Căn cứ quen thuộc của lính Mỹ đóng ở Seoul đang bước vào những ngày cuối. Sau hơn 60 năm, Mỹ chuẩn bị đóng cửa nơi đồn trú của binh lính ở trung tâm thủ đô Hàn Quốc. Đối với nhiều người đã dành cả sự nghiệp ở doanh trại Yongsan và coi đây là nhà, cuộc đời họ sắp sang một trang mới.
“Tôi đang chứng kiến chính quê hương mình dần mất đi”, John Nowell, 77 tuổi, nói với Wall Street Journal. Ông là lính Mỹ về hưu, đã chuyển đến Yongsan năm 1965, khi xe bò vẫn chạy khắp các con phố Seoul.
Giờ đây, những cầu môn rỉ sét nhìn ra ngôi trường đã đóng cửa. Khu vườn trước các dãy nhà kiểu Mỹ đã chuyển màu úa tàn. Những vỉa hè hẹp chỉ đủ hai người tránh nhau đã có vết nứt.
Cuối năm nay, gần như toàn bộ 20.000 lính Mỹ và gia đình sẽ chuyển từ Yongsan đến Humphreys, căn cứ với chi phí xây dựng 11 tỷ USD và là căn cứ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, cách Seoul 64 km về phía nam.
Căn cứ Yongsan của quân đội Mỹ ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào tháng 6. Ảnh: Wall Street Journal. |
Thị trấn Mỹ giữa lòng thủ đô Hàn Quốc
Căng thẳng có thể đã giảm so với khi lính Mỹ bắt đầu đóng ở Hàn Quốc thời Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Nhưng hiệp định hòa bình vẫn chưa được ký. Bình Nhưỡng tiếp tục gây hấn bằng các cuộc thử tên lửa tầm ngắn vào tháng trước. Liên quân Mỹ - Hàn vẫn tập trận chung để răn đe, và các cuộc đàm phán giữa ông Trump và ông Kim Jong Un hai năm qua chưa đem lại tiến triển rõ rệt.
Việc Yongsan đóng cửa cũng là kết thúc cho một khu vực mang đậm chất “thị trấn Mỹ” giữa lòng thủ đô của Hàn Quốc.
Đối với những ai đã gắn bó với nơi này, sự thay đổi không hề dễ dàng. “Tôi đã mất hầu hết khách quen của mình”, Kim Sam Sook, 78 tuổi, chủ một quán bar nhạc đồng quê gần Yongsan, nói với Wall Street Journal.
Một bức tranh Theodore Roosevelt được treo bên cạnh lá cờ Liên minh (tức phe Confederate trong nội chiến Mỹ - lực lượng phía nam muốn giữ chế độ nô lệ), trên bức tường dán đầy tờ tiền 1 USD. Bà Kim là góa phụ. Chồng bà người Mỹ từng chiến đấu trong Chiến tranh Triều Tiên. Bà sợ rằng quán sẽ phải đóng cửa.
Khu vực quanh Yongsan từng là nơi tai tiếng với các chợ đen bán đồ Mỹ, như mayonnaise tuồn ra từ căn cứ, hay các nhà chứa lính Mỹ thường lui tới.
Tình hình sau đó đã được cải thiện khi nền kinh tế Hàn Quốc phát triển hơn. Cũng vì cuộc sống khấm khá hơn mà Yongsan không còn là nơi duy nhất có nhãn hiệu Taco Bell, các quán bar chiếu bóng bầu dục hay những cuốn sách nhập từ Mỹ.
Yongsan giờ đây được bao quanh bởi các tòa nhà, trụ sở công ty lấp lánh ánh đèn. Đi ra ngoài căn cứ vài dãy nhà, lính Mỹ có những lựa chọn ăn uống quen thuộc như ở quê nhà như Halal Guys hay Original Pancake House.
Trong khi Yongsan, một “mảnh” của nước Mỹ ở Hàn Quốc, sắp đi vào dĩ vãng, một ốc đảo Mỹ khác lại đang trỗi dậy - cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Căn cứ Humphreys nằm ở thị trấn ven biển yên lặng Pyeongtaek, nổi tiếng với lê và dưa chuột, rộng gấp 7 lần Yongsan. Từ một điểm đóng quân nhỏ của Mỹ, nơi này đã được nâng lên 2,5 m để chống ngập. Dân số ở đây dự đoán sẽ vượt quá 40.000.
Gần như toàn bộ 20.000 lính Mỹ và gia đình đóng ở căn cứ Yongsan ở Seoul sẽ chuyển đi vào cuối năm nay. Ảnh: Wall Street Journal. |
Căn cứ mới có những tòa nhà chung cư 12 tầng, sân bóng chày và nơi để nướng thịt BBQ. Trong 5 trung tâm mua sắm, cư dân có thể tìm thấy các cửa hiệu quen thuộc của Mỹ, mua vitamin ở GNC hay tìm sách về leo núi ở Timberland. Họ có thể mua bánh kẹp thịt bò phô mai kiểu Philadelphia (cheesesteak) ở Charley’s hay thịt gà Trung Hoa kiểu General Tso’s ở tiệm Manchu Wok.
Sẽ thành công viên Yongsan?
Việc chuyển căn cứ diễn ra giữa bối cảnh liên minh quân sự đang gặp một số trắc trở. Seoul hủy bỏ thỏa thuận chia sẻ tin tình báo với Tokyo, Washington bất bình vì động thái này cản trở khả năng của các bên đối phó với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh và Moscow. Tổng thống Trump thì liên tục yêu cầu Hàn Quốc trả nhiều tiền hơn cho lính Mỹ.
Dù vậy, hơn 2/3 người dân Hàn vẫn ủng hộ sự hiện diện quân sự của Mỹ trong tương lai, theo các thăm dò. Người Mỹ phục vụ ở Hàn Quốc cũng coi đây là quê hương thứ hai.
Căn cứ mới Humphreys tiêu tốn 11 tỷ USD và là căn cứ lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài, cách Seoul 64 km về phía nam. Ảnh: Wall Street Journal. |
Trong khi đó, người Hàn Quốc đang xem phải làm gì với Yongsan, nơi đã luôn do Nhật hoặc Mỹ kiểm soát từ 115 năm nay. Một số cư dân địa phương nói nên xây nhà ở xã hội cho người cần hỗ trợ về nơi ở, nhưng chính phủ lại nghĩ khác.
“Sẽ xây lại nó thành công viên Yongsan”, Kim Hyun Mee, Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc, phát biểu trong một sự kiện vào năm ngoái. Đề xuất xây công viên bao gồm hồ nước và một đường tàu điện ngầm mới chạy qua điểm từng là doanh trại.
Sau hơn 5 thập kỷ sống ở Yongsan, ông Nowell, người lính Mỹ về hưu, ví việc đóng cửa Yongsan như những xí nghiệp tại các thị trấn nhỏ ở Mỹ, nơi cũng đang dần đóng cửa do sản xuất chuyển sang Trung Quốc.
“Đúng là một thời đã qua, đã hết rồi”, ông nói với Wall Street Journal.