Với dân số khổng lồ hơn 1 tỷ người, Ấn Độ mặc nhiên trở thành một trong những thị trường lớn nhất thế giới. Trong khi nền kinh tế nước này đang chững lại thì có một “mảng kinh tế” lại đang tăng trưởng nhanh và còn rất nhiều tiềm năng, đó là kinh tế liên quan đến tâm linh, tôn giáo.
Du lịch tâm linh kiếm đậm
Theo một nghiên cứu của Ixigo, du lịch tâm linh đang trở thành một trong những mảng tăng trưởng chính của thị trường lữ hành Ấn Độ trong bối cảnh ngày càng có nhiều người lựa chọn tới các thành phố tôn giáo nổi tiếng, điển hình nhu Varanasi hay Puri, thay vì các điểm nghỉ dưỡng.
Du lịch tâm linh đóng góp 60% doanh thu ngành du lịch nội địa Ấn Độ. Ảnh: The Travel Dairy. |
Nhiều tháng liên tiếp trong năm 2018, hệ thống của Ixigo đã ghi nhận lượng đặt phòng tại các điểm du lịch tâm linh tăng trưởng hai con số phần trăm.
Cụ thể, lượng đặt phòng tại Puri, vốn nổi tiếng với đền Jagannatha, đã tăng trưởng 60% so với năm 2017. Tại thành phố Varanasi con số này là 48%, Tirupati là 34% và Shirdi là 19%.
“Du lịch tâm linh đang tăng trưởng. Các thành phố như Puri hay Varanasi không chỉ mang lại cho du khách trải nghiệm truyền thống mà còn giúp du khách thư giãn với những khoá yoga hay spa Ayurveda độc đáo”, ông Aloke Bajpai, CEO của Ixigo cho hay.
“Số liệu cho thấy có thể coi du lịch tâm linh là xu hướng du lịch mới lạ tại Ấn Độ”, ông nói thêm. “Thật thú vị khi thấy người trẻ đang cho thấy nhu cầu tìm kiếm những trải nghiệm văn hoá cổ truyền của đất nước”.
Không chỉ lượng đặt phòng, số liệu từ đơn vị này còn cho thấy lượng tìm kiếm vé tàu tới các thành phố du lịch tâm linh đang chiếm tỷ trọng đáng kể. Thành phố Lucknow chiếm 13% lượng tìm kiếm, kế đến là Mumbai (7%), Hyderabad (6%) và Delhi (5%).
Cũng theo CEO của Ixigo, du lịch tâm linh là mảng thị trường tiềm năng lớn nhất trong du lịch nội địa Ấn Độ. Gần 60% doanh thu du lịch nội địa nước này đến từ các hoạt động du lịch có liên quan đến tôn giáo.
Để hỗ trợ cho xu hướng du lịch đang lên này, chính phủ Ấn Độ cũng đã giải ngân nhiều nguồn vốn đặc biệt để xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng du lịch tâm linh.
Một động thái khác của giới cầm quyền Ấn Độ để thúc đẩy du lịch tâm linh nói riêng và toàn ngành du lịch nói chung là miễn thuế 5 năm cho tất cả khách sạn 2,3 và 4 sao quanh các điểm được công nhận là Di sản Thế giới UNESCO.
Quỹ Tài sản Thương hiệu Ấn Độ ước tính lượng đóng góp kinh tế của ngành du lịch nước này sẽ tăng từ 234,03 tỷ USD năm 2017 lên mức 492,21 tỷ USD vào năm 2028.
Thị trường vật phẩm tâm linh màu mỡ
Cơ hội không chỉ mở ra cho du lịch tâm linh Ấn Độ. Tại đất nước tỷ dân này, hàng loạt các startups và các doanh nghiệp trực tuyến đã mọc lên để tìm lấy miếng bánh trong thị trường tâm linh được chính phủ Ấn Độ định giá khoảng 40 tỷ USD nhưng còn rất thô sơ và phân mảnh này.
Ở bang Kerala, nơi nổi tiếng linh thiêng ở Ấn Độ, công ty khởi nghiệp Waves Hair vẫn đang thu thập tóc thiêng tại các đền thờ để tạo tóc giả và tóc nối cho thị trường quốc tế.
Hàng loạt các startups Ấn Độ đang mang công nghệ mới để tìm kiếm miếng bánh thị phần trong thị trường vật phẩm tâm linh béo bở. Ảnh: Online Prasad. |
Công ty này chuyên xử lý loại tóc remy, loại tóc người có chất lượng tốt nhất và tương đồng với tóc thiêng tại các đền thờ Ấn Độ để làm thành những lọn tóc nối. Những sản phẩm Ấn Độ này được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
“Chúng tôi có nguồn tóc thiêng từ Tirupati và những đền thờ khác ở miền Nam Ấn Độ. Giá tóc thường khoảng 70 đến 350 USD cho một kg tóc remy thô”, bà Millika Sreekumar, lãnh đạo của Wave Hair chia sẻ. Sau khi được xử lý, những lọn tóc nối sẽ tăng nhiều lần giá trị tại các thị trường như Mỹ hay châu Âu.
Còn ông Goonjan Mall, nhà sáng lập của Online Prasad, không chỉ mang tới cho khách hàng món prasad từ các đền khách nhau mà còn đang chuẩn bị ra mắt thương hiệu riêng có tên Zevotion, sản phẩm từ hạt Rudrakha hái tay kết hợp với yantras, những loại đồ ăn tôn giáo của Ấn Độ.
Một doanh nhân khác là K. Ganesh, người đã mua 35% cổ phần của Online Prasad và đang dự định tham gia vòng gọi vốn tiếp theo của doanh nghiệp này, cho hay với dân số khoảng 1,2 tỷ người với 330 triệu thầy tu khắp Ấn Độ, niềm tin tâm linh là thứ khó có thể xoay chuyển. “Những người mộ đạo thường không đưa ra quyết định du lịch tâm linh dựa vào giá cả”, ông Ganesh nhận định.
Online Prasad có một mạng lưới 50 đền liên kết, bao gồm những đền rất nổi tiếng và thu khoảng 7 USD để giao prasad từ các đền này tới tay người tiêu dùng trong 7-10 ngày làm việc. Công ty nhận khoảng 200 đơn hàng mỗi ngày và thường tăng mạnh vào các dịp lễ hội.
“Chúng tôi muốn tạo ra một hệ sinh thái tâm linh để phục vụ những khách hàng có nhu cầu. Rất nhiều đền trên cả nước đang không được quản lý tốt, dẫn tới thất thoát nguồn thu”, ông Mall cho hay.
Một doanh nghiệp khác là Vedic Vaani, được thành lập bởi Mayank Goyal và Ashish Gandhi, cũng đang cung ứng những sản phẩm liên quan đến đạo Hindu, đạo Phật, đạo Jaini hay đạo Sikh trên cùng một nền tảng.
Với những người theo đạo Hồi, nền tảng dành cho họ là ProudUmmah. Kỹ sư Abid Khan đã bỏ viện tại Google để phát triển nền tảng này và hiện cung cấp 24 sản phẩm liên quan đến những cuộc hành hương như Hajj và Umrah. Các bộ sản phẩm của startups này có giá khoảng 42-63 USD, bao gồm bánh mỳ cầu nguyện, bản đồ hành hương, thảm cầu nguyện và quần áo truyền thống ...
“Chúng tôi bán được khoảng 400 bộ sản phẩm trong năm đầu tiên vận hành và năm nay hướng tới con số 1.000 bộ sản phẩm”, ông Khan, người đang nhìn thấy tiềm năng lớn tại thị trường Mỹ, Anh và Australia, cho hay.
Còn theo ông Ganesh, 20 đền lớn nhất Ấn Độ đang thu khoảng 70 USD công đức thường niên từ mỗi người theo đạo, trong khi 500 đền cỡ vừa thu khoảng 280 USD/người công đức thường niên.
“Có khoảng 1 vạn đền nhỏ và khoảng 10 vạn đền rất nhỏ thu khoảng 700-1.400 USD/người mỗi năm”, ông cho hay. Đó là một thị trường rộng lớn mà các startups có thể kiếm thị phần bằng công nghệ và bằng cách nào đó mang thánh thần tới gần khách hàng hơn.