Theo Báo Điện tử Chính phủ, báo cáo của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại phiên họp Chính phủ thông tin, năm nay, thí sinh THPT thi 3 bài thi bắt buộc và một bài thi tự chọn. Thời gian thi tốt nghiệp THPT được rút ngắn còn 2 ngày với 4 buổi thi. Đề thi giảm bớt áp lực cho học sinh. Các trường đại học, cao đẳng chủ động hơn trong phương án tuyển sinh.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Ảnh: V.L. |
Thí sinh THPT thi 3 bài bắt buộc và một bài tự chọn trong 2 bài tổ hợp (Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội).
Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp năm nay có một số thay đổi. Ở kỳ thì năm 2019, thí sinh dự thi trong 4 ngày, được chọn cả hai bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.
Năm nay, kỳ thi gồm các bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngũ, hai bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Trong đó, bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên gồm 3 môn thành phần Vật lý, Hóa học và Sinh học.
Bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm 3 môn thành phần Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân (đối với thí sinh là học sinh Giáo dục THPT); gồm 2 môn thành phần Lịch sử, Địa lý (đối với thí sinh là học viên Giáo dục Thường xuyên).
Mỗi bài thi tổ hợp có điểm toàn bài để xét công nhận tốt nghiệp THPT và điểm các môn thành phần để hỗ trợ khai thác sử dụng kết quả thi cho các mục đích khác.
Thí sinh THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp (Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội).
Thí sinh là học viên Giáo dục Thường xuyên phải thi 2 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và một bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp (Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội). Bên cạnh đó, thí sinh Giáo dục Thường xuyên có thể dự thi thêm bài thi Ngoại ngữ.
Thí sinh tự do tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 không nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT được dự thi các bài độc lập. Bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng.
Thời gian làm bài thi cụ thể là: Ngữ văn (120 phút); Toán (90 phút); Ngoại ngữ (60 phút); bài thi Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội (50 phút đối với mỗi môn thi thành phần). Kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày với 4 buổi tương ứng với 4 bài thi.
Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Nội dung thi phù hợp với nội dung tinh giản chương trình đã được Bộ GD&ĐT công bố.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phương án thi như trên sẽ tạo động lực, thái độ học tập tích cực cho học sinh, nhất là trong bối cảnh học sinh không đến trường do dịch Covid-19 như hiện nay. Kỳ thi góp phần duy trì được nền nếp dạy, học trong các cơ sở giáo dục.
Kỳ thi được đánh giá gọn, nhẹ hơn năm trước. Đề thi được xây dựng phù hợp với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và nội dung chương trình tinh giản đã công bố (cả về nội dung, độ khó, thời gian làm bài thi). Điều này làm giảm bớt áp lực cho học sinh.
Về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết các trường triển khai theo tinh thần tự chủ, đúng quy định của Luật Giáo dục đại học. Các trường thực hiện phương thức tuyển sinh khác nhau như: Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học THPT (học bạ), phỏng vấn, kiểm tra... hoặc bổ sung các cách đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp.
Các trường tốp đầu, có mức độ cạnh tranh cao có thể tổ chức kỳ thi riêng theo quy định của Bộ GD&ĐT (ví dụ kỳ thi đánh giá năng lực) để tuyển sinh. Kỳ thi này do các trường tự tổ chức độc lập hoặc liên kết thành nhóm tuyển sinh.
Các trường thể tổ chức tuyển sinh nhiều đợt khác nhau trong năm. Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy chế tuyển sinh phù hợp với quy định tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học theo Luật Giáo dục đại học.