Sáp nhập và mua lại, hợp nhất (M&A) là một phần không thể thiếu trong bức tranh kinh doanh chiến lược và tài chính toàn cầu. Mặc dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau, nhưng quy mô và sự phát triển cơ bản của lĩnh vực này trên thế giới được thể hiện khá rõ ràng.
Theo Tổ chức tài chính Goldman Sach, tổng giá trị các thương vụ M&A ở châu Á (trừ Nhật Bản) trong năm 2014 đạt 802,2 tỷ USD, tăng 48% so với năm 2013. Các thương vụ này diễn ra đều có sự góp mặt của các định chế tài chính Goldman Sach, Morgan Stanley và Citigroup.
Thống kê của Viện hợp nhất sáp nhập và liên minh (IMAA) cho thấy, tính đến đầu tháng 12/2014, giá trị các thương vụ M&A ở ASEAN đã tăng đến 50% so với năm ngoái với giá trị 128 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2008. IMAA dự báo, năm 2015, các giao dịch mua bán doanh nghiệp tại ASEAN có thể phá kỷ lục 148 tỷ USD đạt được hồi năm 2007.
Dĩ nhiên, con số trên đã có sự góp mặt của thị trường Việt Nam. Năm 2014, Việt Nam đã có khoảng 313 thương vụ M&A, với giá trị lên tới hơn 2,5 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2013. Các thương vụ được diễn ra chủ yếu ở các công ty lớn, có quy mô và tên tuổi trên thị trường, bao gồm giữa công ty Việt Nam với nhau, doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Việt Nam đi mua tài sản ở nước ngoài.
Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) bán 80% cổ phần của mảng kinh doanh bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelèz International. |
Theo ông John Ditty, đồng Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, hoạt động cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước, giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng, tham gia sâu và rộng hơn trong các hiệp định thương mại ở khu vực ASEAN và thế giới là các yếu tố để các bên liên quan kỳ vọng vào tổng giá trị M&A ở Việt Nam trong giai đoạn 2014-2018 sẽ đạt 20 tỷ USD.
Dẫu vậy, các lĩnh vực tài chính, ngân hàng được để ý nhiều hơn lại ít có thương vụ lớn xảy ra trong năm 2014, mà chủ yếu diễn ra trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), nông nghiệp và bán lẻ, bất động sản, công nghệ thông tin.
Những thương vụ M&A chiến lược 6 tháng cuối năm 2014 đình đám lại diễn ra trong ngành tiêu dùng và bán lẻ. Điển hình, công ty Berli Jucker Public Company Limited (BJC) của Thái Lan đã chi 879 triệu USD mua toàn bộ hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam; Tập đoàn Vingroup đã mua lại 70% cổ phần tại công ty Ocean Retail và đổi tên thành công ty cổ phần Siêu thị VinMart nhưng không công bố giá trị trị thương vụ; công ty Masan Consumer (thuộc Tập đoàn Masan) chi 357 tỷ đồng mua 49% cổ phần của công ty Cholimex Foods (thuộc công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn - Cholimex); công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) bán 80% cổ phần của mảng kinh doanh bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelèz International. KDC dùng khoản tiền này (7.846 tỷ đồng, tương đương 370 triệu USD) để đầu tư vào kinh doanh mỳ gói, cà phê, dầu ăn và thương thảo mua lại 50% cổ phần của một doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống; Quỹ đầu tư VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), Tập đoàn Daiwa đã đầu tư 45 triệu USD để mua 70% cổ phần công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP)…
Riêng việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đến nay, Chính phủ đã quyết liệt theo đuổi cải tổ với kế hoạch đầy tham vọng trong năm 2014 - 2015 cũng đang tạo cơ hội cho các nhà đầu tư. Năm qua, thị trường chứng kiến một số thương vụ IPO đình đám của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)…
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ VinaCapital cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước đã hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư khi họ đã tập trung nguồn lực về hoạt động cốt lõi, có lợi thế so sánh. Tuy nhiên, để có những thành công cụ thể và giá trị cao, thị trường đòi hỏi sự quyết tâm và quyết đoán cao hơn nữa của các bộ, ban, ngành.
Hiện đang có những mâu thuẫn của các chuyên gia trong việc đánh giá hiệu quả của các thương vụ M&A. Nhưng trải qua những tổn thất của giai đoạn liều lĩnh ban đầu, các giao dịch M&A đã có những tính toán cẩn trọng hơn. Điều này cũng có nghĩa là, các nhà đầu tư thành công với một giao dịch trong quá khứ không hẳn là sẽ thành công với giao dịch khác trong tương lai.