Theo South China Morning Post, khi dự án bất động sản mới ở trung tâm Singapore được chào bán vào tháng 7/2019, hơn 4.000 khách hàng tiềm năng đã có mặt tại sự kiện để quan sát và đánh giá về khu dân cư sang trọng này.
Dự án đó mang tên One Pearl Bank, sẽ trở thành một trong những tòa nhà chung cư cao nhất đảo quốc sư tử với tầm nhìn bao quát cả đất nước khi nó được hoàn thiện vào năm 2023.
Tập đoàn bất động sản CapitalLand tiết lộ đã có đến 160/200 căn hộ được bán trong tuần chào hàng đầu tiên với mức giá hơn 17.400 USD/m2. Như vậy, căn hộ gần 50 m2 với một phòng ngủ sẽ có giá khoảng 900.000 USD.
Thị trường đang bị hưng phấn quá mức
CapitalLand cũng cho biết One Pearl Bank chính là dự án bất động sản được bán chạy nhất tại trung tâm Singapore từ trước đến nay. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào các con số trên thị trường thì bức tranh địa ốc quốc gia này không tươi sáng như nhiều người vẫn nghĩ.
Bức tranh địa ốc Singapore không tươi sáng như nhiều người vẫn nghĩ. Ảnh: Shutterstock. |
Tính đến nay, các giao dịch mua bán trong năm 2019 chỉ chiếm khoảng 20,7% số sản phẩm được niêm yết trên thị trường nhà đất. Để so sánh, con số đó vào năm 2018 - ngay trước khi các giải pháp hạ nhiệt thị trường được đưa ra - là hơn 33%.
Chính phủ Singapore trong những năm gần đây đã đưa ra nhiều phương án, từ hạ giới hạn cho vay đến đánh thuế bất động sản cao hơn, nhằm kiểm soát giá nhà đất vốn đã tăng mạnh vào đầu những năm 2010.
Sự lạc quan trên thị trường địa ốc Singapore tiếp tục tăng cao, đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại. Tuy nhiên, một số chuyên gia bất động sản, đơn cử như ông Ku Swee Yong, tin rằng sự lạc quan đã bị đặt nhầm chỗ.
“Có lẽ tôi là người tiêu cực nhất, ghét bất động sản Singapore nhiều nhất. Nhưng có nhiều chỉ số đã chứng minh chiều hướng xấu của thị trường. Sân chơi này rõ ràng đang bị hưng phấn quá mức”, Ku Swee Yong nhận định.
Nói cách khác, sự phát triển bất động sản Singapore có thể bị kìm hãm lâu hơn khi nguồn cung tăng, thị trường cho thuê giảm tốc, và triển vọng tăng trưởng kinh tế tồi tệ.
Desmond Sim, trưởng nhóm nghiên cứu thị trường Singapore và Đông Nam Á của Tập đoàn bất động sản CBRE, cũng e dè khi nói đến biến động về địa ốc của đảo quốc sư tử.
“Thật khó để khẳng định thị trường bất động sản đang sôi động ngay lúc này. Điều đáng lưu ý hiện giờ là nguồn cung tiếp tục tăng mạnh hơn cầu. Và không có dự án nào bán hết căn hộ của mình kể từ tháng 6/2017”, Sim nói.
Theo một số chuyên gia, sự lạc quan trên thị trường bất động sản Singapore đang bị đặt nhầm chỗ. Ảnh: SCMP. |
Bên cạnh đó, số nhà bị tịch thu hay việc người dân không thể trả các khoản nợ thế chấp đang tăng nhanh. Số bất động sản tại Singapore được đưa ra bán đấu giá đạt kỷ lục 778 trong nửa đầu năm 2019, theo thống kê từ Công ty tư vấn Colliers International.
Con số này cao hơn 23% so với 6 tháng trước đó, và hơn 71% so với cùng kỳ năm 2018. Có tới 362 trong số 778 bất động sản được bán đấu giá là nhà dân bị tịch thu vì chủ nhà không thể trả nổi nợ ngân hàng. Các chuyên gia phân tích cho rằng việc chính phủ thắt chặt quá trình cho vay hơn đã khiến nhà ở bị tịch thu nhiều hơn.
Giá thuê nhà ở Singapore cũng đã tăng bình quân 1,3% trong quý II/2019. Và khi các dự án ở những vị trí đắc địa hoàn thành, Colliers International dự đoán mức giá này sẽ còn cao hơn.
Singapore là nạn nhân của thương chiến Mỹ - Trung
Tuy nhiên, yếu tố lớn nhất có thể gây tổn hại cho thị trường bất động sản là triển vọng kinh tế đang dần xấu đi. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dẫn tới nguy cơ suy thoái toàn cầu, và có thể tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế mở và phụ thuộc giao thương như Singapore.
GDP quốc gia này trong quý II/2019 thấp hơn nhiều so với dự kiến, mức tăng trưởng đạt 0,1%, tốc độ yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn 10 năm.
Xuất khẩu Singapore đã giảm 17,3% so với cùng kỳ 2018, và là tháng thứ 4 giảm liên tiếp. Năng suất sản xuất cũng đã giảm đến 6,9% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2015.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Singapore đã tăng nhẹ trong nhiều tháng gần đây, với 3,3% dân số không có việc làm trong tháng 6/2019. Bộ trưởng Nhân lực Singapore Josephine Teo cam kết chính phủ sẽ hỗ trợ để giảm thiểu tỷ lệ này.
Yếu tố lớn nhất có thể gây tổn hại cho thị trường bất động sản là triển vọng kinh tế tồi tệ. Ảnh: SCMP. |
“Những bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 gây ra suy thoái kéo dài không nên bị đánh giá thấp hay lãng quên”, tiến sỹ Sing Tien Foo, Giám đốc Viện Nghiên cứu Bất động sản và Đô thị thuộc Đại học Quốc gia Singapore cảnh báo.
“Cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2007 xuất phát từ sự hưng phấn quá đà trong thị trường nhà đất, dẫn đến việc người dân vay mượn quá tay, đặc biệt là những khoản vay chứa rủi ro cao”, tiến sỹ này phân tích.
Mặc dù vậy, một số người vẫn cho rằng tình hình Singapore chưa đến nỗi nào. Selena Ling, trưởng bộ phận nghiên cứu ngân quỹ và chiến lược tại Ngân hàng OCBC, tin các biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản của chính phủ Singapore sẽ đem lại kết quả tốt.
Chuyên gia Desmond Sim từ CBRE cho rằng nỗi lo lãi suất cao đã được gỡ bỏ phần nào khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đầu tháng 8/2019 đã cắt lãi suất lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ. Ông Sim nghĩ Singapore vẫn là nơi “trú ẩn” an toàn cho giới đầu tư nước ngoài.