Theo Vogue Business, bán lại giày thể thao trở thành ngành kinh doanh có lợi nhuận cao những năm gần đây. Công việc này khuyến khích nhiều cửa hàng và nền tảng chuyển sang hình thức bán lại. Trọng tâm là giày thể thao phiên bản giới hạn.
Định giá thị trường bán lại giày
Một trong những mô hình kinh doanh sáng tạo hiện nay là thương hiệu bán lẻ liên kết với nhà đấu giá. Mục đích của việc hợp tác là tiếp cận các khách hàng mới, có mức chi tiêu cao.
Theo ước tính từ công ty đầu tư Cowen, các chuyên gia bán lại giày thể thao đã xây dựng được cộng đồng lớn những người đam mê thời trang đường phố. Đại diện công ty này cho biết thị trường bán lại toàn cầu được định giá 6 tỷ USD vào năm 2019, trong khi tổng doanh số bán giày thể thao chạm ngưỡng 100 tỷ USD. Nó được dự báo trị giá 30 tỷ USD vào năm 2030.
Khi thị trường nóng lên, những trang web bán lại chịu áp lực phải tìm cách để chống lại đối thủ cạnh tranh. Bởi về cơ bản, các thương hiệu này làm giống nhau về mọi khâu như xác thực sản phẩm, giúp giao dịch diễn ra suôn sẻ nhất có thể.
Thị trường bán lại toàn cầu được đính giá 6 tỷ USD vào năm 2019. Ảnh: Highsnobiety. |
Loại đầu tư mới
Tháng 7/2019, công ty bán lẻ Stadium Goods từng hợp tác với nhà đấu giá Sotheby's để bán 100 đôi giày. 99 đôi trong số đó được mua bởi một nhà sưu tập với giá 850.000 USD.
Caitlin Donovan - phó chủ tịch kiêm trưởng bộ phận bán hàng của nhà đấu giá Christie's - cho rằng giày thể thao là loại tài sản đang có sức hấp dẫn lớn với nhà sưu tập.
"Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm rộng rãi từ các khách hàng khác nhau. Với mỗi lần giao dịch, chúng tôi thấy con số kỷ lục mới cho những đôi giày thể thao đắt nhất trong phiên đấu giá", Caitlin nói.
Mặt khác, uy tín là một trong những yếu tố then chốt đối với người bán. Các nhà đấu giá có danh tiếng tốt giúp công ty bán lẻ nâng cao uy tín thông qua sự liên minh.
Anusha Couttigane - nhà phân tích thời trang - nhận định phong cách đường phố ngày càng được ưa chộng. Những xu hướng này khiến các nhà đấu giá nhận ra giá trị của giày thể thao, dù họ không có nhiều chuyên môn trong việc tiếp cận tệp khách hàng.
Christie's không có nhiều đối tượng cho giày Nike vì đó không phải là cơ sở khách hàng điển hình của họ. Ảnh: The Sole Supplier. |
Ảnh hưởng của thị trường bán lại với thương hiệu
Sự tăng trưởng liên tục của thị trường bán lại phụ thuộc vào chiến lược tiếp thị tiến bộ từ các thương hiệu lớn như Nike, adidas, Louis Vuitton, Gucci... Đồng thời, các trang web bán lại muốn tiến gần hơn đến thương hiệu.
Các nhãn hàng nhận ra những nền tảng bán lại mang đến lợi thế nhưng cũng có trở ngại.
Về mặt tích cực, việc tham gia vào các trang web bán lại giúp tăng khả năng hiển thị cho thương hiệu thời trang trên "chợ xám". Đây vốn là vấn đề thường xuyên đối với hàng xa xỉ. Khi sản phẩm được giao dịch trên thị trường đồ cũ, thương hiệu khó biết được khách hàng là ai. Việc hợp tác với công ty bán lại cung cấp khả năng hiển thị của người tiêu dùng đó.
Doanh nghiệp bán lại có thể rút bài học về tiếp thị từ các nhà đấu giá. Bởi họ là những chuyên gia quản lý và kết nối để thu hút người tiêu dùng sang trọng.
Các nền tảng bán lại mang đến lợi thế, đồng thời gây trở ngại cho thương hiệu. Ảnh: Sohu. |
Mặt khác, công ty bán lại đang mở rộng phạm vi tiếp cận của mình. Họ mở cửa hàng và mang về bộ sưu tập thời trang từ các thương hiệu. Theo ý kiến của chuyên gia, những món đồ giới hạn khiến nhu cầu mua sắm tăng cao. Điều này tạo xu hướng đẩy giá lên cao đối với các nhà cung cấp.
Từ đó, mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng sẽ trở nên căng thẳng là mối lo ngại của thương hiệu.
"Thương hiệu tung ra đôi giày với giá 150 USD. Nó đột nhiên được bán lại với giá 300 USD. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa thương hiệu và người tiêu dùng", Matt Powell - phó chủ tịch và cố vấn cao cấp của NPD Group - nói.
Ngoài ra, việc dập tắt vấn đề hàng giả là ưu tiên hàng đầu của các bên. Thành công của việc bán lại chủ yếu dựa vào việc cải thiện quy trình xác thực.
Hoạt động kinh doanh bán lại giày ngày một phát triển. Ảnh: Ape To Gentleman. |