càng trở nên mong manh hơn. Với việc doanh thu giảm tiếp 7% và thua lỗ 157 triệu USD, HTC thực sự đã bị dồn đến chân tường.
Với Sony, dù năm tài khóa của hãng chưa kết thúc, nhưng theo các nhà phân tích, Sony có thể phải chấp nhận khoản lỗ lên đến 500 thay vì 300 triệu USD như dự báo ban đầu. Nguyên nhân khiến Sony phải đối mặt với nhiều khó khăn là do thiếu sự đổi mới.
Dù Xperia Z5 và Z5 Compact không có điểm đáng chê, nhưng không được người dùng đón đợi như kỳ vọng khiến lĩnh vực di động vẫn “thua lỗ bền vững”. Việc ba năm liên tiếp dòng smartphone Xperia không có đổi mới về thiết kế khiến người dùng cảm thấy nhàm chán.
Trước tương lai bất định của dòng sản phẩm này, ông Kazuo Hirai - CEO Sony - cho biết Sony sẽ cân nhắc việc dời bỏ cuộc chơi smartphone sau 2016.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự là BlackBerry. Dù đã nỗ lực xoay sở, nhưng thương hiệu từng văng bóng một thời vẫn chưa thể tìm lại hào quang đã mất. Passport và Priv đều tạo được sự khác biệt. Nhưng Passport vẫn phải chịu thất bại về thương mại, còn Priv thì chưa thể mang lại sự đột phá cho BlackBerry.
Với chỉ 0,2% thị phần cùng mục tiêu bán ra 5 triệu sản phẩm/năm, BlackBerry đang quá nhỏ bé và yếu thế. Thực tế này buộc BlackBerry phải cân nhắc đến khả năng rút khỏi thị trường smartphone, cho dù từng là hãng đi đầu trên thị trường smartphone.