Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thị trường hồi phục, sếp chứng khoán vẫn ra đi hàng loạt

Chỉ trong 2 tháng, lãnh đạo của hàng chục công ty chứng khoán đã phải rời ghế nóng, trước áp lực của quá trình tái cơ cấu và thu hẹp hoạt động.

Thị trường hồi phục, sếp chứng khoán vẫn ra đi hàng loạt

Chỉ trong 2 tháng, lãnh đạo của hàng chục công ty chứng khoán đã phải rời ghế nóng, trước áp lực của quá trình tái cơ cấu và thu hẹp hoạt động.

Mới đây, Reuter đã công bố dữ liệu về diễn biến của các thị trường chứng khoán châu Á kể từ đầu năm 2013 đến nay. Theo đó, nếu tính theo USD, mức tăng trưởng của Việt Nam đạt 23%, đứng đầu khu vực châu Á. Còn tính theo nội tệ, mức tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đứng thứ 2 chỉ sau Nhật Bản với tỷ lệ khoảng 24%.

Tuy nhiên, tin vui trên thị trường chứng khoán lại không làm cho làn sóng thay tướng của các doanh nghiệp cùng ngành chậm lại. Thống kê cho thấy, vào thời điểm tháng 4 và tháng 5, khi thị trường có dấu hiệu phục hồi tốt nhất, đã có tới 30 nhân sự cấp cao tại các công ty chứng khoán rời ghế, trong đó, vị trí có nhiều thay đổi nhất là tổng giám đốc và phó tổng.

Các công ty chứng khoán nhỏ và vừa liên tục thay tướng trong 2 tháng gần đây, đặc biệt là các vị trí trong ban giám đốc.

Không ít công ty chỉ trong tháng 5 đã thay đổi đến tới 4 vị trí chủ chốt là giám đốc chi nhánh, phó tổng giám đốc, thành viên HĐQT và cả chủ tịch. Thậm chí, tại nhiều công ty chứng khoán, các vị trí chủ chốt không tìm được người thay thế, nhân sự còn lại phải kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau.

Trường hợp điển hình là công ty chứng khoán Xuân Thành. Trong khi ông chủ Nguyễn Đức Thụy, người từng giữ tới 80% cổ phần đã đăng ký thoái toàn bộ vốn thì các vị trí lãnh đạo khác cũng lần lượt được "thay máu", với việc ra đi của thành viên hội đồng quản trị và phó tổng giám đốc. Trong khi đó, Chứng khoán Euro Capital đã ra thông báo bãi nhiệm tổng giám đốc, nhưng nhân sự thay thế vẫn chưa có. Riêng chứng khoán Phú Gia, Phó tổng giám đốc Tôn Thất Hào cũng kiêm luôn chức vụ kế toán trưởng từ giữa tháng 5.

Giống như thời điểm cuối năm 2011, khi các lãnh đạo công ty chứng khoán lần lượt ra đi vì áp lực lợi nhuận, quý I/2013 cũng đánh dấu sự sụt giảm cửa lợi nhuận các công ty chứng khoán. Đây cũng là thời điểm nhiều công ty chứng khoán thu hẹp hoạt động, bị đình chỉ hoạt động, thậm chí tuyên bố giải thể.

"Khởi đầu là rút nghiệp vụ, thu gọn mảng hoạt động rồi đến tinh giản biên chế, đó là bài toán mà hầu hết các công ty chứng khoán nhỏ đã phải trải qua suốt từ năm 2011 đến nay. Các vị trí lớn như Tổng giám đốc, chủ tịch có thể chưa đến mức, trong khi nhân sự tại các nghiệp vụ bị rút chắc chắn sẽ phải rời công ty. Ngay cả khi ở lại, họ cũng phải chuyển sang bộ phận khác, ít việc hoặc không đúng chuyên môn, trong khi cơ hội nghề nghiệp và thu nhập không được như trước", lãnh đạo của một công ty chứng khoán trên đường Kim Mã, Hà Nội cho hay.

Nhiều công ty chứng khoán cũng không ngại nêu lý do thay tướng trong các đợt điều chỉnh nhân sự. Mới đây, khi bổ nhiệm Tổng giám đốc 8X Trần Hải Hà thế chỗ ông Lưu Trung Thái, chứng khoán MB (MBS) thừa nhận người mới là nhân tố kiện toàn nhân sự chủ chốt cho công ty, là một bước đi trong quá trình tái cơ cấu của doanh nghiệp này. Thậm chí, chủ tịch, thành viên HĐQT và ban kiểm soát của Chứng khoán An Phát khi từ nhiệm cũng đồng loạt nêu lý do "không thể tiếp tục công việc được giao".

Theo một chuyên gia chứng khoán, việc thay đổi chủ sở hữu của các công ty chứng khoán cũng góp phần vào làn sóng thay tướng trong những tháng đầu quý II của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính riêng trong tháng 5, đã có 4 công ty chứng khoán thay chủ sở hữu, trong đó, chứng khoán VIT “thay máu” 100% số cổ đông. Chứng khoán Hùng Vương cũng vừa thông báo thay CEO vào ngày 28/5 sau khi hơn 45,5% vốn của doanh nghiệp này rơi vào tay một cổ đông nước ngoài.

"Thực tế, các CEO cũ thường là người nắm rõ vấn đề của công ty chứng khoán, và việc thay thế không phải lúc nào cũng cần thiết. Nhưng nếu nhìn theo một phía khác, sự chuyển giao quyền sở hữu thường gắn với một chiến lược kinh doanh mới, kéo theo đó là một bộ máy điều hành trực tiếp thân cận hơn với người chủ mới. Đây xu hướng chung mà nhiều công ty áp dụng, chứ không chỉ là các đơn vị trong ngành chứng khoán".

Hạ Minh

Theo Infonet

Hạ Minh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm