Nhiều bạn trẻ đã tạo lập thói quen nghe sách nói tiếng Việt. Ảnh: VoizFM. |
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ dẫn đến sự hình thành một thói quen mới cho người đọc sách hiện đại - thói quen “nghe sách” (Audio books), “xem sách” (sách có video - Video book), thậm chí là tương tác với sách (sách 3D, sách thực tế ảo tăng cường - AR book)...
Xu hướng này xuất phát từ chính nhu cầu có thực của những công dân hiện đại, những người không có nhiều thời gian nhưng vẫn muốn tận dụng cơ hội trau dồi kiến thức qua sách ở mọi lúc, mọi nơi.
"Cả thế gian trong túi"
Không thể phủ nhận là sự ra đời của internet và sự phát triển của mạng xã hội đã có tác động mạnh mẽ đến mọi sinh hoạt của con người, trong đó có thói quen đọc sách. Giờ đây, người đọc không còn đơn thuần tiếp cận tri thức từ các xuất bản phẩm in mà đã chuyển sang các thiết bị số với những định dạng linh hoạt sẵn có.
Ra đời sớm hơn cả là loại hình sách điện tử (ebook), một loại sách mà người đọc có thể tiếp cận thông qua các thiết bị cá nhân như máy tính, smartphone, tablet... Khác với sách giấy, sách điện tử thường có giá rẻ hơn rất nhiều, thậm chí chưa đến một nửa giá so với sách giấy trong khi ebook lại có thể lưu trữ một lượng lớn tài liệu nghe, nhìn như chữ in, hình ảnh, video thí nghiệm... Thêm vào đó, khi sử dụng ebook, người dùng sẽ không còn lo phải mang vác cồng kềnh vài ba quyển sách theo người hay những nguy cơ về mối mọt, ố mốc...
Tiện lợi hơn ebook là loại hình “sách nói” (Audio books). Độc giả thậm chí không cần phải nhìn vào màn hình mà chỉ cần cắm tai nghe, bởi toàn bộ nội dung cuốn sách đã được chuyển từ dạng văn bản sang dạng âm thanh thông qua giọng đọc của con người. Hơn thế, ngoài việc lựa chọn giọng đọc hay, truyền cảm, “sách nói” giờ đây còn có thêm nhạc đệm, thậm chí thêm cả âm thanh phụ họa cho diễn biến câu chuyện trong sách như tiếng mưa rơi, tiếng chim hót, tiếng động cơ, tiếng gió đập vào cửa sổ, tiếng va chạm của đồ vật... để lôi kéo độc giả.
Mới mẻ hơn là loại hình “sách video” (hay còn gọi là Video book, Clipbook), là dạng nội dung số nâng cấp so với ebook truyền thống, dưới hình thức những video được dàn dựng công phu để truyền tải nội dung rõ ràng, dễ hiểu hơn. Hay để tiết kiệm thời gian, gần đây đã xuất hiện nhiều ứng dụng tóm tắt sách trên nền tảng số. Tiêu biểu có thể kể đến Reavol. Với hàng ngàn đầu sách về hơn 20 chủ đề đa dạng như lịch sử, luật học, tâm lý học, chính trị, xã hội hay khởi nghiệp... được tóm tắt và cập nhật mỗi ngày tại Reavol, người dùng có thể tiết kiệm 80% thời gian so với việc đọc một cuốn sách thông thường. Bên cạnh việc đọc sách, người dùng còn có thể chia sẻ nhận xét, đưa ra góp ý của mình dưới mỗi cuốn sách để cùng bàn luận với những người dùng khác thông qua ứng dụng...
Sự đón nhận nồng nhiệt
“Người Việt Nam không đọc ít đi mà đang đọc nhiều hơn. Nhưng họ có nhiều cách đọc hơn...”, đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị Triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua. Điều đó có nghĩa, “đọc” trong một xã hội hiện đại không còn là cách thu thập tri thức một chiều mà đang hình thành nhiều loại hình, phương thức đọc phong phú.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lần đầu tiên Ngày sách Việt Nam được tổ chức hoàn toàn trên không gian mạng, tại sàn thương mại điện tử book365.vn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hội sách trực tuyến năm đó đã ghi nhận tới gần 2 triệu lượt xem, trong đó có tới 6.000 đơn đặt mua sách và hơn 10.000 cuốn sách được chuyển tới tay độc giả, đánh dấu sự hiện diện mạnh mẽ của xu hướng đọc sách trên nền tảng số. Năm 2020, con số xuất bản phẩm điện tử được nộp lưu chiểu là 2.000, thì năm 2021 đã là 2.300 xuất bản phẩm. Và, tính đến đầu năm 2022 đã có 12/57 nhà xuất bản được cấp phép sách điện tử và con số này vẫn tiếp tục gia tăng.
Hiện tại, theo Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam hiện có 3 kênh “sách nói” được cấp phép chính thức, gồm: Voiz FM (thành lập năm 2019), Fonos (thành lập năm 2020) và MyDio (thành lập đầu năm 2021). Năm 2022, Voiz FM có hơn 500.000 triệu người dùng với trên 20 triệu phút nội dung được trả phí, sở hữu hơn 2.000 đầu sách best seller (sách bán chạy nhất). Trong khi đó, Fonos ghi nhận doanh thu mỗi tháng tăng gấp 6 lần so với đầu năm 2021, với gần 300.000 lượt tải.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, người đam mê sách và công nghệ đã kể rằng, từ khi các loại hình đọc sách trên nền tảng số ra đời anh đã mang tủ sách mà mình tích cóp từ rất lâu tặng hết bạn bè, trường học, thư viện... Anh nói: “Động lực để mình thay đổi quan niệm là hiện tại đã có hẳn một “thư viện” với hơn 17.525 cuốn sách... nằm gọn trong chiếc di động, rất tiện lợi. Sách điện tử có thể nói là sách dành cho tương lai với những ưu điểm như có thể đọc mọi lúc mọi nơi, độ sáng, cỡ chữ được điều chỉnh tùy theo sở thích, đặc biệt là muốn tặng ai một cuốn sách cũng chỉ cần một cú click chuột...”.
Còn Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì nhận định, đọc sách trên nền tảng số đang được bạn đọc trẻ quan tâm nhiều hơn. Riêng kênh “Cùng bạn đọc sách” do bà khởi xướng, mỗi ngày đều có thêm từ 100 - 300 lượt đăng ký, số lượt truy cập hiện đã lên tới hơn 10 triệu, cho thấy bạn đọc có xu hướng chọn đa dạng các loại hình để tiếp cận thông tin...
Cơ hội cho độc giả hiện đại
Tuy nhiên, dù hiện đại đến đâu, các loại hình đọc sách mới mẻ này cũng vẫn còn tồn tại nhược điểm. Nhiều người lo ngại, việc tiếp cận các loại hình sách điện tử trong thời gian quá dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều ý kiến lại cho rằng, việc sử dụng sách nói khiến độc giả phải tiếp nhận thông tin một cách thụ động, khó bao quát vấn đề và khó chắt lọc những nội dung chính mà mình cần. Chưa kể, việc sử dụng sách nói trên một số trang mạng xã hội miễn phí như YouTube, Facebook... còn khiến người nghe khó chịu bởi những quảng cáo tự động liên tục được chèn vào, cắt ngang mạch cảm xúc, tư duy...
Bên cạnh đó, với sách điện tử, bản quyền đang là một vấn đề gây nhức nhối. “Sách giả, sách lậu vẫn tràn lan trên các nền tảng công nghệ số”..., đó là nhận định, phản ánh từ nhiều công ty sách, người tiêu dùng. Để giải quyết khó khăn trước mắt, nhiều đơn vị xuất bản, phát hành đã phải công bố thêm những hình ảnh, video clip phân biệt sách thật và sách giả trên chính các trang mạng xã hội để cảnh báo người đọc. Theo Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà, để ngăn chặn hành vi chia sẻ bất hợp pháp các ebook, audiobooks... thì quan trọng nhất là có chế tài đủ mức răn đe; cần có những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn nữa. Quan trọng hơn là phải giáo dục cho bạn đọc có ý thức trân trọng công sức của tác giả, không mua sách lậu.
Mặt khác, việc sáng tạo ra các hình thức đọc mới để mang đến cho người đọc trải nghiệm, “kênh” văn hóa đọc đa dạng hơn, tốt hơn cũng là một giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy sự đọc, phát triển văn hóa đọc. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng gợi mở rằng: “Trong thời chuyển đổi số, khi một quyển sách ra đời thì phải nghĩ ngay đến các phiên bản của nó, phiên bản trên Facebook, YouTube là thế nào, phiên bản trên TikTok, Zalo, phiên bản để Google tìm kiếm là gì, và rồi phiên bản để ChatGPT đưa vào hệ tri thức của nó ra sao, phiên bản tóm tắt, phiên bản điện tử đầy đủ, phiên bản hoạt hình, phiên bản nhắn tin trên di động, phiên bản dưới dạng các câu trích dẫn ngắn để khai sáng, gây cảm hứng tư duy, phiên bản âm thanh, rồi cả phiên bản in đẹp và cao cấp”...
Có như thế thì sách điện tử mới trở thành mũi nhọn trong lĩnh vực xuất bản, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc, như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng khẳng định: “Quyển sách sẽ vẫn là quyển sách, nhưng vô vạn hình tướng. Vô vạn hình tướng là cách để sách đến được với hàng triệu người. Một quyển sách in có thể chỉ tiếp cận được hàng ngàn, chục ngàn, trăm ngàn người, nhưng với hình tướng ngắn gọn trên đa nền tảng thì quyển sách có thể tới được với hàng triệu người, và nhiều hơn thế nữa, và vì thế mà giá trị của sách cũng tăng lên. Vậy là sách bây giờ có thể đi xa hơn trước đây rất nhiều”...