Thị trường BĐS sẽ hồi phục sau 5-7 năm nữa
Cần 5-7 năm mới có thể hồi phục lại thị trường bất động sản Việt Nam, nhưng nếu không xử lý nợ xấu, đừng mong thị trường phục hồi là nhận định của ông Chris Brown, tổng giám đốc Cushman& Wakefield.
Tại hội thảo triển vọng hồi phục thị trường bất động sản (BĐS) tổ chức sáng nay ở TP HCM, các chuyên gia, nhà đầu tư cùng cơ quan quản lý nhìn nhận, nếu không nhanh chóng giải quyết nợ xấu, xử lý lượng hàng tồn kho khổng lồ hiện nay thì sẽ không thể cứu thị trường. Ông Chris Brown cho rằng nợ xấu trong BĐS của Việt Nam thực tế tăng từ 2008. Nhưng trong 18 tháng gần đây thì nợ xấu này trở thành độc hại, khi văn phòng, căn hộ không bán, cũng không cho thuê được. Tuy nhiên, con số 6% nợ xấu trong toàn hệ thống được công bố không làm vị chuyên gia này hài lòng.
Theo các chuyên gia, để giải quyết hết lượng hàng tồn kho BĐS khổng lồ hiện nay phải mất 5-7 năm. |
“Tôi tin tỷ lệ nợ xấu cao hơn con số báo cáo, mà hầu hết là ở lĩnh vực BĐS. Một số nhà bình luận còn khẳng định, BĐS chiếm hơn 70% nợ xấu của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện các khoản nợ xấu và tài sản liên quan không được công khai từ các ngân hàng và các chủ đầu tư. Đây là điều không có lợi cho nền kinh tế và thị trường”, ông Chris Brown nói.
Cũng theo ông Chris Brown, nếu ngân hàng và các chủ đầu tư không nhanh chóng giải quyết các khoản nợ xấu này, thị trường BĐS sẽ không thể phục hồi trong 5-7 năm nữa. Đây cũng là quan điểm của Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM Lê Hoàng Châu. Theo ông Châu, còn lâu thị trường BĐS mới hồi phục khi lượng hàng tồn kho hiện quá lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành, riêng tại quận 7, TP. HCM, chỉ cần nhẩm tính sơ bộ thì tồn kho căn hộ đã tương đương con số 20.000 căn.
Theo nguyên cứu của Dragon Capital, tổng BĐS tồn đọng của 2 thành phố lớn đã lên tới 70.000 căn hộ, mỗi nơi có 35.000 căn sẵn sàng bán mà không có giao dịch. Nếu mức giá trung bình 1,5 tỷ/căn thì ước tính tổng số vốn tồn đọng trong BĐS đã lên tới 100.000 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia ước tính, thông thường để giải quyết số lượng tồn kho này phải mất trong 7 năm.
Còn số liệu thống kê của hơn 60 doanh nghiệp BĐS đang niêm yết trên sàn chứng khoán, lượng hàng tồn kho đang chiếm 50% tổng tài sản của các doanh nghiệp này. Cá biệt một số doanh nghiệp có lượng hàng tồn lên đến 70-90% tổng giá trị tài sản. Phần lớn doanh nghiệp không có tiền mặt để hoạt động và trả nợ.
Giá nhà đất sau khi hồi phục sẽ không quay lại mức giá cao chót vót trước đây. |
Trong khi đó, giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định phải mất 7 năm mới có thể bán hết hàng tồn, phục hồi lại thị trường BĐS. Tuy nhiên, muốn phục hồi lại như xưa trong tình trạng giá vẫn cao như hiện nay sẽ tạo ra thị trường bất lợi. Nguyên nhân, theo ông Võ là chênh lệch giữa thu nhập của người dân và mức giá nhà đất quá lớn. Trong khi mức trung bình của thế giới là 2-4 lần thì ở Việt Nam là là 25 lần.
Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, có 2 việc phải làm ngay để thị trường phục hồi là giải quyết nợ tồn đọng, tăng cung ở phân khúc nhà giá rẻ, để tạo niềm tin cho thị trường.
Còn ông Chris Brown, tín hiệu tích cực để giải quyết nợ xấu BĐS là việc hình thành công ty quản lý, mua bán nợ xấu (VAMC). VAMC là hướng đi đúng để giải quyết nợ xấu, xử lý bán tài sản thế chấp. Song theo chuyên gia này, tài sản phát mãi phải được bán nhanh và bán với mức giá thấp hơn giá trị sổ sách, bán theo giá thị trường. Nếu bán tài sản phát mãi mà dựa vào giá gốc cách đây vài ba năm sẽ khó bán, vì giá lúc đó cao chót vót.
H.Linh
Theo infonet