Đó là trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Trả lời trang Digital Trends, Malini Paul, Giám đốc nghiên cứu hãng phân tích IDC thừa nhận tổng chi tiêu cho thị trường PC sẽ giảm 6% trong năm 2020 so với mức tăng 7% của năm 2019, nguyên nhân đến từ sự bùng phát của virus corona trên toàn thế giới.
13% là mức chênh lệch rất lớn với ngành công nghiệp vốn phải vật lộn để tìm kiếm sự tăng trưởng. Paul nhấn mạnh đây là dự đoán về thị trường phần cứng PC, không liên quan đến hệ sinh thái như dịch vụ, phần mềm hay phụ kiện.
Thị trường PC được dự đoán sẽ sôi động trong năm 2020 bất ngờ lao đạo do đại dịch Covid-19. Ảnh: The Verge. |
Mọi ước tính đổ vỡ vì corona
Nhiều dự đoán cho rằng thị trường smartphone sẽ sụt giảm vào đầu năm nhưng tăng trưởng lại vào cuối năm, tuy nhiên để điều đó xảy ra với ngành PC là không dễ dàng.
Đầu năm 2020, Windows 7 là hệ điều hành phổ biến thứ 2 thế giới, chỉ sau Windows 10. Người dùng và một số doanh nghiệp, tập đoàn vẫn chưa nâng cấp lên Windows mới. Theo Paul, họ không phải đối tượng có thể giúp thị trường PC tăng trưởng, thay vào đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi virus corona bùng phát từ cuối tháng 1 vừa qua.
"Chúng tôi kỳ vọng thị trường PC năm 2020 sẽ tăng trưởng nhờ khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên với tình hình dịch bệnh như hiện nay, dự đoán ấy có thể không đạt được", Paul nhận định.
Windows 7 bị khai tử được xem là yếu tố thúc đẩy thị trường PC năm 2020. Ảnh: Digital Trends. |
Vào đầu năm, IDC dự báo sản lượng PC năm 2020 sẽ giảm 4,6% so với năm ngoái, tuy nhiên khi dịch Covid-19 bùng phát, mức sụt giảm được điều chỉnh thành 7,1%.
Paul đã so sánh dịch SARS với Covid-19, cho rằng đây là khó khăn tương tự mà thị trường đang đối mặt. Dịch viêm phổi do virus chủng corona gây ra năm 2003 bùng phát mạnh mẽ tại châu Á trước khi lan ra toàn thế giới. Theo Paul, dịch SARS lây lan ở 29 quốc gia với hơn 8.100 ca nhiễm được ghi nhận, ước tính thiệt hại một tỷ USD chỉ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản.
Tuy nhiên, Paul chỉ ra dịch SARS không kéo dài lâu. Thị trường PC chỉ suy giảm trong quý II/2003 và phục hồi vào cuối năm. Thậm chí nếu quy mô của dịch Covid-19 ngang ngửa SARS, tác động lên thị trường vẫn sẽ nghiêm trọng hơn.
Ngay cả khi có phép màu, thị trường cũng chưa thể hồi phục
Dịch Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc, và đây là nơi đặt nhiều chuỗi cung ứng sản phẩm cho các hãng máy tính lớn.
"Rất khó để nói về khả năng đẩy lùi virus corona bởi nó đang lây lan trên toàn cầu. Nếu mọi thứ trở lại bình thường, phải mất ít nhất 2 quý nữa để khôi phục 100% dây chuyền sản xuất", Paul nhận định.
IDC cho rằng ngay cả khi dịch Covid-19 ngừng lây lan, thị trường PC sẽ chưa thể phục hồi đến năm 2021. Quy mô và sự nghiêm trọng của Covid-19 rõ ràng là cao hơn SARS. Nếu chỉ có 8.098 ca nhiễm SARS và 774 ca tử vong thì Covid-19 đã có hơn 145.000 ca nhiễm với hơn 5.400 ca tử vong tính đến 14/3.
Việc virus bất ngờ bùng phát tại châu Âu và Mỹ khiến nhiều nhà sản xuất yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án.
Virus corona đã ảnh hưởng đến kế hoạch ra mắt, lên kệ của những chiếc PC đột phá. Ảnh: The Verge. |
Không chỉ bản thân sản phẩm, những yếu tố và thành phần có liên quan bị đình trệ cũng gây tác động lớn. Theo Paul, ngay cả dây chuyền sản xuất hộp đựng bị đóng cửa cũng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông dự đoán tình trạng thiếu nguồn cung sẽ bắt đầu trong tháng 3 và tháng 4.
Thị trường sẽ mất đà
2020 được dự đoán là năm của những chiếc máy tính độc đáo với màn hình gập, 2 màn hình như Surface Neo hay Lenovo ThinkPad X1 Fold. Không chỉ vậy, đây cũng là năm thú vị của Intel khi nhà sản xuất này chuẩn bị tung ra card đồ họa (GPU) rời để cạnh tranh với NVIDIA và AMD.
Trong khi đó, AMD cũng tham vọng "đánh chiếm" thị trường CPU cho laptop vốn đang được Intel thống trị. Dòng Ryzen 4000 được giới thiệu ngay trước khi dịch Covid-19, chưa rõ tiến độ sản xuất có bị ảnh hưởng không.
Nhìn chung, thị trường PC năm 2020 sẽ chìm trong u ám khi doanh số giảm, thiếu nguồn cung và nhiều kế hoạch đổ bể. Hậu quả từ Covid-19 chắc chắn chưa dừng lại.