Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thị trường dầu chao đảo

Thị trường dầu rung lắc dữ dội sau khi Wall Street Journal đưa tin về những rạn nứt trong mối quan hệ giữa Saudi Arabia và UAE. Nếu rời OPEC, UAE có thể tự do tăng sản lượng dầu.

Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 3/3 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu đã rơi thẳng đứng từ gần 85 USD/thùng xuống 82,8 USD/thùng, rồi bật tăng lên 85,2 USD/thùng.

Giá dầu thế giới lao dốc sau khi Wall Street Journal đưa tin về những rạn nứt trong mối quan hệ giữa Saudi Arabia và UAE. Theo các quan chức Vùng Vịnh, Thái tử Mohammed bin Salman và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed al Nahyan đã cố ý né tránh sự kiện của nhau.

Dù vẫn là đồng minh, Saudi Arabia và UAE đã đối đầu trên một số mặt trận. Hai bên cạnh tranh về đầu tư nước ngoài, giành giật sức ảnh hưởng trên thị trường dầu mỏ và bất đồng gay gắt tại Yemen.

Trong OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) do Saudi Arabia đứng đầu, UAE buộc phải giảm sản lượng đi nhiều so với khả năng thực tế. Điều này làm tổn hại tới doanh thu dầu mỏ của nước này.

Theo các quan chức UAE, nước này đang thảo luận nội bộ về việc rời khỏi liên minh. Động thái đó đồng nghĩa với việc UAE có thể tự do tăng sản lượng dầu.

gia dau the gioi anh 1

Biến động của giá dầu trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics.

Tuy nhiên, quyết định này cũng sẽ làm lung lay liên minh và suy yếu quyền lực của tổ chức này trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Trước công chúng, UAE ủng hộ việc cắt giảm sản lượng. Nhưng các quan chức Mỹ cho biết UAE tiết lộ với họ rằng muốn khai thác nhiều hơn, nhưng vấp phải sự phản đối của Saudi Arabia.

Kể từ đó tới nay, họ vẫn ngầm thúc giục nhóm bơm nhiều dầu vào thị trường hơn.

Trong tuyên bố công khai, UAE cho biết sẽ tuân thủ thỏa thuận hiện tại của OPEC về sản lượng dầu ít nhất là trong năm nay.

OPEC đã thành công trong việc kiểm soát giá dầu suốt vài năm qua. Vì vậy, ngay cả khi liên minh suy yếu, họ vẫn sẽ chi phối giá dầu

Ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda

Tháng trước, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Bộ trưởng Năng lượng của UAE Suhail Al Mazrouei cho biết ông không lo ngại về hạn ngạch sản xuất hiện tại theo thỏa thuận với OPEC+, dù trong cuộc họp của liên minh xoay quanh sản lượng dầu năm 2024, họ vẫn cân nhắc việc nâng sản lượng lên mức cao hơn.

"OPEC đã thành công trong việc kiểm soát giá dầu suốt vài năm qua. Vì vậy, ngay cả khi liên minh suy yếu, họ vẫn sẽ chi phối giá dầu", Bloomberg dẫn lời ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda - nhận định.

Tháng 9 năm ngoái, những quốc gia quyền lực nhất trên thị trường dầu toàn cầu đã đưa ra một quyết định gây sốc. Đó là cắt giảm sản lượng vào thời điểm thị trường năng lượng thế giới đang chìm trong hỗn loạn.

Cụ thể, OPEC+ đã quyết định cắt giảm mục tiêu sản lượng khoảng 100.000 thùng/ngày kể từ tháng 10/2022.

Trước đó một tháng, OPEC+ đồng ý tăng sản lượng 100.000 thùng/ngày trong tháng 9. Tuy nhiên, đây là một mức tăng tương đối nhỏ. Nhóm này đã phớt lờ lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm tới Saudi Arabia.

Tuần này, giá dầu Brent đã vọt tăng do giới đầu tư tin rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đi lên sau khi đất nước 1,4 tỷ dân mở cửa trở lại.

Điều này lấn át rủi ro Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh tay hơn dự kiến và đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào suy thoái.

Theo dữ liệu mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc đã tăng lên 52,6 điểm trong tháng 2, vượt mốc 50 điểm và bước vào vùng tăng trưởng.

Đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 4/2012, khi PMI đạt 53,5 điểm.

Trong khi đó, PMI lĩnh vực phi sản xuất cũng tăng từ 54,4 điểm vào tháng 1 lên 56,3 điểm trong tháng 2. Chỉ số này phục hồi mạnh nhờ các hoạt động dịch vụ và xây dựng đi lên.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Giới nhà giàu đang đổ tiền vào Singapore

Singapore được biết đến là trung tâm tài chính của châu Á, nơi nhiều công ty đặt trụ sở chính, nhà giàu cất giữ tài sản. Tiền cũng đổ về đây thông qua các văn phòng gia đình.

Fed chưa thể dừng tăng lãi suất?

Những dữ liệu mới nhất của kinh tế Mỹ cho thấy lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại. Các quan chức Fed cũng liên tục gửi đi thông điệp "diều hâu".

Thảo My

Bạn có thể quan tâm