Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp chứ không phải đại học'

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu quán triệt tinh thần thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp, không phải là kỳ thi đại học.

Thông tin trên được Phó Thủ tướng nêu khi dự hội nghị triển khai công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018 vào chiều 15/6.

Không được chủ quan

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin năm nay, Thủ tướng không phải ra một chỉ thị riêng về kỳ thi THPT quốc gia, điều đó thể hiện qua 3 năm thực hiện đổi mới, kỳ thi THPT quốc gia tương đối ổn định.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các trường ĐH, CĐ quán triệt quan điểm kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp chứ không phải là kỳ thi đại học.

Vì thế, tất cả phương thức tổ chức phải phục vụ cho mục đích này, không phục vụ cho việc tuyển sinh đại học. Sự tham gia của các trường ĐH, CĐ vào việc tổ chức kỳ thi không chỉ cần thiết, liên quan tới chất lượng đầu vào của chính các trường đại học, mà còn là trách nhiệm xã hội.

thi thpt quoc gia 2018 anh 1
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: P.T.

"Chúng ta phải tăng vai trò tham gia của các trường đại học, cao đẳng không dừng lại ở phối hợp. Mỗi cán bộ, giảng viên được coi như cán bộ của trung ương cử xuống địa phương để giám sát việc tổ chức kỳ thi. Kỳ thi tổ chức khách quan, trung thực sẽ là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng, được giao quyền tự chủ ngày càng cao, làm tham khảo, phục vụ cho công tác tuyển sinh", Phó Thủ tướng nêu. 

Theo Phó Thủ tướng, tổ chức kỳ thi không chỉ là việc của ngành giáo dục mà của toàn xã hội, từ các lực ượng tham giao bảo vệ an ninh, an toàn kỳ thi đến những tấm gương tình nguyện giúp đỡ học sinh, phụ huynh trong những ngày thi. Qua đó, không chỉ giúp các thí sinh có được một kỳ thi tốt, mà những hành động rất cao đẹp, cảm động cũng giúp nhân lên giá trị, đạo đức tốt đẹp trong cuộc sống.

Về phía Bộ GD&ĐT nhấn mạnh công tác chuẩn bị kỳ thi càng thuận lợi, càng phải cẩn thận, không được chủ quan để xảy ra những sự cố đáng tiếc, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị thời gian tới các trường ĐH, CĐ chủ động phối hợp với các địa phương trong công tác tổ chức thi, cử đủ cán bộ, giảng viên về coi thi tại các địa phương; tổ chức phổ biến kỹ, nghiêm túc quy chế, tập huấn nghiệp vụ coi thi; phối hợp với các địa phương kiểm tra và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất..

Cho tự chủ tuyển sinh nhưng siết hậu kiểm

Về công tác chuẩn bị xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết có 381 đơn vị tham gia xét tuyển với 449.559 chỉ tiêu, tăng 1,2% so với năm 2017.

Hệ thống đăng ký tuyển sinh sơ bộ ghi nhận 2,75 triệu nguyện vọng, tỷ lệ nguyện vọng/chỉ tiêu đạt 6,04; 89,51% số nguyện vọng tập trung vào 5 tổ hợp tuyển sinh truyền thống, còn lại là 400 tổ hợp với 10,49% nguyện vọng.

Năm nay, việc xét tuyển ĐH, CĐ có hai điểm mới nổi bật là các trường tự xác định điểm sàn, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, ngay tại hội nghị, nhiều trường đại học cho biết dù được nới lỏng như vậy nhưng các trường sẽ tuyển sinh bằng mọi giá bởi lo ngại sẽ ảnh hưởng đến uy tín lâu dài nếu tuyển nhiều mà chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng.

"Những trường đã kiểm định được tự xác định chỉ tiêu còn các trường chưa được kiểm định thì tự xác định chỉ tiêu nhưng không vượt quá so với chỉ tiêu các năm trước", bà Phụng lưu ý.

Đại diện các trường đề nghị Bộ GD&ĐT sớm công bố phổ điểm, mở cổng thông tin tuyển sinh… để các trường chủ động xác định sớm điểm sàn xét tuyển. Đáng chú ý, nhiều trường mong muốn Bộ GD&ĐT đẩy mạnh việc công bố chỉ tiêu sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng như thước đo chất lượng đào tạo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh các trường đại học phải hết sức coi trọng công tác dự báo, cơ cấu nghề nghiệp để xác định chỉ tiêu, mở ngành đào tạo để tránh tình trạng "đưa chỉ tiêu nhiều nhưng thí sinh không vào". Các trường cần chú trọng tới điều kiện chất lượng đào tạo, chấp nhận tuyển sinh ít trong một vài năm để củng cố cơ sở vật chất bảo đảm tăng chỉ tiêu bền vững trong tương lai.

"Hiện có 60% các trường tham gia xét tuyển theo nhóm, nhờ đó đã giúp ‘lọc ảo’ hiệu quả. Vì vậy, các trường nên nghiên cứu, tham gia tích cực. Bên cạnh đó, năm nay Bộ sẽ tăng cường hậu kiểm sau khi các trường công bố đề án tuyển sinh về chỉ tiêu tuyển sinh", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Nói thêm về việc xử lý "ảo" trong tuyển sinh đại học, cao đẳng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là trách nhiệm của các trường.

Học sinh, phụ huynh muốn mọi sự công khai, minh bạch. Học sinh có quyền đăng ký vào rất nhiều trường và khi đủ điều kiện trúng tuyển vào nhiều trường thì các em có quyền chọn một trường mà mình thích. Các trường phải coi việc là bình thường và thuộc trách nhiệm giải quyết của trường không lên đẩy ra xã hội.

Hà Nội bắt đầu in sao hơn 700.000 đề thi THPT quốc gia 2018

Ngày 14/6, ĐH Bách khoa Hà Nội bắt đầu in sao đề thi THPT quốc gia cho cụm thi của Sở GD&ĐT Hà Nội.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm