Theo CNN, lạm phát tăng cao gây áp lực lên giá cả thị trường đã khiến nhiều gia đình đau đầu khi mua sắm, thậm chí có những nhà còn phải cắt giảm khẩu phần khi không đủ tiền mua.
Chính vì vậy, để giảm bớt gánh nặng chi tiêu, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn mua lại đồ cũ mà người khác không dùng đến thay vì mua đồ mới. Tất cả những vật dụng cần thiết như đồ nội thất, đồ điện tử, đồ trang trí và cả quần áo đều được họ mua lại trên thị trường đồ secondhand thay vì mua từ siêu thị.
Hệ quả của việc này là những chuỗi cửa hàng bán lẻ như Walmart (WMT), Target (TGT) và Bed Bath & Beyond (BBBY) đều đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa hàng hóa.
Khách hàng không còn mua sắm những mặt hàng đồ gia dụng ở các chuỗi bán lẻ như trên mà đã chuyển sang tìm kiếm trên các web đồ cũ.
Người tiêu dùng tìm đến đồ secondhand để giảm bớt áp lực chi tiêu. Ảnh: Getty Images. |
Theo một báo cáo từ sàn thương mại điện tử OfferUp, trước đây mặt hàng chính của thị trường đồ cũ chỉ có mỗi quần áo và những đồ dùng liên quan đến thời trang. Tuy nhiên, trong năm 2022, 76% các mặt hàng đồ cũ được bán ra không nằm trong danh mục này nữa.
"Phần lớn trong con số 76% này là các đồ điện tử, đồ nội thất và đồ gia dụng, thậm chí còn có cả phụ tùng ôtô cũ được bán lại", ông Todd Dunlap, CEO của OfferUp, cho biết.
Theo ông Dunlap, nhu cầu về đồ secondhand đã bùng nổ mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch.
Trước đó, đa số những người tham gia thị trường đồ cũ đều thuộc thế hệ Millennial (những người sinh ra trong khoảng 1981-1996) và Gen Z (khoảng 1997-2012). Họ mua không chỉ để sử dụng mà còn có mục đích bảo vệ môi trường, giảm lượng rác thải thời trang xả ra. Tuy nhiên, đại dịch bùng nổ kèm theo lạm phát tăng cao đã gây sức ép giá cả lên cả những người thuộc thế hệ lớn hơn, khiến cho họ cũng quan tâm nhiều đến thị trường đồ cũ.
Hiện tại, có khoảng 82% người Mỹ (272 triệu người) đang tham gia vào thị trường đồ cũ. Theo công ty phân tích GlobalData, hơn một nửa trong số họ đều chia sẻ rằng mình bị ảnh hưởng bởi lạm phát và mới chỉ tham gia thị trường gần đây để giảm bớt gánh nặng chi tiêu.
Ông Neil Saunders, giám đốc điều hành của GlobalData Retail cho rằng lạm phát trong trường hợp này "có lợi hơn là có hại" vì nó thúc đẩy thị trường đồ secondhand phát triển.
"Về phía người mua, càng ngày sẽ càng nhiều người tập trung về thị trường này để tiết kiệm tiền khi giá cả leo thang. Và sau đó, họ cũng sẽ trở thành những người bán lại đồ cũ của mình để kiếm thêm tiền", ông Saunders chia sẻ. "Chính vì vậy, trên thị trường này, lạm phát đang thúc đẩy số lượng người tham gia và mở rộng các mặt hàng có sẵn".
Theo GlobalData, những người tham gia thị trường đồ secondhand thường dành khoảng 27 phút mỗi ngày trên các trang web đồ cũ, gần bằng với thời gian 30 phút mỗi ngày họ dành để sử dụng mạng xã hội.
Chính vì vậy, công ty cho rằng càng ngày sẽ càng nhiều người tham gia vào thị trường đồ cũ cho đến khi nó ngang bằng với thị trường truyền thống.