Kỳ chuyển nhượng mùa đông Premier League năm nay được dự báo tấp nập nhất lịch sử, nhiều khả năng phá kỷ lục 225 triệu bảng của năm 2011. Tính riêng mùa hè năm ngoái, các đội bóng Anh tiêu tổng cộng 1,165 tỷ bảng. Như vậy, tổng chi dự kiến của hè 2016 và đông 2017 (trọn vẹn mùa 2016/17) có thể lên tới hơn 1,4 tỷ bảng.
Kỳ mua bán mùa đông năm trước chứng kiến 175 triệu bảng được chi ra, con số cao nhất trong vòng 5 năm. Tính từ 2012/13 đến nay, số tiền chi tiêu trong mùa đông tăng từ từ, còn mùa hè tăng cực nhanh.
Có nhiều lý do dẫn tới 1 kỳ chuyển nhượng tấp nập kẻ đến người đi trong lòng Ngoại hạng Anh. Thứ nhất, suất chơi tại Premier League có trị giá tối thiểu 130 triệu bảng khiến các đội nằm trong diện chống xuống hạng bị áp lực chi tiêu đè nặng lên hầu bao.
Thứ hai, 2016/17 là năm đầu tiên giải ngân gói bản quyền truyền hình siêu đắt đỏ: 5,14 tỷ bảng (nội địa) cộng với 3 tỷ bảng (quốc tế) trong 3 mùa tới. Tất cả thành viên Premier League đang rủng rỉnh tiền bạc hơn bao giờ hết.
Biểu đồ chi tiêu mua sắm của Ngoại hạng từ mùa 2003/04 đến nay. Màu xanh là mùa hè, đỏ mùa đông và đường gấp khúc thể hiện tiền bản quyền. Các mùa đầu hưởng gói bản quyền mới (2007/08, 2010/11 và 2013/14 và hè 2016) đều chứng kiến chi tiêu tăng vọt. Mùa 2007/08 tăng mạnh so với 2006/07, kỳ đông mùa 2010/11 tăng mạnh so với mùa đông trước, tổng chi tiêu mùa 2013/14 cũng tăng cao so với 2012/13. Cá biệt hè 2016 bằng tổng cả 2 kỳ đông và hè trước cộng lại. |
Mua sắm luôn đi kèm nhiều rủi ro. Các đội nhóm chạy đua trụ hạng cần đề phòng nguy cơ rơi vào bẫy "đốt tiền" giống QPR trước đây. Họ chi mạnh tay ký hợp đồng dài hạn với những cầu thủ có “máu mặt” như Joey Barton, Bobby Zamora, Richard Dunne, Rio Ferdinand, Shaun Wright-Phillips và Adel Taarabt. Việc đầu tư không đúng đắn khiến QPR thi đấu bết bát và giờ họ đang ngụp lặn tận vị trí thứ 17 của giải hạng nhất Anh.
Bất chấp rủi ro lớn trong kỳ mua sắm mùa đông, không đội bóng nào từ chối việc tăng cường lực lượng khi cần thiết, nhất là ở thời điểm các cuộc đua đang đến giai đoạn bước ngoặt.
Biểu đồ chi tiêu giữa mùa trước và thực tế thứ hạng cải thiện sau khi mua sắm. Chỉ 2 đội chi tiêu mạnh tay trong kỳ chuyển nhượng giữa mùa có thể gia tăng vị trí, đó là Stoke City và Sunderland. |
Nhưng mùa hè là lúc mọi thứ mới bắt đầu còn tháng 1 là lúc tất cả đã được vận hành, quá trình hòa nhập khó khăn hơn nhiều. Do đó, tiêu chí thích nghi được đặt lên hàng đầu. Chính bởi vậy nên đa phần các đội bóng chủ trương mua cầu thủ trong cùng giải đấu, họ là những người đã quen thuộc với phong cách chơi bóng của giải.
Mượn cầu thủ trong mùa Đông cũng đang trở thành trào lưu. Một giải pháp tiện cả đôi đường: vừa đỡ tốn kém, vừa giúp các đội nhỏ tiếp cận ngôi sao đang đánh bóng ghế dự bị.
"Núi tiền" bơm cho các đội Ngoại hạng Anh sau mùa 2015/16. |