Dưới tác động của quyết định tăng mạnh lãi suất của FED, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng gặp áp lực điều chỉnh đáng kể. VN-Index đang xen giữa 3 phiên lao dốc và 2 phiên hồi phục.
Chỉ số đại diện sàn HoSE có thời điểm đã để mất ngưỡng tâm lý 1.200 điểm nhưng cũng nhanh chóng được kéo lên trên mốc này. VN-Index trong tuần vẫn lao dốc 66,78 điểm (-5,2%) về mức 1.217,3 điểm.
Diễn biến tương tự trên các sàn tại Hà Nội. Bộ chỉ số HNX-Index rơi 26,38 điểm (-8,61%) xuống 280 điểm và UPCoM-Index mất 7,06% về quanh 87 điểm.
Tuần qua nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép và các cổ phiếu đầu cơ bị bán tháo mạnh mẽ, nhiều mã đã mất đến 30% giá trị về các vùng giá rất thấp. Những cái tên lớn như VND và DIG mất 30%, HSG giảm 27%, KLB lao dốc 22%...
Ngược lại cổ phiếu năng lượng là điểm sáng lớn nhất để kìm hãm đà rơi. Trong đó GAS của PV Gas tỏa sáng khi bứt phá gần 13% lên đỉnh lịch sử. Bên cạnh REE và GEG tăng gần 10%, POW có thêm 7%.
Mặc dù có áp lực bán lớn nhưng thanh khoản thị trường vẫn duy trì xấp xỉ so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân giảm nhẹ 3% về mức 19.497 tỷ đồng/phiên, riêng giá trị khớp lệnh bình quân chiếm 17.877 tỷ đồng/phiên.
Cũng có diễn biến tích cực trong tuần qua là khối ngoại duy trì trạng thái mua ròng tuần thứ 3 liên tiếp. Giá trị mua ròng cũng được duy trì ở mức 1.214 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng hơn 34 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại tập trung gom cổ phiếu ngành thép HPG với giá trị 448 tỷ đồng trong bối cảnh mã này liên tục lao dốc. Nhiều mã khác cũng được mua nhiều trên trăm tỷ đồng như GAS, DPM, VHM, GMD, VGC...
Diễn biến VN-Index trong tuần 13-17/6. Đồ thị: TradingView. |
Trước các diễn biến mang màu sắc tiêu cực trong tuần trước, khối phân tích các công ty chứng khoán nhìn chung duy trì quan điểm thận trọng đối với thị trường hiện tại và những diễn biến bất ngờ vẫn có thể xảy ra.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo sẽ có khoảng thời gian kiểm tra lại cung cầu trong vùng 1.220-1.230 điểm, tuy nhiên áp lực bán lớn còn tiềm ẩn tại vùng này.
"Do đó, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và hạn chế mua mới, đồng thời cân nhắc chốt lời và cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro", VDSC nêu.
Chứng khoán Tân Việt cho rằng thị trường trong ngắn hạn vẫn đang hàm chứa quá nhiều rủi ro. Chiến thuật hợp lý vẫn thiên về hướng tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp (<= 50% tài khoản) và chờ đợi cơ hội gia tăng tỷ trọng đang tới gần.
Chứng khoán Kiến Thiết nhận thấy mức độ rủi ro vẫn đang rất lớn khi VN-Index bị công phá mạnh mẽ tại ngưỡng hỗ trợ 1.200. Đơn vị duy trì quan điểm đứng ngoài, hạn chế bắt đáy, thậm chí ưu tiên vị thế căn bán khi thị trường hồi.
Chứng khoán Đông Á dự báo VN-Index vẫn giao dịch giằng co quanh mốc 1.200 điểm để tích lũy ở mặt bằng giá mới. Có thể giải ngân trung dài hạn vào các nhóm cổ phiếu ngành điện, bảo hiểm, xây dựng hạ tầng và hàng xuất khẩu.
Chuyên gia BSC nêu quan điểm nên giao dịch cẩn trọng khi các yếu tố vĩ mô quốc tế đang có xu hướng thắt chặt, sẽ gây tác động tiêu cực phần nào đến nền kinh tế nội địa.
MBS khuyến khích xử lý danh mục theo cổ phiếu riêng lẻ, giữ tỷ trọng danh mục ở mức cân bằng và không mua đuổi trong các phiên tăng. Các nhóm cổ phiếu đang được dòng tiền tập trung có thể tiếp tục nắm giữ, trong khi nên bán những cổ phiếu đã để mất vùng đáy cũ.