Thị trường audio Việt: chông gai phía trước
Trong xu hướng khó khăn chung, các trung tâm hi-end audio nở rộ một thời trước đây đang dần đi vào quên lãng. Những tay chơi audio cũng chấp nhận bán rẻ đồ trước đó từng là gia tài tiền tỷ.
Thời cực thịnh, các nhà phân phối thiết bị audio hàng đầu ở Việt Nam còn chung nhau lập nên “thiên đường mua sắm hi-end audio”, tọa lạc trên tòa cao ốc khá bề thế tại đường Trần Cao Vân (quận 1, TP.HCM). Mô hình này khá tương đồng với các trung tâm hi-end của Singapore, Thái Lan, Hong Kong... nhẽ ra sẽ rất phát triển và góp phần thúc đẩy thị trường hi-end Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, nếu không có sự suy thoái của kinh tế Việt Nam ngay sau đó.
Thực ra, sự đi xuống của thị trường chứng khoán cuối năm 2007, đầu năm 2008 đã báo trước cho thời kỳ suy thoái kéo dài. Song người ta vẫn lạc quan và đặt nhiều hy vọng đến mù quáng vào thị trường bất động sản để rồi cũng theo chân thị trường chứng khoán “ra đi” vào năm 2010. Tiếp đó là hầu hết ngành nghề kinh tế đều chịu ảnh hưởng nặng của suy thoái, để rồi đến nay vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu tích cực nào.
Khi mà giá cổ phiếu rẻ hơn một ly trà đá, cả trăm nghìn biệt thự, căn hộ bỏ hoang ê hề thì khó khăn kinh tế chẳng từ một ai. Nhiều audiophile đã phải từ bỏ cuộc chơi tốn kém, bán rẻ món đồ để lấy tiền trang trải. Thậm chí, anh D - tay chơi nổi tiếng trong giới sưu tầm băng, đĩa cổ tại Hà Nội - đã phải dằn lòng kêu gọi bạn bè cùng giới “cầm” hộ hàng trăm cuốn băng quý, mà nếu trước đây lỡ có ai mở lời hỏi mua hẳn sẽ bị mắng té tát. Vài trăm cuốn băng có giá trị sưu tầm cao nay lại mang trọng trách mới - đổi lấy tiền nuôi công nhân - anh D vốn là kiến trúc sư, kiêm chủ thầu xây dựng: “…khi nào có tiền, cho mình chuộc lại”. Giọng anh D run run khiến các bạn chơi không khỏi thương cảm.
Sự ảm đạm của thị trường audio Việt khiến cho nhiều người kinh doanh lĩnh vực này ngán ngẩm. |
Trong câu chuyện khác, một Việt kiều về định cư tại Việt Nam nhiều năm trước đã mang theo cả một “gia tài” với những thiết bị có giá trị sưu tầm cao từ các thương hiệu audio hàng đầu như: Sonus Faber, Audio Physic, Meridian, Jadis... nay cũng lần lượt tiếc nuối rao bán bộ sưu tập với mức giá chỉ còn phân nửa so với giao dịch trên thị trường thế giới, song cũng không mấy người mặn mà. Bởi thích thì thích vậy, nhưng mấy ai đủ tiền và có tâm trạng để chơi audio trong thời buổi này?!
Trong khi đó, các nhà phân phối cũng bị ảnh hưởng nặng nề do sức mua giảm sút nghiêm trọng. Khi được hỏi, hầu hết đều lắc đầu ngán ngẩm cùng thốt ra một từ: “ế”! Đặc biệt ế ở những món hàng đắt tiền, từ năm, bảy nghìn USD trở lên. Ngay cả trung tâm mua sắm Hi-end Zone, giấc mơ của thị trường audio Việt cũng phải đóng cửa với sự tiếc nuối của nhiều nhà phân phối. Ít thì vài trăm triệu, nhiều thì cả tỷ đồng đầu tư chưa nóng chỗ đã buộc phải bỏ ngang vì cơ hội thu hồi vốn quá thấp. Nhiều thương hiệu phân phối lớn trước đây thuê ba, bốn cửa hàng mặt phố nay rút lại chỉ còn một cửa hàng nhỏ, đủ để làm chỗ giao dịch. Có nhà phân phối không kham nổi tiền thuê mặt bằng tại các phố trung tâm, phải bằng lòng rút vào ngõ nhỏ hoặc bán cầm chừng ở nhà, bỏ mối đại lý.
Tuy nhiên, suy thoái không chỉ mang đến những yếu tố tiêu cực. Trong khi phân khúc hi-end khó khăn, những thiết bị vừa tiền, chất lượng tốt, âm thanh khá lại có cơ hội phát triển do người chơi giờ đây không còn chạy theo thương hiệu. Với kiến thức tích lũy sau nhiều năm chơi máy và túi tiền hạn hẹp, người chơi ngày một khó tính và tinh tường hơn. Các món đồ giá vài trăm USD đến trên dưới 1.000 USD vẫn tiêu thụ được. Cũng có thể, đây là cơ hội tốt để thị trường audio thanh lọc các nhà phân phối, các sản phẩm có chất lượng thực sự, mang lại nhiều giá trị tinh thần cho người chơi mà không khiến họ phải bỏ ra số tiền quá lớn cho các sản phẩm bị đội giá vì chi phí cho thương hiệu và các hoạt động marketing.
Giờ đây, nhiều tay chơi audio cũng bơ phờ trong cơn bão suy thoái. Một mặt vật lộn chống chọi với những khó khăn kinh tế, mặt khác vẫn kiên trì theo đuổi niềm đam mê một cách... cầm chừng. Các nhà phân phối cũng đang trong giai đoạn thanh lọc sản phẩm, rà soát lại các kênh tiêu thụ hàng hóa, tập trung chăm sóc khách hàng quen, nâng cao dịch vụ và giảm thiểu chi phí để chờ thời.
Có thể thấy, chu kỳ phát triển của các mặt hàng xa xỉ thường chậm hơn một nhịp, tính bằng 5 năm so với các mặt hàng thiết yếu. Trong trường hợp kinh tế đi lên, cũng phải mất vài năm người ta mới trở lại thói quen tiêu dùng trước đây. Và sau một thời gian tích lũy, thông thường, việc sang nhà cửa, trang bị nội thất hay mua xắm xe cộ thường được ưu tiên hàng đầu, sau đó mới đến các thú chơi khác, mà audio hay hi-end audio chỉ là một trong số đó.
Rất khó để nói khi nào thị trường audio sẽ tăng trưởng trở lại, bởi còn phụ thuộc vào rất nhiều thị trường khác và sức khỏe của cả nền kinh tế, cũng như túi tiền của từng audiophile. Song nhiều người vẫn hy vọng thời điểm ấy không quá xa, bởi thị trường audio tăng trưởng đồng nghĩa với việc cuộc sống cũng đã “dễ thở” hơn rất nhiều.
Theo Sống Mới