Tổng giá trị nhà ở tại Mỹ đã giảm 4,9% trong nửa cuối năm 2022. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Bloomberg, khi cơn “sốt” nhà đất trong thời kỳ đại dịch qua đi, giá trị của thị trường bất động sản tại Mỹ đã ghi nhận đợt suy giảm mạnh nhất kể từ năm 2008.
Dựa trên số liệu từ Redfin, tổng giá trị nhà ở tại Mỹ đã đạt đỉnh 47.700 tỷ USD vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, con số này đã giảm 2.300 tỷ USD, tương đương 4,9%, trong nửa cuối năm 2022.
Đây là mức giảm lớn nhất tính theo tỷ lệ phần trăm kể từ cuộc khủng hoảng nhà ở năm 2008. Thời điểm đó, tổng giá trị nhà ở tại Mỹ đã giảm 5,8% từ tháng 6 đến tháng 12.
Những người mua nhà vốn đã phải đối mặt với mức giá cao kỷ lục, nay lại bị ảnh hưởng từ mức lãi suất thế chấp tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái. Hiện giá bán nhà trung bình tại Mỹ trong tháng 1 là 383.249 USD, giảm từ mức cao nhất là 433.133 USD vào tháng 5 năm ngoái.
“Thị trường nhà đất đã giảm một phần giá trị. Tuy nhiên, hầu hết chủ sở hữu nhà vẫn sẽ gặt hái được khoản lợi nhuận lớn từ sự bùng nổ bất động sản trong thời kỳ đại dịch”, bà Chen Zhao, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế của Redfin, chia sẻ.
Đồng thời, bà Chen Zhao cũng cho biết tổng giá trị nhà ở hiện tại vẫn cao hơn khoảng 13.000 tỷ USD so với giai đoạn tháng 2/2020.
Trong tháng 12 năm ngoái, tổng giá trị nhà ở tại Mỹ vẫn cao hơn 6,5% so với cùng kỳ năm liền trước.
Giá nhà tăng hay giảm còn tùy thuộc vào từng địa điểm. Mức giảm giá mạnh nhất được ghi nhận tại những thành phố đắt đỏ như San Francisco và New York. Trong khi đó, nếu nhà đầu tư tìm đến những thành phố có cơn “sốt” bất động sản trong thời kỳ đại dịch, họ vẫn sẽ có lãi, đặc biệt là ở Florida.
Điều này cũng đúng với Miami, nơi tổng giá trị nhà ở trong tháng 12 năm ngoái đã tăng vọt 20% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 468,5 tỷ USD.
Những người sở hữu nhà tại North Port-Sarasota, Florida, Knoxville, Tennessee, Charleston và South Carolina cũng đều ghi nhận mức tăng trên 17% vào năm 2022.
Trong khi đó, tổng giá trị nhà ở tại San Francisco tháng 12 năm ngoái đã giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Hai thành phố gồm Oakland và San Jose lần lượt giảm 4,5% và 3,2%. Các thành phố New York và Seattle cũng chứng kiến đà sụt giảm giá tương tự.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.