Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thị trường ôtô VN: Đã nhỏ lại thêm teo tóp vì thuế và phí

Với 90 triệu dân, không có nhà sản xuất ôtô nào có thể nói thị trường VN nhỏ. Nguyên nhân là do thu nhập đầu người VN mới chỉ mức trung bình thấp nhưng thuế phí, ôtô lại cao.

Tại một hội thảo về chính sách phát triển công nghiệp ôtô và phụ tùng ôtô Việt Nam do Viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức, ông Tuấn Anh đại diện Toyota Việt Nam cho rằng thị trường Việt Nam chỉ tương đương 5-10% so với Thái Lan và Indonesia, và giá xe ôtô quá cao do chịu nhiều loại thuế phí.

Ông Tuấn Anh dẫn chứng: “Hầu hết các nhà sản xuất ôtô toàn cầu đã có mặt tại ASEAN và Việt Nam. Họ đã thành công ở các quốc gia khác nhưng chưa thành công ở Việt Nam do thị trường nhỏ”. Ông Anh thẳng thắn khi cho biết hiện rất ít doanh nghiệp Việt vào được chuỗi cung ứng sản xuất của Toyota.

Các doanh nghiệp vệ tinh của Toyota chủ yếu đến từ Nhật Bản. Theo đó, các doanh nghiệp Việt muốn trở thành đơn vị cung cấp linh kiện cho hãng cần phải có khả năng thiết kế, đủ tiêu chuẩn chất lượng, môi trường và giá thành phải rẻ hơn. Ông Anh nhận định rất ít doanh nghiệp Việt đạt được tiêu chuẩn về giá rẻ.

Theo nhiều ý kiến thị trường ôtô Việt Nam vốn nhỏ nhưng lại phải gánh quá nhiều thuế phí.

Theo nhiều ý kiến thị trường ôtô Việt Nam vốn nhỏ nhưng lại phải gánh quá nhiều thuế phí.

Tuy nhìn nhận ở hiện tại thị trường ôtô tại Việt Nam có quy mô nhỏ, nhưng đại diện Toyota đánh giá, về dài hạn thì thị trường Việt Nam là tiềm năng. Dự báo công ty cho hay thị trường ôtô sẽ bùng nổ sau 2020 khi thu nhập đầu người đạt 3.000 USD Mỹ/năm. Thị trường năm 2020 sẽ đạt trên 400.000 xe, hơn gấp đôi năm 2010.“Dân số Việt Nam đông, hiện trên 90 triệu người. Nếu ôtô hóa, thị trường Việt Nam có thể lớn hơn Thái Lan”, ông Tuấn Anh nói.

Trước ý kiến đại diện Toyota, ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI), đại diện của các nhà sản xuất ôtô nước ngoài luôn chê thị trường ôtô Việt Nam, nhưng đằng sau đó lại là câu chuyện khác.

Ông Long kể: “Có lần, tại một cuộc họp do Bộ Công Thương chủ trì, một ông tổng giám đốc phát biểu, nếu chính sách thế này công ty chúng tôi xem xét không sản xuất ở Việt Nam nữa. Tôi đứng lên nói: Tôi đố ông rời khỏi thị trường lớn thế này đấy. Hơn 100 triệu dân sắp tới là thị trường béo bở, công ty nào có muốn rút thì cũng chùn”, ông Long kể lại

Gánh nặng thuế, phí

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, (Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, bộ Công thương) cho biết cơ cấu giá thành xe tại Việt Nam hiện nay gồm thuế phí, chi phí sản xuất, nhập khẩu phụ tùng linh kiện. Theo đó, riêng thuế phí đang chiếm tới 40-50% làm cho giá thành xe tại Việt Nam vào loại cao nhất khu vực và thế giới.

Bà Thúy đưa ra thống kê về giá của 11 chủng loại xe thì giá tại Việt Nam đa phần ở mức cao nhất. Ở chủng loại xe Camry, giá xe của Việt Nam cao hơn 36% so với Thái Lan và cao hơn 49% so với Indonesia. Với dòng xe Yaris, giá xe Việt Nam cao hơn Thái Lan và Indonesia lần lượt ở mức 124% và 81%.

Thêm vào đó chi phí sản xuất ôtô trong nước cũng cao hơn 20% so với một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia, Maylasia. Chi phí sản xuất bao gồm chi phí tại nhà máy, mua phụ tùng linh kiện trong nước, nhập khẩu phụ tùng linh kiện.

Nguyên nhân được đại diện Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp chỉ ra là do Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản và các nước ASEAN khá muộn nên các dòng thuế giảm chậm hơn; phụ tùng linh kiện nhập khẩu từ ASEAN không được hưởng thuế xuất 0% do chưa đạt tỷ lệ nội khối theo quy định. Từ đó dẫn đến các dòng thuế, chi phí vận chuyển, giá phụ tùng linh kiện ở mức cao hơn.

Mua ôtô né thuế

Có tin nhà nước bắt đầu áp dụng cách tính thuế mới từ ngày 1/1/2016 sẽ đẩy giá ôtô nhập khẩu tăng 30% nên nhiều người tranh thủ mua xe để “chạy” thuế.

http://laodong.com.vn/xe/thi-truong-oto-viet-nam-da-nho-lai-them-teo-top-vi-thue-va-phi-408908.bld

Theo Thông Chí/Lao Động

Bạn có thể quan tâm