Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thị trường bất động sản TP HCM chộn rộn đón ngày 1/7

Trước 1 tháng Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp đã chộn rộn chuẩn bị nhiều phương án đón đầu.

Căn hộ cao cấp đón sóng ngoại kiều

Phân khúc căn hộ cao cấp tại TP HCM từ đầu năm 2015 được cho là sôi sục trở lại, như thời kỳ thị trường “nóng sốt” giai đoạn 2007-2011.

Hàng loạt dự án cao cấp đã và đang được tung ra thị trường. Điểm qua một vài dự án lớn cho thấy, con số này có thể lên tới vài chục nghìn căn ở thời điểm hiện tại cho tới 1,2 năm tới. Đơn cử như Vinhomes Central Park 10.000 căn, Goldmark City với 5.000 căn, Masteri Thảo Điền 3.000 căn, Park Hill trên 4.000 căn, The Sun Avenue 1.860 căn, Imperia Garden 1.600 căn, Scenic Valley 1.200 căn… Một số dự án thậm chí còn đang rục rịch tăng giá trở lại, tạo thành điểm nóng của thị trường.

Thống kê sơ bộ từ Bộ Xây dựng mới đây cho thấy, tình hình giao dịch trên thị trường địa ốc hiện rất khả quan. Chỉ riêng TP HCM đã có trên 5.400 giao dịch thành công trong 4 tháng đầu năm 2015, gấp ba lần so với 2014. Đáng chú ý, theo các công ty nghiên cứu thị trường, khác biệt của “chợ” bất động sản (BĐS) trong quý I/2015 so với thời gian trước là sự lên ngôi mạnh mẽ của phân khúc căn hộ cao cấp.

Theo phân tích của các chuyên gia, điểm mấu chốt khiến thị trường bất động sản cao cấp sôi sục chính là từ tháng 7 tới, Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) chính thức ban hành, cho phép người nước ngoài được sở hữu nhiều loại hình BĐS tại Việt Nam. 

Các chủ đầu tư hy vọng nguồn kiều hối sẽ đổ mạnh vào bất động sản khi người nước ngoài được phép sở hữu nhiều loại hình BĐS tại Việt Nam. Ảnh: N.Khoa.
Đại diện bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam, cũng cho biết, từ cuối năm 2014, thị trường BĐS TP HCM đã đánh dấu việc giới đầu tư, đầu cơ quay trở lại phân khúc cao cấp, song chỉ với động thái thăm dò, thận trọng. Nhưng việc này lại là một trong những nguyên nhân khiến giá bán căn hộ cao cấp tăng nhẹ (hơn 5%).

Phát biểu tại hội thảo Bất động sản Việt Nam trong bối cảnh kinh tế xã hội1995- 2014”, tổ chức ngày 21/5 tại TP.HCM, ông Neil Macgregor, Tổng giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho rằng: “Việc chính phủ Việt Nam sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS, cho phép người nước ngoài và Việt kiều sở hữu nhà, sẽ tạo ra một làn sóng nhà đầu tư vào thị trường này”.

Cũng theo ông Neil Macgregor, Việt Nam là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Năm 2014, kiều hối về Việt Nam khoảng 12,5 tỷ USD. Đầu tư BĐS đang nhận được khoảng 17-20% tổng lượng kiều hối. Việc nới lỏng các điều kiện để Việt kiều và người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam đang khiến BĐS hấp dẫn nguồn vốn này.

Cấp bách tìm ngân hàng bảo lãnh cho người mua nhà

Song song với đón sóng ngoại tệ, các doanh nghiệp cũng “tính trước” khi bắt tay với ngân hàng thực hiện bảo lãnh bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo điều 56, Luật Kinh doanh BĐS.

Ông Bùi Hữu Phúc, Giám đốc đầu tư và phát triển Tập đoàn Novaland, cho biết, doanh nghiệp này vừa ký kết với VPBank cam kết thực hiện bảo lãnh cho người mua nhà đối với các dự án mà tập đoàn đang triển khai.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh cũng cho biết, công ty đang liên hệ với một số ngân hàng để đàm phán phương án bảo lãnh, sao cho đảm bảo được quyền lợi của khách hàng nhưng không gây khó cho doanh nghiệp. Nếu tìm được tiếng nói chung với ngân hàng sẽ nhanh chóng ký kết để bảo lãnh các dự án, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.

Theo ông Phúc, quy định bảo lãnh này sẽ đảm bảo tuyệt đối quyền lợi của người mua, củng cố niềm tin cho khách hàng và nhà đầu tư, giúp thị trường phát triển minh bạch, bền vững.

Đây là một quy định chặt chẽ, không chỉ bảo vệ người mua, mà bắt buộc các doanh nghiệp phát triển BĐS phải chuyên nghiệp, dự án phải tốt và thanh khoản cao.

“Tôi tin thị trường BĐS sẽ ấm trở lại, bởi khách hàng và các nhà đầu tư sẽ được bảo vệ quyền lợi tối đa khi mua nhà, an tâm hơn về nguồn vốn, từ đó họ cũng như mạnh dạn hơn khi quyết định mua”, ông Phúc nói.

Cùng quan điểm này, nhưng giám đốc một sản giao dịch tại quận 1 lại thận trọng hơn. Theo vị này, trong bối cảnh nguồn cung ồ ạt bung sau một thời gian dài trầm lắng, lòng tin của khách hàng vẫn chưa thực sự vững chắc đối với thị trường. Do vậy mà chủ đầu tư nào thực hiện nghiêm tinh thần của Luật kinh doanh BĐS sẽ có được lòng tin của khách hàng.

“Còn quá nhiều dự án chậm tiến độ, thậm chí có dự án không bàn giao nhà cho khách hàng như hợp đồng đã ký. Ngay khi ký kết hợp đồng bảo lãnh với chủ đầu tư, chúng tôi sẽ thay mặt chủ đầu tư đảm bảo quyền lợi của toàn bộ khách hàng. Cụ thể như hoàn lại số tiền khách đã thanh toán và các khoản tiền khác theo quy định trong hợp đồng đối với thời gian chậm trễ nếu có”, ông Phan Ngọc Hòa, Phó Tổng giám đốc VPBank, chia sẻ.

Tuy nhiên không ít người lo ngại, giá BĐS sẽ tăng thêm, do ngân hàng áp phí ký kết bảo lãnh này. 

Theo chia sẻ của một doanh nghiệp, phí bảo lãnh mà các ngân hàng dự kiến thu sẽ vào khoảng 1-2% tổng mức đầu tư dự án. Nếu phải nộp khoản chi phí này doanh nghiệp sẽ phân bổ vào giá bán. Theo ước tính, chi phí này sẽ góp phần đẩy giá căn hộ tăng lên mức từ 400.000-600.000 đồng/m2.

Điều 56: Bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhàhình thành trong tương lai

1. Chủ đầu tư dự án trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được tổ chức tài chính hoặc tổ chức tín dụng thực hiện bảo lãnh việc bán, cho thuê.

2. Nội dung và phí bảo lãnh do các bên thỏa thuận, phải được lập thành hợp đồng. Hợp đồng bảo lãnh có thời hạn cho đến khi nhà ở được bàn giao.

3. Trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo thỏa thuận, bên mua, bên thuê có yêu cầu thì bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác theo hợp đồng bảo lãnh đã ký kết…

 

 

 

H.Linh

Bạn có thể quan tâm